Thách thức và nguy cơ đối với chất lượng tri thức học thuật: Quan điểm của các bên liên quan từ 17 quốc gia

Nghiên cứu của nhóm tác giả Jesse C. Starkley và cộng sự tập trung tìm hiểu về vấn đề quản lý chất lượng các công trình khoa học từ điểm nhìn của các bên trực tiếp liên quan đến quá trình sản xuất các tri thức khoa học đó, thông qua việc áp dụng mô hình chất lượng của Harvey và Green (1993).

Hiện nay, đa số các nhà nghiên cứu thường đánh giá chất lượng các công trình khoa học thông qua quy trình phản biện/bình duyệt - một phương thức đảm bảo chất lượng được tiến hành sau khi nghiên cứu đã hoàn tất. Bài viết này, ngược lại, tìm hiểu cách thức các dự án nghiên cứu được kiểm soát chất lượng bởi các bên trực tiếp tham gia vào quá trình thực hiện nghiên cứu, và trước khi quy trình phản biện/bình duyệt được tiến hành. Đây là một lĩnh vực vẫn chưa được chứng minh bằng các dữ liệu thực chứng.

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu với 48 đáp viên, bao gồm các học giả, nhà quản lý, nhân viên thư viện và một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, từ tháng 3 đến tháng 10/2020. Các đáp viên có quê quán tại 17 quốc gia và sinh sống tại 18 quốc gia khác nhau.

Bằng cách chuyển từ các phỏng vấn theo từng lĩnh vực cụ thể sang một khái niệm rộng hơn về chất lượng trong sản xuất tri thức học thuật, nghiên cứu của nhóm tác giả nhấn mạnh rằng chất lượng không thể dễ dàng được định lượng hoặc chỉ dựa vào các yếu tố đạo đức và giá trị. Chất lượng trong sản xuất tri thức học thuật, đối với các bên trực tiếp tham gia vào quá trình này, đòi hỏi năng lực chuyên môn về cơ khí và kỹ thuật, và sự cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao về sự trung thực và liêm chính nghiên cứu - ngay cả khi nguy cơ họ bị theo dõi hay bắt gặp vi phạm những điều này trong quá trình tiến hành đề tài là rất thấp.

Mặc dù đa số các học giả thường được tin tưởng trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức này trong quá trình tiến hành nghiên cứu, nhưng các quy ước về diễn ngôn học thuật, chẳng hạn như yêu cầu viết phần phương pháp nghiên cứu một cách chi tiết chi tiết, đảm bảo sự tuân thủ này bằng cách yêu cầu các học giả chứng minh rằng họ đã thực hiện liêm chính học thuật một cách đúng đắn. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy có sự rạn nứt giữa nhận thức của các tổ chức và các cá nhân về chất lượng. Bản thân các bên liên quan trong quy trình sản xuất tri thức coi những quy trình này như các chỉ báo về chất lượng, phù hợp với giả định của Harvey rằng “chất lượng là một yếu tố có tính động và luôn thay đổi,” và tin rằng sự chuyển đổi diễn ra cùng với sản xuất tri thức không thể được nắm bắt bằng các phương pháp “đánh giá trạng thái tĩnh” vốn có theo cách khái niệm hoá yếu tố chất lượng của Harvey và Green.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Starkey, J. C., Koerber, A., Cummins, R. G., Ardon-Dryer, K., Eko, L., & Kee, K. F. (2022). Challenges and threats to quality in scholarly knowledge production: views of selected stakeholders from 17 countries. Discover Education, 1(1). https://doi.org/10.1007/s44217-022-00007-w

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Thách thức và nguy cơ đối với chất lượng tri thức học thuật: Quan điểm của các bên liên quan từ 17 quốc gia tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19