Một số khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam – tăng cường nguồn lực tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học (Phần 3)

Ngoài các chính sách về đã đề cập trước đó như các chính sách về học phí, học bổng, tín dụng sinh viên hay hiến tặng, chuyển giao tri thức thì các cơ sở giáo dục đại học có thể tăng cường nguồn lực tài chính thông qua các chính sách thuế và thu hút sinh viên nước ngoài.

Chính sách về thuế trong giáo dục đại học

Giáo dục đại học nói riêng, giáo dục và đào tạo nói chung là lĩnh vực được xếp vào diện “đầu tư cho tương lai”, luôn được ngân sách nhà nước quan tâm chăm lo trên cả 2 khía cạnh: Một là, cơ bản không thu thuế hoặc chỉ động viên ở mức “tượng trưng”; Hai là, bảo đảm ưu tiên chi ở mức cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu theo dự toán được duyệt (Nguyễn Thùy Linh, 2020).  

Hiện nay, các chính sách ưu đãi đã về thuế trong giáo dục đại học như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học đã được triển khai. Ngoài ra, Chính Phủ còn có các ưu đãi về Thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu đối với dịch vụ đào tạo cũng như đầu vào của giáo dục đại học; miễn tiền thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế sử dụng đất hàng năm đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Giáo dục là hoạt động sự nghiệp (kể cả cơ sở giáo dục công lập hay tư thục), các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đều hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận. Dó đó, với khối tài sản không chia (không chia lãi) và mang lại lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng thì việc miễn thuế cho các hoạt động liên quan tới giáo dục đại học là điều cần thiết. Nó không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước, cho các cơ sở giáo dục đại học mà còn giúp giảm học phí, dễ dàng thu hút được các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính cho giáo dục đại học. Cụ thể:

Có thể áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho giáo dục. Nếu được áp dụng thuế suất 0%, chi phí đầu vào cho giáo dục sẽ giảm được đáng kể; Giá cả dịch vụ cũng giảm tương ứng, điều này giúp cho chi phí của các bên liên quan đều giảm, đặc biệt là học phí. Với mức học phí giảm sẽ tạo được nhiều cơ hội cho thanh thiếu niên tiếp cận với giáo dục đại học. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học dần tự chủ tài chính khiến học phí tăng cao. Ngoài ra, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có thêm nguồn lực tài chính tái đầu tư cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và hoạt động cộng đồng. Các khoản thu nhập được miễn thuế nên gồm tất cả các thu nhập của cơ sở giáo dục đại học kể cả thu nhập từ các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ của các trường. Đồng thời với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động phi lợi nhuận, không chia lãi dưới mọi hình thức cho các nhà đầu tư hay các bên góp vốn. Các đơn vị đầu tư, tài trợ cho hoạt động giáo dục đại học hay cơ sở giáo dục đại học đều phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư phi lợi nhuận hoặc tài trợ không hoàn lại. Nguồn thu của doanh nghiệp nhận được từ cơ sở giáo dục đào tạo chi trả cho các hoạt động phối hợp liên quan đến thực hành, thực tập của người học là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các khoản tài trợ cá nhân, khoản đầu tư cá nhân cho hoạt động giáo dục đại học phải được tính là chi phí được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Đối với các cá nhân là cán bộ giáo dục, thuế TNCN nên được miễn với các khoản thu nhập từ khen thưởng và giải thưởng như thưởng nghiên cứu khoa học, giải thưởng khoa học, ứng dụng chuyển giao,…

Chính sách thu hút sinh viên quốc tế

Thu hút sinh viên quốc tế là chiến lược quan trọng nhằm giúp nhiều nước trên thế giới trong việc xuất khẩu giáo dục đại học. Hàng năm, sinh viên quốc tế có thể đem lại cho những nước có truyền thống thu hút sinh viên quốc tế như Anh, Hoa Kỳ, Australia… nguồn thu lên tới hàng tỷ dollar. Bên cạnh các nước nói tiếng Anh kể trên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, các nước không nói tiếng Anh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sinh viên quốc tế, nhiều chính phủ ở khu vực Đông và Đông Nam Á đã thực hiện các chiến lược chủ động nhằm thu hút sinh viên quốc tế, cả trong và ngoài khu vực. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan đã có các chiến lược tham vọng nhằm thu hút sinh viên quốc tế trong những năm vừa qua. Các chiến lược bao gồm: giảng dạy bằng tiếng anh, giáo dục xuyên quốc gia, kết nối quốc tế, tổ chức các khóa học và chương trình trao đổi ngắn hạn, học bổng, chi phí và học phí cạnh tranh  (Sugimura,2008; Chan, 2012;  Kell and Vogl, 2012; Vương et al., 2021). 

Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là tại các nước Đông Á và Đông Nam Á, có thể áp dụng một số giải pháp để xuất khẩu giáo dục đại học nhằm thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục đại học, cụ thể:

- Tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh. Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại nước ta đã có những chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh. Mặc dù vậy, cho đến nay, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh đã kết thúc và chưa có chương trình nào tiếp nối. Trong thời gian tới, Chính phủ có thể tiếp tục những chương trình hỗ trợ phù hợp, tương tự như Chương trình tiên tiến nhằm đẩy mạnh việc sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ giảng dạy tại các cơ sở GDĐH. Đồng thời, bản thân các cơ sở GDĐH cũng cần chủ động trong việc thúc đẩy hoạt này. 

- Thúc đẩy các chương trình liên kết quốc tế (giáo dục xuyên quốc gia). Chương trình liên kết quốc tế thực tế cũng đã tồn tại ở các cơ sở GDĐH tại Việt Nam hơn 20 năm vừa qua. Mặc dù vậy, vấn đề của các chương trình này là mới giúp sinh viên Việt Nam có thể “du học tại chỗ” (lấy bằng quốc tế tại Việt Nam), nhưng chưa từ đó, thu hút được sinh viên quốc tế (tương tự như cách các chương trình liên kết quốc tế tại Malaysia hay Trung Quốc làm được). Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể áp dụng chính sách yêu cầu bắt buộc các chương trình liên kết quốc tế phải có một tỷ lệ sinh viên quốc tế nhất định.  

- Thúc đẩy kết nối quốc tế. Có nhiều biện pháp giúp thúc đẩy kết nối quốc tế, ví dụ thông qua việc tham gia các hiệp hội chuyên môn, tham gia kiểm định, đánh giá chất lượng, xếp hạng đại học theo chuẩn quốc tế. Bằng việc thúc đẩy kết nối quốc tế, hình ảnh và sự hiện diện của các cơ sở GDĐH trên phạm vi quốc tế sẽ được nâng cao, vì vậy, dễ dàng thu hút sinh viên quốc tế hơn. 

- Các khóa học và chương trình trao đổi ngắn hạn. Các khóa học và chương trình trao đổi ngắn hạn có thể không đem lại nhiều nguồn thu cho cơ sở GDĐH nhưng lại giúp tăng cường các chỉ số quốc tế hóa, cũng như dễ thực hiện, triển khai. Các cơ sở GDĐH có thể đặt mục tiêu duy trì 1 tỷ lệ sinh viên quốc tế nhất định tham gia các chương trình này. Chính phủ cũng cần có các chương trình hỗ trợ (ví dụ như thủ tục visa, tài trợ …) giúp các cơ sở GDĐH thúc đẩy hoạt động này. 

- Thu hút sinh viên quốc tế thông qua học bổng. Học bổng trong trường hợp này, có ý nghĩa “xúc tiến” thương mại hoặc “kích cầu” nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập, để từ đó quảng bá tới các sinh viên tự trả phí. Các cơ sở GDĐH cũng như Chính phủ đều có thể áp dụng chính sách này. 

- Thu hút sinh viên quốc tế thông qua chi phí và học phí cạnh tranh. Trong bối cảnh cạnh tranh cao về thu hút sinh viên quốc tế. Chi phí và học phí hợp lý là một lợi thế cạnh tranh quan trọng giúp các cơ sở GD ĐH có thể thu hút được sinh viên quốc tế.

Phạm Hiệp, Phạm Oanh

Tài liệu tham khảo

Chan, S.-J. (2012). Shifting Patterns of Student Mobility in Asia. Higher Education Policy, 25(2), 207-224. https://doi.org/10.1057/hep.2012.3

Kell, P., & Vogl, G. (2012). International Students in the Asia Pacific: mobility, risks and global optimism (1 ed.). Springer Netherlands. https://doi.org/10.1007/978-94-007-2897-4

Sugimura, M. (2008). International Student Mobility and Asian Higher Education framework for Global Network. Asia-Pacific Sub-regional Preparatory Conference, Macau.

http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.547.8252&rep=re p1&type=pdf

Vuong, Q. H., Pham, H. H., Dong, T. K. T., Ho, M. T., & Dinh, V. H. (2021). Current Trends and Realities of International Students in East and Southeast Asia: The Cases of China, Hong Kong, Taiwan, and Malaysia. International Journal of Education and Practice9(3), 532-549.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.