Nền tảng cho sự khởi đầu tốt nhất: Chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình

Tạp chí Giáo dục xin trân trọng lược dịch và giới thiệu một báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Anh về lĩnh vực gia đình và trẻ em với tiêu đề “Foundations for the best start in life”

Tình trạng trẻ em phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói đang ngày càng gia tăng, dự kiến vào năm 2020, con số này sẽ chạm mức 5,2 triệu. Là một phần của chiến dịch Poverty to Flourishing (Từ đói nghèo đến thịnh vượng), nhóm chính sách của Hiệp hội Tâm lý Anh và nhóm tham vấn chuyên gia của chiến dịch đã đưa ra một báo cáo có nội dung liên quan đến cách tâm lý học cung cấp thông tin cho các chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình.

Về nội dung báo cáo, Foundations for the best start in life đưa ra hai học thuyết tâm lý - Tháp nhu cầu của Maslow và Thuyết sinh thái học của  Bronfenbrenner về sự phát triển của con người - và giải thích cách những mô hình này có thể được sử dụng trong việc xây dựng chính sách với mục đích hình thành những nền tảng tốt nhất giúp trẻ em phát triển. Mô hình của Maslow nhấn mạnh rằng để con người đạt được các nhu cầu “ở cấp độ cao hơn”, bao gồm giáo dục và tính di động xã hội, trước tiên các nhu cầu cơ bản hơn của họ phải được đáp ứng. Mô hình của Bronfenbrenner đặt các cá nhân vào trung tâm của một số hệ thống hoặc môi trường mà trẻ em tương tác và bị ảnh hưởng - bao gồm cấu trúc xã hội, trường học và các nhóm đồng đẳng.

“Điều quan trọng đối với chúng ta là phải giải quyết những tác động của nghèo đói, đồng thời can thiệp vào các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đây là cách duy nhất để thấy được sự thay đổi đáng kể”.

Các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự gắn bó và vai trò của trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu đối với những khó khăn về sức khỏe tâm thần sau này và các giai đoạn phát triển - hoặc những cách thức mà những khó khăn thời thơ ấu, bao gồm cả sự nghèo đói, có thể tương tác và gia tăng tác động trong cuộc sống của một đứa trẻ.

Báo cáo viết: “Để xây dựng nền tảng vững chắc, trẻ em cần được phát triển tâm lý tối ưu, do đó các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ về những điều gây ảnh hưởng xấu cho trẻ em, sự phát triển tâm lý của thanh thiếu niên cũng như những điều khuyến khích nó”. “Các dịch vụ nên được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu về tâm lý, tình cảm và sức khỏe trong những năm đầu”.

 Quyền có được sự khởi đầu tốt nhất

Các tác giả đã đưa ra sáu khuyến nghị, bao gồm sự cần thiết phải phát triển một chiến lược chống đói nghèo toàn diện để giải quyết tình trạng này một cách có hệ thống, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu về các dịch vụ hợp tác, đồng sản xuất và làm việc đa ngành với những người trong cộng đồng cần họ. Thêm vào đó, họ còn nhấn mạnh mọi trẻ em đều có quyền có được sự khởi đầu tốt nhất - được ghi trong Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em - và chỉ ra tiềm năng của các chương trình phổ cập trong trường học.

Tiến sĩ Jennifer Sheehy-Skeffington (LSE), trợ lý giáo sư ngành Tâm lý xã hội và là thành viên của nhóm tham vấn chuyên gia Poverty to Flourishing (Từ đói nghèo đến thịnh vượng), thông qua quá trình nghiên cứu, đã khám phá ra những ảnh hưởng của nghèo đói đối với ý thức kiểm soát của con người. Cô ấy rất muốn đưa thuyết sinh thái học của Bronfenbrenner vào báo cáo cuối cùng. Trong khi tâm lý học có thể được coi là một khoa học cá nhân, Sheehy-Skeffington cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể không nhận ra rằng các nhà tâm lý học thường xem xét cá nhân trong sự tương tác với các bối cảnh và cấu trúc rộng lớn hơn. “Từ một số hiểu biết tiếp thu được từ điều đó, chúng tôi có thể thực hiện những biện pháp can thiệp ở cấp độ cao hơn so với cá nhân - tuy nhiên những biện pháp này thường không hiệu quả". Có thể khá dễ dàng để chúng ta thấy được phạm vi can thiệp, đặc biệt là các nhà tâm lý học có thể tư vấn, ở cấp độ cá nhân như cải thiện hiệu quả bản thân hoặc kỹ năng. Đôi khi, các nhà tâm lý học khó nghĩ đến những biện pháp can thiệp tâm lý ở các cấp cao hơn như cấp chính quyền, địa phương hoặc cấp xã hội”.

Báo cáo hiện tại nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách chỉ ra giải pháp giúp các nhà hoạch định chính sách thực hiện cách tiếp cận có hệ thống, cấu trúc cũng như bồi dưỡng sự am hiểu về khía cạnh tâm lý để giải quyết tình trạng nghèo đói, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các nguồn lực xã hội và cộng đồng từ đó hình thành các gia đình, cộng đồng thịnh vượng. Với vốn kiến ​​thức của các nhà tâm lý học về tầm quan trọng của địa vị xã hội và các nhóm xã hội, Sheehy-Skeffington cho biết các nhà tâm lý học có đủ khả năng để xem xét tác động của xã hội rộng lớn hơn đối với cá nhân.

“Chúng tôi biết rằng cảm giác bị bỏ rơi và lo lắng về địa vị xã hội là vấn đề quan trọng, và điều đó có nghĩa là chúng ta cần đảm bảo xã hội và các cấu trúc xã hội rộng hơn sẽ không trở nên cực đoan hoặc bất bình đẳng đến mức mọi người cảm thấy bị bỏ rơi hoặc chịu áp lực phải bắt kịp. Ngoài ra, các quá trình so sánh xã hội sẽ xuất hiện nhiều hơn trong xã hội bất bình đẳng đến mức cực đoan, và điều đó thực sự gây tổn thương cho những người phải sống trong hoàn cảnh thua thiệt”.

Bên cạnh đó, Sheehy-Skeffington cũng cho biết điều quan trọng là phải xem xét bối cảnh nghèo đói một cách nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân tại sao những người sống trong cảnh nghèo đói lại tập trung sống vì hiện tại hơn là lập kế hoạch cho tương lai. Và Sheehy đã tiến hành một thử nghiệm “Bạn có thể thao túng bối cảnh và để những người thuộc tầng lớp trung lưu trải nghiệm nó, sau đó cho thấy rằng trong bối cảnh đó, bạn cũng sẽ chọn thứ gì đó có lợi trước mắt, hoặc thậm chí hành xử theo những cách không lành mạnh”.

“Tôi không nghĩ rằng điều đó là đủ xa. Tôi nghĩ tâm lý của chúng ta đang thích nghi với những tín hiệu về loại môi trường mà chúng ta đang sống. Và nếu chúng ta nhận được những dấu hiệu rằng môi trường của chúng ta có nguồn tài nguyên khan hiếm, rất không ổn định và không thể đoán trước, và nếu chúng ta có địa vị có thể là quyền lực thấp, thì điều hợp lý cần làm là tập trung vào hiện tại thay vì tương lai”.

Một góc nhìn về sự thích nghi

Sheehy-Skeffington và Tiến sĩ Jessica Rea (LSE) đã viết một báo cáo cho Tổ chức Joseph Rowntree về việc ra quyết sách trong bối cảnh nghèo đói - được trích dẫn trong báo cáo Poverty to Flourishing (Từ đói nghèo đến thịnh vượng). Công trình này bao gồm 15 đánh giá có hệ thống về các cơ chế tâm lý khác nhau làm cơ sở cho việc ra quyết định và phát hiện ra rằng trên hầu hết các thước đo đó, bao gồm cả hiệu quả bản thân, chức năng nhận thức và nguyện vọng của người nghèo đều kém hơn người giàu.

Tuy nhiên, bằng cách xem xét những kết quả này qua khả năng thích ứng, Sheehy-Skeffington cho biết, chúng ta có thể định hình lại suy nghĩ của mình về các quá trình ra quyết định này. “Hãy tưởng tượng bạn quyết định vay lãi suất cao, hoặc quyết định thích hút thuốc ngay bây giờ, cả hai điều này thực sự gây hại cho bạn sau này. Nhưng những thứ đó lại đáp ứng những chức năng trước mắt, chẳng hạn như mua đồng phục học sinh cho con cái hoặc có thể giảm bớt căng thẳng trong khi làm việc. Chúng ta cần nhận ra những mục tiêu quan trọng đang được thực hiện bởi hành vi của mọi người, bởi vì nếu bạn muốn thay đổi hành vi của ai đó, bạn cần phải tìm ra thứ khác cũng sẽ phục vụ chức năng đó, thay vì chỉ cố gắng khiến mọi người tập trung vào tương lai mà họ không nhất thiết phải trông chờ”.

Trong bối cảnh của báo cáo Poverty to Flourishing, Sheehy-Skeffington cho biết việc đưa ra quyết định này rất quan trọng vì hai lý do. Đầu tiên, có một số ý kiến cho rằng sự tập trung vào hiện tại hoặc tương lai có thể đã xuất hiện từ rất sớm trong cuộc sống và phụ thuộc vào những dấu hiệu bạn nhận được khi còn nhỏ về môi trường của bạn. Điều này có thể có nghĩa là có một cơ hội nhỏ để khuyến khích người trẻ xem xét các tác động trong tương lai của hành vi của họ. “Nếu chúng ta muốn mọi người có thể tiếp cận một số cơ hội chỉ có thể tiếp cận thông qua tư duy tập trung hơn vào tương lai, chúng ta cần cho phép họ trau dồi tư duy đó khi còn trẻ, bằng cách cung cấp một môi trường nơi họ có những mối quan hệ đáng tin cậy, điều kiện sống đáng tin cậy”.

Khía cạnh quan trọng thứ hai của nghiên cứu đề cập đến vấn đề nuôi dạy con cái. “Thường thì khi nhắc đến những vấn đề liên quan tới trẻ em nghèo, mọi người thường có xu hướng đổ lỗi cho ông bố bà mẹ thay vì những đứa trẻ vô tội. Thậm chí mới đây, trên các bản tin, chúng ta còn thấy các báo cáo về những đứa trẻ phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội đã bị mất đi rất nhiều kỹ năng - ngay cả việc đi vệ sinh hay cầm bút - trước tình huống này, chúng ta thường sẽ đặt ra câu hỏi bố mẹ chúng đang ở đâu? Tuy nhiên, nếu bạn là một bậc cha mẹ có thu nhập rất thấp, tôi cho rằng cái mà bạn quan tâm chỉ có thể là làm thế nào để tồn tại. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ sống ra sao khi vừa phải suy nghĩ liệu bản thân có kiếm đủ tiền chi trả tiền thuê nhà hay không trong khi vừa phải đối phó với những áp lực về việc nuôi dạy con cái”.

Cung cấp cho mọi người không gian nhận thức và cảm xúc

Sheehy-Skeffington lưu ý rằng các chính phủ bảo thủ trước đây tỏ ra “khá nồng nhiệt” với ý tưởng về các lớp học về nuôi dạy con cái, dạy các bậc phụ huynh trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn. “Tôi cảm thấy báo cáo này đang đẩy lùi ý tưởng một chút và cho rằng bạn cần cung cấp cho mọi người một không gian nhận thức và cảm xúc để trở thành mẫu cha mẹ mà họ muốn trở thành bằng cách loại bỏ một số áp lực. Đó không phải là vấn đề về sự thiếu hiểu biết hay cần phải dạy dỗ cha mẹ - mà thực sự là vấn đề tạo ra một bối cảnh đưa ra quyết định trao quyền cho họ”.

Ngoài ra, Sheehy-Skeffington cho hay các chính sách hữu ích sẽ giải quyết các khía cạnh của nghèo đói, góp phần kích hoạt tư duy ra quyết định- loại bỏ sự khan hiếm bằng cách giảm bớt các hạn chế tài chính thông qua các chính sách, chẳng hạn như bữa ăn miễn phí ở trường. “Chúng ta càng có thể làm nhiều việc để cân bằng trải nghiệm nuôi dạy con cái thì càng tốt. Tôi nghĩ rằng Sure Start và các trung tâm dành cho trẻ em đã làm được điều đó và đã thành công một cách đáng kinh ngạc”.

Chính sách cung cấp rộng rãi cũng cho phép dung hòa giữa các tầng lớp xã hội và các nhóm dân tộc, giúp chống lại sự phân biệt xã ​​hội. Sheehy-Skeffington nói: “Lý do thứ ba khiến chính sách cung cấp rộng rãi thắng thế bởi vì khi đó bạn sẽ có một thành phần cử tri rộng hơn sẵn sàng bảo vệ mình thay vì những chính sách chỉ dành cho một nhóm nhỏ nhất định” . Bạn có thể thấy  điều đó qua trường hợp của NHS - chính sách  dành cho tất cả mọi người và mọi người sẽ bảo vệ nó ngay cả khi, giả sử, các lợi ích về nhà ở, vốn chỉ có một tác động tiêu cực với một nhóm nhỏ mà nhóm này vốn đã bị gạt ra bên lề của chính trị vì vậy ít có khả năng bảo vệ chính sách đó”.

Nguồn

British Psychological Society (2021). Foundations for the best start in life. The psychologist news, vol.34 (pp.10-12).

Vân An lược dịch

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục. 

Bạn đang đọc bài viết Nền tảng cho sự khởi đầu tốt nhất: Chính sách hỗ trợ trẻ em và gia đình tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19