TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Nguyễn Thanh Hà, Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương
Tạp chí Giáo dục trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Lê Thị Mai Hoa và TS. Nguyễn Thanh Hà, Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, phân tích, bình luận về những thành tựu và thách thức và những định hướng của giáo dục mầm non Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo:
1. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Bác cũng đã dạy rằng: “Trẻ em như tờ giấy trắng, ta vẽ lên như thế nào thì sau này nó sẽ phát triển như thế...”. Vì vậy, Người luôn đề cao vai trò giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, nền tảng của những công trình tương lai. Bác chỉ rõ "mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc", do vậy, phải giáo dục các cháu trở thành "những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà", "những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta". Bác yêu cầu giáo dục trẻ em toàn diện "không những có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng". Về phương pháp giáo dục, Người nói dạy trẻ em học "phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ người lớn". "Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học".
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới đất nước, giáo dục, nhất là giáo dục mầm non luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, với nhiều chủ trương, cơ chế chính sách đặc thù mong muốn giáo dục mầm non có nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển, góp phần tạo dựng "những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà", "những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta", như Bác Hồ kính yêu đã chỉ dạy.
Gia đình là nơi sinh ra và nuôi dưỡng trẻ em, giáo dục là nơi chăm sóc, phát triển, hình thành nhân cách của trẻ em. Do vậy, những năm đầu đời của trẻ em đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực của trẻ, bởi tuy trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc trẻ được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đinh và sự giáo dục của nhà trường từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc, đặt nền tảng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em ở cấp học giáo dục mầm non, cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, xác định mục tiêu của giáo dục mầm non: “giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020. Từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường mầm non. Phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.”
Thể chế chủ trương của Đảng về giáo dục mầm non, tại Chương II, Mục 1, Tiểu mục 1, Điều 23. Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV quy định mục tiêu của giáo dục mầm non: “Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.” và Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non; chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động, trong đó nhấn mạnh đến chính sách đối với trẻ em mầm non (hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp) và chính sách đối với giáo viên mầm non (hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp và hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục). Điều này cho thấy, thể chế, cơ chế, chính sách về giáo dục mầm non từng bước được bổ sung tương đối đầy đủ, bao phủ các đối tượng, tập trung hướng đến chủ thể của hoạt động giáo dục là người học và các điều kiện bảo đảm góp phần chuyển biến nhất định cho giáo dục mầm non.
Thực tiễn cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục mầm non của nước ta đã có những bước phát triển về quy mô, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi.
Mạng lưới trường, lớp mầm non không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển đa dạng các loại hình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giáo dục mầm non của người dân. Đến nay, cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non, với 19.398 điểm trường (tăng 1.207 cơ sở giáo dục mầm non hay 6,6% so với năm học 2013- 2014), trong đó, có 3.224 cơ sở giáo dục ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 21,1% , tăng 1.497 cơ sở giáo dục mầm non so với năm học 2013 - 2014), quy mô 4.985.558 trẻ (tăng 758.511 trẻ em so với năm học 2013 - 2014), và có 1.076.714 trẻ ngoài công lập (tăng 474.259 trẻ so với năm học 2013 - 2014). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi và 4 - 5 tuổi tăng dần hằng năm, trong đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 32,1% (tăng 7,7% so với năm học 2013 - 2014), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,1% (tăng 6,0% so với năm học 2013 - 2014).
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non dần được quy chuẩn và đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đến nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 56,9% (tăng 29,3% so với năm học 2013 - 2014). Năm 2017, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi [1]. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non từng bước được nâng cao, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp 1 và học tập tốt ở các cấp học tiếp theo. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt trên 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non duy trì trên 99,7% và hằng năm 99,9% trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Đây là yếu tố quan trọng khẳng định tầm quan trọng của sự cần thiết đổi mới chương trình giáo dục mầm non trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giúp cho trẻ hình thành những kỹ năng tự lập, khả năng diễn đạt, sẵn sàng vào học tiểu học [2].
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non tăng mạnh về số lượng, chất lượng, cơ bản đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp phù hợp với quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non; hình thành và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán; 100% giáo viên được bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp. Hiện nay, cả nước có 378.381 giáo viên mầm non (tăng 96.914 giáo viên so với năm học 2013 - 2014), tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo là 98,3% (tăng 10,6% so với năm học trước và giảm 9,1% so với năm học 2013 - 2014, do thực hiện chuẩn giáo viên mầm non theo Luật Giáo dục 2019); tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 (tăng 0,26 so với năm học 2013 - 2014, nhưng vẫn thấp hơn 0,34 so với quy định) [3]. Những năm gần đây, bên cạnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ giáo viên mầm non với nhiều chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập như: phụ cấp thâm niên nhà giáo [4]; phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy các cấp học, môn học, đối tượng dạy học theo các mức từ 25% - 70% [5]; phụ cấp vùng miền [6].
Đồng thời, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự phối hợp khá tốt giữa các sở ban ngành của địa phương, đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển loại hình trường, lớp, các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ em mầm non, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phát triển chương trình giáo dục mầm non chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, mặc dù giáo dục mầm non đã có nhiều chuyến biến tích cực cả về số lượng, chất lượng. Song giáo dục mầm non cũng còn tồn tại, hạn chế, cần có sự quan tâm, tập trung ưu tiên đầu tư hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp để công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng đi vào chiều sâu, thực hiện tốt, hiệu quả mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Vì vậy, theo chúng tôi, để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, giáo dục mầm non trong thời gian tới cần khắc phục, giải quyết căn cơ, dứt điểm những tồn tại, hạn chế, như sau:
- Thứ nhất, mạng lưới trường, lớp mầm non còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô [7] và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là tại các thành phố lớn, các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sông nước, hải đảo, biên giới còn thiếu nhiều trường, lớp, thiếu công trình vệ sinh và trang thiết bị học tập, giảng dạy. Ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa giành đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non.
- Thứ hai, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật còn hạn chế [8]. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ có nơi chưa bảo đảm theo yêu cầu, hoạt động giáo dục thể chất ít được chú ý, trẻ em 5 tuổi các vùng khó khăn chưa được chuẩn bị tốt các điều kiện (tiếng Việt, kỹ năng, thể lực, tâm lý…) sẵn sàng vào học lớp 1. Nội dung chương trình giáo dục mầm non mặc dù được bổ sung, sửa đổi, song chưa kịp thời cập nhật với xu thế phát triển của xã hội và các kỹ năng cần có của trẻ trong xã hội hiện đại. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở các vùng nông thôn và vùng khó khăn còn thấp. Tình trạng mất an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập vẫn tái diễn ở nhiều địa phương, gây dư luận không tốt.
- Thứ ba, giáo viên mầm non còn thiếu 51.955 giáo viên [9]. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở nhiều địa phương tỷ lệ còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp ở vùng núi cao, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung rất thấp. Năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển chương trình giáo dục mầm non của giáo viên chưa tương thích với trình độ đào tạo. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chậm đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Chế độ lương và các thu nhập khác của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp, thời gian làm việc trên lớp thường kéo dài từ 09 đến 10 giờ/ngày. Ở một số địa phương vùng cao, cô giáo kiêm luôn việc đưa đón trẻ, nấu ăn và tắm cho trẻ. Giáo viên cắm bản tại các điểm trường còn thiếu nhà công vụ. Công tác quản lý giáo dục mầm non khu vực ngoài công lập còn hạn chế, nhất là đối với lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục ở gần khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề bạo hành trẻ cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục mầm non gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận xã hội.
- Thứ tư, so với mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục mầm non chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mầm non trước năm 2020 [10].
- Thứ năm, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn chưa được coi trọng đúng mức.
3. Thời gian tới, xu hướng hội nhập quốc tế và liên kết khu vực ngày càng sâu rộng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tác động sâu rộng trong phạm vi toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam để thu hút các nguồn lực tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ thế giới, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ở trong nước, tình hình chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục mầm non nói riêng với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, tận dụng cơ hội phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Tuy vậy, nền kinh tế nước ta xuất phát điểm còn thấp, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Khoảng cách giàu nghèo sẽ tăng lên cùng với quá trình phát triển kinh tế đặt ra thách thức về công bằng trong giáo dục đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống hệ thống giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu học tập tăng nhanh ở những khu vực này. Xu hướng già hoá dân số trong tương lai không xa sẽ đặt ra các thách thức mới trong việc hệ thống giáo dục cần đáp ứng nhu cầu cho học tập suốt đời, cho giáo dục người lớn. Những mặt trái của kinh tế thị trường và sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của giáo dục và đào tạo, đòi hỏi toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tiếp tục đồng lòng, quan tâm hơn nữa tới sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, thực sự coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, để giáo dục và đào tạo đóng góp xứng đáng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trên thế giới, giáo dục ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dẫn dắt sự phát triển của xã hội, định hình nên xã hội tương lai. Nhiều quốc gia đã và sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh để phát triển giáo dục cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục; ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục; phát triển hệ thống giáo dục mở và học tập suốt đời; chú trọng giáo dục vì sự phát triển bền vững. Giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh quốc gia. Các loại hình giáo dục mới dựa trên công nghệ phát triển nhanh chóng. Sự thay đổi nhanh của công nghệ làm cho các ngành nghề cần có trong tương lai khó dự báo hơn, phức tạp hơn, việc đào tạo để đáp ứng yêu cầu các ngành nghề tương lai khó khăn hơn. Áp lực cạnh tranh quốc gia trong đó cạnh tranh về giáo dục ngày càng cao và yêu cầu đặt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực ngày càng tăng.
Nhận thức đúng đắn, đầy đủ và toàn diện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục mầm non nói riêng phải là tiền đề, động lực cho chuyển đổi kinh tế, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và triển khai thực hiện thành công chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bởi vậy, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội”. Định hướng đổi mới giáo dục mầm non trong giai đoạn mới cần tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Giáo dục mầm non trong giai đoạn mới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông. Vì theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em được đi học mẫu giáo liên tục từ 3 đến 5 tuổi có lợi thế nhiều hơn cho mức độ sẵn sàng đi học của trẻ và có tỷ lệ thiếu hụt thấp hơn trẻ không được đi học liên tục từ 3 đến 5 tuổi, đặc biệt là ở lĩnh vực phát triển kỹ năng giao tiếp và hiểu biết chung.
Thứ hai, Tích cực đổi mới chương trình giáo dục mầm non hội nhập và hợp tác quốc tế, áp dụng sáng tạo các giải pháp, kinh nghiệm, mô hình của các quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế trong công tác giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non cần tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thiết kế một hệ thống giáo dục mầm non mở, liên thông về chương trình, nội dung, tiêu chuẩn đánh giá với giáo dục phổ thông. Phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thông qua các phương pháp dạy học tốt hơn; quan tâm bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em.
Thứ ba, Đội ngũ giáo viên mầm non cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ ươm mầm xanh cho đất nước, chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục trẻ em. Đội ngũ những người làm công tác giáo dục mầm non cần phải thi đua học tập tấm gương yêu trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tạo điều kiện tốt nhất mà nhà trường và gia đình có được để giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển nhân cách con người mới. Mỗi cô giáo mầm non cần phải học phải đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm, mẫu mực trong công việc, trong lời ăn tiếng nói để làm gương cho trẻ.
Thứ tư, Đa dạng các hình thức vận động, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em về ý nghĩa, tầm quan trọng của trẻ em, những mầm non, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục về mọi mặt, sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đặc biệt là mục đích, ý nghĩa của việc triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trong thời gian tới, đây là nền tảng cho việc học tập và thành công sau này của trẻ, cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ bước vào lớp 1, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tạo động lực cho sự phát triển, đưa đất nước tiến tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chính là sứ mệnh vẻ vang “vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thứ năm, Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng và đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non. Tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, để giáo dục mầm non ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương, xây dựng xã hội học tập.
Trẻ em là tương lai của đất nước, dân tộc và thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh kỳ vọng, mong mỏi “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chúng ta cần quan tâm, yêu thương chăm sóc, giáo dục trẻ em, những mầm xanh tương lai của đất nước và những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa sẽ mãi là bài học, định hướng, kim chỉ nam để các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục mầm non, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cuối năm học 2013 - 2014, cả nước mới chỉ có 18 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mặc dù cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017, song chậm 02 năm so với mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.
[2]. Mục tiêu Chương trình giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Trong quá trình triển khai chương trình đã được điều chỉnh các quy định về nội dung, phương pháp, yêu cầu đánh giá sự phát triển của trẻ theo các kết quả mong đợi ở từng độ tuổi nhằm bảo đảm chuẩn đầu ra của giáo dục mầm non. Đến nay chương trình đã được triển khai thực hiện ở 100% cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương. Các cơ sở giáo dục mầm non đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng; bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ. Mô hình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước; mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số được triển khai ở hầu hết các tỉnh có đông trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.
[3]. Theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
[4]. Theo Nghị định số 77/2021/NĐ-CP, ngày 01/8/2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
[5]. Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg; Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/8/2017 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
[6]. Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ quy định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
[7]. Hiện vẫn còn 6,9% trẻ mầm non và 67,9% trẻ nhà trẻ chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non để tiếp cận chương trình giáo dục mầm non.
[8]. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số thấp hơn so với tỷ lệ huy động chung của cả nước lần lượt là 7% đối với trẻ nhà trẻ và 1% đối với trẻ mẫu giáo; tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học chỉ chiếm 0,12% tổng số trẻ mầm non đi học, trong khi nhóm này chiếm 2,79% tổng số trẻ mầm non toàn quốc.
[9]. Năm 2019, Bộ Chính trị quyết định giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông cho 14 tỉnh tăng trưởng nóng về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên; giai đoạn 2022 - 2026 giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông cho toàn quốc[1]; hiện các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
[10]. Chính sách miễn học phí mới chỉ áp dụng đối với đối tượng trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo từ năm học 2018-2019. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các vùng còn lại (không thuộc vùng thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo) dự kiến sẽ được miễn học phí từ năm học 2024-2025 theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
[11]. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 (tập 1 và 2).
[12. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
[13]. Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
[14]. Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV.
[15]. Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ngày 08/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non.
[16]. Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
[17. Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 5/01/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
[18]. Dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.
[19]. Dự thảo “Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.