Cách tiếp cận mới trong việc ước tính chi phí đơn vị cho đào tạo đại học công lập Việt Nam

Nghiên cứu của hai tác giả Phạm Vũ Thắng (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trần Bình Nam (Đại học New South Wales, Úc) tập trung vào yếu tố tài chính của HEP2 với mục đích chính là xác định mức độ chi phí đơn vị (CPĐV, tức là chi phí đào tạo trung bình cho mỗi sinh viên) của các trường đại học công lập ở Việt Nam vào năm 2010.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, Việt Nam vẫn còn một số lĩnh vực còn chưa theo kịp tốc độ phát triển chung. Một trong số đó là giáo dục đại học, với xếp hạng quốc tế còn thấp so với nhiều quốc gia và nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng của sinh viên ra trường còn kém và thiếu kỹ năng làm việc. Để thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực này, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực xây dựng các kế hoạch cải cách mang tính hệ thống, dẫn tới một thử thách lớn trong bối cảnh ngân sách hạn chế và cạnh tranh gay gắt các khoản tài trợ công. 

Đáng chú ý là hai dự án lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Ngân hàng Thế giới tài trợ là Dự án Giáo dục Đại học 1 (Higher Education Project 1 - HEP1) và Dự án Giáo dục Đại học 2 (Higher Education Project 1 - HEP2). Trong đó, HEP2 hướng tới việc cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học Việt Nam để gia tăng tỉ lệ có việc của sinh viên và mức độ thực tiễn của nghiên cứu tại trường đại học.

Nghiên cứu của hai tác giả Phạm Vũ Thắng (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trần Bình Nam (Đại học New South Wales, Úc) tập trung vào yếu tố tài chính của HEP2 với mục đích chính là xác định mức độ chi phí đơn vị (CPĐV, tức là chi phí đào tạo trung bình cho mỗi sinh viên) của các trường đại học công lập ở Việt Nam vào năm 2010, sử dụng phương pháp và dữ liệu đáng tin cậy. CPĐV được coi là một chỉ số quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường đại học tham khảo khi ra quyết định chính sách giáo dục về phân bổ ngân sách nhà nước, học phí hoặc tự chủ tài chính. Trong bối cảnh nhiều tranh luận đang diễn ra về cải cách giáo dục ĐH trong nước, việc có một phương pháp tiếp cận phù hợp và dữ liệu hợp lý để ước tính CPĐV chính xác lại càng trở nên cấp bách hơn nữa. 

Kết quả của nghiên cứu được công bố trên trên tạp chí “Educational Research for Policy and Practice” với chỉ số ảnh hưởng IF = 0.66.

Bài báo này là kết quả của nghiên cứu toàn diện và chặt chẽ đầu tiên về chi phí dịch vụ của các trường đại học công lập ở Việt Nam, đặc biệt là theo các ngành đào tạo khác nhau. Nhóm tác giả cân nhắc giữa ba phương pháp tính đang phổ biến hiện nay, và chọn ra cách tiếp cận theo định nghĩa để ước tính CPĐV. Theo đó, tổng chi phí được đo lường theo chi phí cơ hội và đầu ra đào tạo được quy đổi thành số lượng sinh viên chính quy tương đương. Dữ liệu được lấy từ nhiều nguồn dữ liệu thứ cấp đã được công bố bởi Bộ GD&ĐT, bộ Tài Chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thế giới. Dữ liệu cũng được cung cấp thông qua khảo sát bằng bảng câu hỏi từ 60 trường Đại học. Mẫu nghiên cứu thể hiện được sự đa dạng về nhóm ngành, cơ quan quản lý, tuổi đời, quy mô và vị trí địa lý. Mặc dù số liệu từ năm 2010 nhưng cần lưu ý là bộ dữ liệu định lượng như thế này rất khó có được ở Việt Nam; hơn nữa, việc cải cách các trường đại học công lập ở Việt Nam diễn ra rất chậm nên số liệu năm 2010 phần lớn vẫn còn phù hợp. 

Các kết quả thu được có vẻ rất hợp lý. Theo bảng ước tính, rõ ràng là việc tính cả phí thuê đất đã làm tăng CPĐV chung lên gần 46% từ 6.04 triệu (325 USD) lên 8.81 triệu (473 USD) mỗi năm. Có sự khác biệt đáng kể giữa CPĐV các ngành, thấp nhất thuộc về ngành Kinh tế và ngành Luật với chi phí dịch vụ thực tế hàng năm là 4.85 triệu đồng (không tính chi phí đất) hoặc 6.29 triệu đồng (tính chi phí đất) vì khối ngành này có thể được dạy với quy mô lớp học lớn mà không đòi hỏi nhiều trang thiết bị và phòng thí nghiệm. Trong khi đó, không ngạc nhiên khi ngành đắt nhất là ngành Y Dược với phí dịch vụ hàng năm là 18.09 triệu đồng (không tính chi phí đất) hoặc 34.75 triệu đồng (tính chi phí đất), gấp ba lần so với khối ngành Kinh tế và Luật. 

Tính kinh tế theo quy mô và phạm vi cũng có thể quan sát được ở đây. Kết quả cho thấy mối tương quan nghịch chiều khá rõ ràng giữa số lượng sinh viên chính quy và CPĐV, nghĩa là thêm một sinh viên sẽ làm giảm chi phí cận biên. Thêm nữa, ở mức ý nghĩa 5%, CPĐV của các trường đại học đa ngành thấp hơn so với các trường đại học đơn ngành và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê, trong khi không có sự khác biệt đáng kể giữa tỷ lệ sinh viên/giảng viên giữa hai loại trường. Nghiên cứu cũng có thấy chất lượng giảng dạy (được đo lường theo các chỉ số như số lượng giảng viên hoặc diện tích sàn trên mỗi sinh viên) thay đổi thuận theo CPĐV. 

Rất khó để có thể đặt Việt Nam lên bàn cân so sánh một cách chặt chẽ với các nước khác, chủ yếu là do thiếu dữ liệu. Nhóm tác giả sử dụng số liệu năm 2010 về chi tiêu công cho mỗi sinh viên đại học ở một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương (cần lưu ý rằng số liệu này của chung bậc đại học chứ không riêng các trường công lập, và chi tiêu công cho mỗi sinh viên thì thường thấp hơn rất nhiều so với CPĐV). Mặc dù thế, rõ ràng đơn giá tổng thể của các trường đại học công lập ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế dường như rất thấp, ngay cả khi so sánh với các nước tương đương như Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ CPĐV trên GDP bình quân đầu người của Việt Nam lại tương đương với hai nước láng giềng. 

Về mặt phương pháp, bài báo cung cấp quy trình từng bước rõ ràng và chặt chẽ để tính toán CPĐV của giáo dục đại học. Phương pháp được đề xuất không chỉ mang lại ước tính hợp lý mà còn có thể được nhân rộng trong các nghiên cứu tương tự trong tương lai để theo dõi sự thay đổi chi phí của các trường đại học công lập ở Việt Nam theo thời gian. Việc so sánh tương đối với các nước phát triển khác, CPĐV ước tính này có thể là tiêu chuẩn cho công cuộc cải cách đại học. Để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu cũng như xếp hạng quốc tế, cần phải phân bổ một lượng đáng kể các nguồn lực bổ sung cho các trường đại học công lập ở Việt Nam. Trong điều kiện nhà nước khó duy trì đóng góp từ ngân sách, kết quả này ngụ ý rằng các hộ gia đình được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc chi trả cho chi phí đào tạo đại học.

Nguồn

Pham, V. T., & Tran-Nam, B. (2020). Estimating unit cost of public university education in Vietnam. Educational Research for Policy and Practice. doi:10.1007/s10671-020-09280-8 

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Cách tiếp cận mới trong việc ước tính chi phí đơn vị cho đào tạo đại học công lập Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn