Dạy học đọc hiểu văn bản thông tin ở cấp tiểu học

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 xác định văn bản thông tin không chỉ chiếm một khối lượng lớn trong hệ thống ngôn ngữ mà còn được chỉ ra những yêu cầu cụ thể trong chuẩn đầu ra ở mỗi cấp học, từng lớp học. Do đó, bài viết của Đỗ Xuân Thảo đặt ra yêu cầu và một số biện pháp đọc, hiểu văn bản thông tin ở tiểu học; coi việc đọc và hiểu văn bản thông tin cũng quan trọng như đọc và thưởng thức một văn bản văn học.

Thực tiễn dạy đọc hiểu văn bản thông tin (VBTT) cho thấy: chúng ta đọc loại văn bản này để thu nhận các thông tin hoặc kiến thức khoa học thường thức, biến nó thành tri thức của mình nhằm sử dụng trong học tập và đời sống. Chỉ nguyên mục đích đó đã làm cho việc đọc VBTT trở nên khác với đọc văn bản văn học. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, nhất là ở cấp tiểu học, VBTT có một vị trí quan trọng. Vì vậy, việc hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản này trong nhà trường để ứng dụng vào thực tiễn là một việc làm vô cùng cần thiết. Do đó, bài viết của Đỗ Xuân Thảo đặt ra yêu cầu và một số biện pháp đọc, hiểu VBTT ở tiểu học; đồng thời đề xuất một số biện pháp phát triển năng lực đọc hiểu VBTT cho HS, góp phần nâng cao chất lượng đọc hiểu ở tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa tiểu học mới. Kết quả nghiên cứu gồm hai nội dung chính: thứ nhất là VBTT và việc giảng dạy VBTT trong nhà trường và thứ hai là yêu cầu đọc hiểu VBTT và kĩ năng tìm ý, xác định các chi tiết trong dạy đọc hiểu VBTT.

Văn bản thông tin và việc giảng dạy văn bản thông tin trong nhà trường

VBTT là loại văn bản chủ yếu được sử dụng để cung cấp thông tin về con người, sự vật, hiện tượng hoặc hướng dẫn thực hiện hoạt động dựa trên các số liệu, sự kiện khách quan và kiến thức khoa học. VBTT có sự phổ biến rộng rãi trong xã hội và thường xuất hiện dưới dạng bài báo, tạp chí, từ điển, sách giáo khoa, sách về danh nhân, hướng dẫn du lịch, sách về sử dụng thuốc và nấu ăn, cũng như trong báo cáo, biên bản, pa nô và áp phích. Văn bản này thường được trình bày thông qua kênh chữ, kết hợp với các phương tiện khác như hình ảnh và âm thanh. Nó thường được thiết kế như là văn bản đa phương tiện, tận dụng nhiều loại phương tiện để truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả.

Việc giảng dạy VBTT, giáo viên cần chú ý giúp học sinh nhận biết đặc điểm hình thức của VBTT và vai trò của chúng trong truyền đạt thông tin là quan trọng. Các yếu tố hình thức như nhan đề, sapo, đề mục, chữ in đậm, kí hiệu, sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh đều là những phần quan trọng. Cụ thể: (1) Mục đích của VBTT: Hướng dẫn học sinh hiểu rõ mục đích của VBTT, tức là thông tin cụ thể mà VBTT muốn truyền đạt; (2) Thông tin chính của VBTT: Tập trung giúp học sinh xác định những thông tin chính, những điểm quan trọng mà VBTT muốn trình bày; (3) Nhận biết yếu tố hình thức và tác dụng của chúng: Dạy học sinh nhận biết và hiểu tác dụng của các yếu tố hình thức như nhan đề, sapo, chữ in đậm, hình ảnh, sơ đồ, và làm thế nào chúng hỗ trợ việc truyền đạt thông tin.

Hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi như: Nhan đề văn bản cung cấp thông tin gì? Tại sao sapo thường in đậm ở phần đầu? Tại sao có ngày tháng trong bài viết? Tiêu đề nhỏ trong văn bản có ý nghĩa gì? Các hình ảnh, sơ đồ có tác dụng gì?

Kết quả là, khi đọc VBTT, học sinh sẽ hiểu và áp dụng cách đọc thông tin từ các yếu tố hình thức, từ đó nâng cao khả năng hiểu và xử lí thông tin của mình. Đồng thời, việc kết hợp giảng dạy về VBTT với kĩ năng viết và nói sẽ giúp học sinh tạo ra các VBTT một cách hiệu quả.

Yêu cầu đọc hiểu văn bản thông tin và kĩ năng tìm ý, xác định các chi tiết trong dạy đọc hiểu văn bản thông tin

Yêu cầu dạy đọc hiểu VBTT theo sát yêu cầu dạy đọc hiểu văn bản nói chung - theo định hướng phát triển năng lực. Cụ thể, yêu cầu đọc hiểu VBTT bao gồm việc giúp học sinh: - Biết cách đọc các hình ảnh, nhãn hiệu, chú thích, đồ thị, bảng biểu, thông cáo, áp phích, sơ đồ...; -Biết tiếp nhận thông tin từ việc giải mã các thông tin nhận được; - Biết nhận diện các quan điểm (opinion), các lí do, lập luận (reasons) và các bằng chứng (evidence) từ văn bản; -Nắm được đề tài, các chủ đề lớn, chủ đề nhỏ, những phần quan trọng và các ý, dữ liệu liên quan trong văn bản đọc; - Hệ thống hóa lại được văn bản một cách có cấu trúc; - Biết cách tạo lập những VBTT trong việc giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống.

Về kĩ năng tìm ý, xác định các chi tiết trong dạy học đọc hiểu VBTT, đối với học sinh tiểu học, khó khăn chủ yếu đến từ việc tìm hiểu ý chính của văn bản do thiếu các yếu tố hấp dẫn. Do không có cấu trúc hấp dẫn, học sinh thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt chủ đề. Quá trình này đòi hỏi học sinh giải mã nghĩa của từng từ, câu trong phạm vi đoạn văn để xây dựng ý chính. Khi họ bắt đầu nắm bắt ý chính, họ có thể hiểu rõ mục đích của các chi tiết trong văn bản và tăng cường nhận thức về ý chính đã tìm ra.

Đỗ Xuân Thảo đưa ra một số gợi ý về cách dạy học sinh tiếp nhận VBTT, đặc biệt là kĩ năng tìm hiểu ý và xác định chi tiết trong văn bản để hỗ trợ sử dụng VBTT. Gợi ý này bao gồm việc nhìn vào tựa đề, tranh ảnh, sơ đồ, bảng biểu; tìm ý chính ở câu mở đầu hoặc kết thúc; và nhận ra ý chính qua từ in đậm hoặc từ khóa. Để hiểu rõ hơn về khái niệm “ý chính”, cần phân biệt các thuật ngữ như câu chủ đề, ý chính và ý bổ trợ. Câu chủ đề, theo quy ước, là câu đầu tiên trong đoạn văn, nhưng có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào. Câu chủ đề hỗ trợ trong việc xác định mối quan hệ giữa ý chính và ý bổ trợ.

Thông qua bài viết, có thể thấy cách tiếp cận đọc hiểu VBTT trong môn Ngữ Văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tập trung vào nhận diện đặc trưng thể loại văn bản. Việc xác định ý chính, ý bổ trợ và sử dụng kĩ thuật đặt câu hỏi giúp nâng cao chất lượng dạy đọc hiểu ở trường tiểu học. Quá trình này không chỉ hỗ trợ việc học VBTT mà còn thúc đẩy khả năng tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề ở học sinh.

Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức

Tài liệu tham khảo

Đỗ Xuân Thảo (2021). Dạy đọc hiểu văn bản thông tin ở tiểu học. Tạp chí Giáo dục495, 1-4.

Bạn đang đọc bài viết Dạy học đọc hiểu văn bản thông tin ở cấp tiểu học tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn