Thực trạng triển khai Chương trình dạy học ngoại ngữ Anh đổi mới ở Việt Nam: Tìm hiểu nhận thức của giáo viên

Đổi mới chương trình giáo dục ngoại ngữ thứ hai đã thúc đẩy ngày càng nhiều nghiên cứu tìm hiểu tính hiệu quả cũng như nhận thức và thực tiễn của giáo viên. Bài báo này đã mở rộng hướng nghiên cứu trên bằng cách sử dụng quan điểm xã hội học, một hướng đi mà ít công trình trước đây sử dụng để khám phá nhận thức của giáo viên ngoại ngữ, nhằm tìm hiểu sự hiểu biết, kiến thức và niềm tin của giáo viên về cũng như cách họ triển khai chương trình dạy học môn tiếng Anh đổi mới ở Việt Nam.

Giảng dạy ngoại ngữ dựa trên nhiệm vụ (TBLT) là phương pháp giảng dạy ngôn ngữ sử dụng các nhiệm vụ làm công cụ chính trong giảng dạy và tập trung vào việc hướng dẫn người học sử dụng ngôn ngữ một cách có mục đích và chức năng. Nhiều quốc gia đã lựa chọn TBLT là nội dung chính thức trong đổi mới chương trình giảng dạy tiếng Anh và yêu cầu giáo viên áp dụng TBLT trong lớp học. Ở Việt Nam, công tác đổi mới chương trình giảng dạy gần đây đã nỗ lực nhằm thúc đẩy phương pháp sư phạm đối với nội dung dạy học là ngôn ngữ giao tiếp.

​Để tối đa hoá hiệu quả của việc thiết kế và thực hiện các chương trình phát triển chuyên môn giáo viên liên quan đến cải cách chương trình giảng dạy, cần có hiểu biết sâu sắc về nhận thức của giáo viên. Nghiên cứu này được thiết kế để tìm hiểu nhận thức của giáo viên và việc họ thực hiện chương trình giảng dạy ngoại ngữ dựa trên nhiệm vụ cũng như các yếu tố nhận thức ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giảng dạy ngoại ngữ tiếng Anh ở trường trung học Việt Nam. Dựa trên khung diễn ngôn sư phạm của Bernstein (1990, 2000), nghiên cứu định tính này có mục tiêu là thu được những hiểu biết sâu sắc không chỉ về mối quan hệ giữa nhận thức và thực hành của giáo viên mà còn cả sự chuyển tiếp nội tại trong nhận thức của giáo viên về các hoạt động và chuỗi hoạt động khác nhau mà giáo viên sử dụng trong quá trình triển khai chương trình giảng dạy. Do đó, nghiên cứu này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc mang tính hướng dẫn về nhận thức của giáo viên về đổi mới chương trình giảng dạy và có khả năng cung cấp các nguồn lực cụ thể cho các chương trình giáo dục/đào tạo giáo viên.

Nguồn ảnh: Vinschool

Về phương pháp, nghiên cứu được thực hiện tại một trường trung học phổ thông công lập (lớp 10-12) ở miền Trung Việt Nam. Đây là một trong những trường lớn nhất tỉnh với 1.866 học sinh và 115 giáo viên, trong đó có 11 giáo viên dạy tiếng Anh. Tiếng Anh được dạy như một môn ngoại ngữ trong ba tiết học, mỗi tiết 45 phút mỗi tuần. Học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6 nhưng trình độ tiếng Anh của các em dao động từ sơ cấp đến trung cấp. Những người tham gia bao gồm sáu giáo viên có kinh nghiệm được lựa chọn có chủ đích. Theo đó, mỗi lớp có hai giáo viên. Tất cả những người tham gia đều có bằng cử nhân giảng dạy ngoại ngữ tiếng Anh. Họ đã tham gia nhiều hoạt động phát triển chuyên môn khác nhau, bao gồm các khóa học ngắn hạn liên quan đến việc triển khai chương trình giảng dạy mới do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cung cấp trước khi bắt đầu nghiên cứu.

Nghiên cứu này sử dụng bốn nguồn dữ liệu được thu thập theo thứ tự sau: phỏng vấn bán cấu trúc, kế hoạch bài học (lesson plan), quan sát lớp học và các cuộc trò chuyện thân mật. Mỗi giáo viên được phỏng vấn riêng trung bình khoảng 30 phút. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện dưới dạng bán cấu trúc, bằng tiếng Việt. Các cuộc phỏng vấn được sử dụng để tìm hiểu ý tưởng, suy nghĩ và kiến thức của giáo viên về chương trình giảng dạy dự kiến cũng như những thách thức họ gặp phải trong quá trình thực hiện chương trình đó.

Thông qua phân tích các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc và các cuộc trò chuyện thân mật (phi chính thức), các tác giả chỉ ra rằng giáo viên có niềm tin mạnh mẽ với việc giảng dạy các chủ đề ngôn ngữ rời rạc; từ vựng, ngữ pháp và ghi nhớ thuộc lòng là trọng tâm trong mô tả của họ về việc giảng dạy trên lớp trong việc thực hiện chương trình giảng dạy tiếng Anh cải cách. Các giáo viên nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp cho học sinh các bài tập từ vựng và ngữ pháp để giúp các em thực hành sử dụng các mục ngôn ngữ mới trong lớp học. Điều này phản ánh cách tiếp cận tập trung vào hình thức, trong đó các đối tượng ngôn ngữ riêng biệt được giảng dạy tuần tự cho học sinh.

Những phát hiện sâu hơn từ các bản kế hoạch bài học và quan sát lớp học cho thấy thực tiễn trong lớp của giáo viên phù hợp với nhận thức của họ về chương trình dạy học đổi mới. Cụ thể, nhận thức của họ về phương pháp tập trung vào hình thức được phản ánh qua việc họ lựa chọn các hoạt động giảng dạy và sắp xếp các hoạt động đó trong lớp học. Dữ liệu kế hoạch bài học chỉ ra rằng giáo viên đã lựa chọn các hoạt động dạy học chú trọng vào từ vựng, khép kín và tập trung vào hình thức.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tất cả các giáo viên có xu hướng chọn các đối tượng ngôn ngữ rời rạc làm trọng tâm của việc giảng dạy. Các giáo viên coi từ vựng và ngữ pháp là những yếu tố trung tâm cấu thành nên chương trình cải cách, và việc dạy học được xem như một quá trình truyền tải các nội dung ngôn ngữ kết hợp với các bài tập mở rộng để giúp học sinh ghi nhớ các nội dung ngôn ngữ cần đạt. Nhìn nhận chương trình giảng dạy cải cách theo cách này có thể dẫn đến cách tiếp cận tập trung vào hình thức trong thực tiễn giảng dạy của giáo viên, bởi các nhà nghiên cứu về nhận thức của giáo viên đã lập luận rằng các nguyên tắc của giáo viên có ảnh hưởng đáng kể đến cách họ thực hành giảng dạy trong lớp học.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Tran, G. N., Ha, X. V., Tran, H. N. (2021). EFL reformed curriculum in Vietnam: An understanding of teachers’ cognitions and classroom practices. RELC Journal. https://doi.org/10.1177/00336882211043670

Bạn đang đọc bài viết Thực trạng triển khai Chương trình dạy học ngoại ngữ Anh đổi mới ở Việt Nam: Tìm hiểu nhận thức của giáo viên tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn