Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Những tiết học thú vị

Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui vẻ. Đó cũng chính là sự đổi mới mạnh mẽ được thực hiện từ khi bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi từng tiết học

Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Hoạt động trải nghiệm thuộc môn học bắt buộc với quy định thực hiện 105 tiết/năm học. Đây là lần đầu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông, Hoạt động trải nghiệm có đầy đủ các thành phần mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục… 

Bằng ý tưởng mới mẻ cùng việc áp dụng công nghệ thông tin, lựa chọn một nhân vật hoạt hình xuyên suốt tiết học “Suy nghĩ tích cực”, tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm thực tế của học sinh, cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh, giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ, Hà Nội đã đồng hành cùng học sinh một tiết học thực sự hấp dẫn, lôi cuốn từng giây phút. 

Sau mỗi một tình huống mà học sinh thể hiện suy nghĩ, hành động, cô giáo đã khéo léo cùng các em rèn luyện việc suy nghĩ tích cực, biến những suy nghĩ tích cực đó thành những hành động tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế.

Tiết học Hoạt động trải nghiệm của cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh 

Qua tiết học Hoạt động trải nghiệm rất nhiều thông điệp đã được gửi đến không chỉ với các con học sinh mà còn cả các thầy cô giáo, đó chính là: “Nghĩ tích cực - Sống vui tươi”.

Còn với chương trình Đạo đức lớp 4 quan tâm giáo dục học sinh theo các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, cô giáo Nguyễn Thanh Lan, giáo viên dạy lớp 4A9 Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã thực hiện tiết dạy “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, bài dạy thuộc chủ đề “Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”.

Tiết dạy bắt đầu với những giai điệu vui nhộn, động tác nhí nhảnh của bài hát Thỏ đi tắm nắng - tác giả Đặng Nhất Mai. Từ nội dung bài hát, giáo viên khéo léo dẫn dắt vào bài học. 

Học sinh được phát hiện tình huống, trình bày quan điểm, giao lưu với các bạn, cùng trao đổi ý kiến từ đó rút ra bài học đạo đức gắn với thực tế cuộc sống. Với nội dung “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, cô giáo Nguyễn Thanh Lan tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh tự tin trình bày ý kiến, rèn kỹ năng trao đổi, thảo luận. Học sinh được thực hành làm việc nhóm, cùng nhau học, từ đó phát triển năng lực hợp tác và tư duy sáng tạo.

Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui vẻ. Đó cũng chính là sự đổi mới mạnh mẽ được thực hiện từ khi bắt đầu triển khai chương trình GDPT 2018. 

Theo cô Nguyễn Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ: "Việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên thông qua việc tổ chức các chuyên đề là một việc làm thiết thực và hiệu quả mà Sở, Phòng GDĐT luôn quan tâm thực hiện, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường học".

Giáo viên sáng tạo, học sinh hứng khởi

Ở cấp Tiểu học, các em sẽ học 10 môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới là Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm.

Ngoài ra, học sinh học thêm các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. Bậc học này có thêm môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Các môn học bắt buộc ở Tiểu học trong chương trình phổ thông mới được Bộ GDĐT xây dựng và điều chỉnh theo hướng tích hợp và phân hóa theo định hướng mới. Theo đó, tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, phát triển năng lực học sinh. 

Căn cứ theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018, Bộ GDĐT thực hiện lộ trình áp dụng chương trình mới với lớp 1 từ năm học 2020 – 2021; lớp 2 từ năm học 2021 – 2022; lớp 3 từ năm học 2022 – 2023; lớp 4 từ năm học 2023 – 2024 và lớp 5 từ năm học 2024 – 2025.

Có 6 điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông đã được chỉ rõ:

Khắc phục sự chồng chéo giữa các môn: Thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học.

Ưu tiên phát triển phẩm chất năng lực: Tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích, phẩm chất tính cách và năng lực của bản thân.

Chú trọng trải nghiệm sáng tạo: Tăng cường chú trọng các hoạt động thực tiễn gắn liền với kinh nghiệm, cuộc sống để học sinh trải nghiệm và không ngừng sáng tạo.

Phân hóa dần ở cấp trên: Khác trước đây, chương trình phổ thông nay được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm Tiểu học và THCS); Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Lớp càng cao dần càng có sự phân hóa học sinh theo nhu cầu và định hướng sau phổ thông.

Thực nghiệm cái mới, cái khó: Nội dung chương trình đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục, dạy học mới, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và đổi mới.

Với chương trình GDPT 2018, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học. Giáo viên dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình và mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. 

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực". Chương trình "mở" (chỉ quy định số tiết/năm học) nên đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.

Có một số môn học mới đòi hỏi giáo viên (có năng lực chuyên môn phù hợp) tham gia dạy học; có một số nội dung giáo dục mới trong môn học đòi hỏi giáo viên phải cập nhật; có những yêu cầu về vận dụng kiến thức vào thực tiễn tại địa phương đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong sách giáo khoa (chung cho toàn quốc).

Vai trò trò của giáo viên đã chuyển mạnh từ vị trí là "người dạy" sang vị trí là người "tổ chức, kiểm tra, định hướng" hoạt động học của học sinh. Cô giáo Đinh Duyên Thịnh, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long, Hà Nội, chia sẻ: “Chương trình GDPT 2018 đã giúp chúng tôi tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp các em hứng thú hơn trong mỗi tiết học”.

“Những bước đi ban đầu của đổi mới thường gặp một số khó khăn nhưng dần dần sẽ quen. Biết phát huy sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo với từng đối tượng học sinh thì quá trình dạy học không còn áp lực với cả cô và trò”, cô giáo Nguyễn Thị Hải Quyên, giáo viên Trường tiểu học Kim Ngọc, Vĩnh Phúc bày tỏ.

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Những tiết học thú vị tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19