Xây dựng trường học hạnh phúc, bài học từ Hà Tĩnh!

Nhà trường, thầy cô giáo trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng mà còn để học sinh thấy được ngôi trường, lớp học của mình trở thành một nơi thú vị mà hằng ngày các em khát khao muốn đến để được yêu thương…

Hiện nay, nhiều trường học của cả nước đang hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc với mục đích để học sinh, giáo viên đến trường không bị quá áp lực vì chuyện học hành, không đặt nặng quá thành tích mà để các em cảm thấy thoải mái nhất khi ở trường, học sinh nào cũng được quan tâm, yêu thương từ đó các em tiến bộ hơn so với chính mình, kết quả học tập vì thế cũng thay đổi theo.

Triết lí xây dựng trường học hạnh phúc thực sự đã thay đổi giáo dục của nhiều địa phương, trong đó có Hà Tĩnh. Trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Anh có thể thấy địa phương này đã triển khai xây dựng trường học theo quan điểm trường học hạnh phúc một cách có hệ thống, thầy cô và nhà trường đã hưởng ứng mạnh mẽ dám bỏ quan niệm cũ để đổi mình, tất cả vì học sinh thân yêu.

Đẩy mạnh áp dụng trên diện rộng

Thưa ông, hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục đang quan tâm đến mô hình trường học hạnh phúc. Họ cho rằng, đó là giải pháp để giúp học sinh và giáo viên bớt căng thẳng hơn trong học tập, các em lại phát huy được năng lực bản thân. Vậy ở Hà Tĩnh, mô hình trường học này được thực hiện trong nhà trường như thế nào ?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng đến của nhiều trường học ở Việt Nam. Đối với Hà Tĩnh, những năm gần đây được quan tâm triển khai thực hiện.

Năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT đã mời Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân - Phó Chủ tịch Hội đồng quản lí, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, truyền đạt những nội dung liên quan đến Xây dựng trường học hạnh phúc cho lãnh đạo, chuyên viên và hiệu trưởng trường tiểu học của 13 huyện, thị xã, thành phố tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ.

Sau đó, Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ thực hiện thí điểm; tài liệu tập huấn được chuyển cho các cơ sở giáo dục tiểu học trong toàn tỉnh nghiên cứu để phổ biến trong nhà trường. Tiếp đó, các trường tiểu học ở thành phố Hà Tĩnh từng bước nghiên cứu, vận dụng,…

Đến năm học 2022-2023, để làm căn cứ cho các sở giáo dục trong toàn tỉnh tham mưu, triển khai, Sở GD&ĐT ban hành Quyết định số 1168/QĐ-SGDĐT ngày 17/10/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;

Quyết định số 1169/QĐ-SGDĐT ngày 17/10/2022 ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch số 2186/KH-SGDĐT ngày 17/10/2022 về triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học hạnh phúc”.

Phòng GD&ĐT, các trường đã tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập bộ tiêu chí, ban hành các văn bản triển khai thực hiện, tổ chức cho các trường đăng kí xây dựng Trường học hạnh phúc. Toàn tỉnh có 56 trường đăng kí xây dựng Trường học hạnh phúc. Những cơ sở giáo dục còn lại, trên cơ sở đặc điểm tình hình của đơn vị, từng bước nghiên cứu, áp dụng một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí tạm thời do Sở GD&ĐT ban hành.

Phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc tại Hà Tĩnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, được cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh đồng tình ủng hộ, là nơi mang đến cho học sinh và cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên niềm vui, sự thoải mái, an lành, có cảm xúc tích cực và mong muốn gắn kết, cống hiến,…, qua đó góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Hà Tĩnh phát động thi đua xây dựng trường học hạnh phúc

Không để tư duy cũ gây trở ngại

Đâu là thách thức và giải pháp giúp Hà Tĩnh xây dựng được môi trường giáo dục học sinh tích cực, giáo viên thân thiện. Ông có chia sẻ một vài điểm nhấn về phong trào dạy học này được không ?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Sự đổi mới nào ngoài những thuận lợi, bao giờ cũng có những khó khăn, thách thức nhất định. Để đạt được mục tiêu học sinh tích cực, giáo viên thân thiện, phải nói rằng, thách thức lớn nhất của ngành đó là làm thay đổi được nhận thức và hành động trong cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh trong khi những cách làm cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ vốn đã định hình, ăn sâu vào thói quen dạy học;

Không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với yêu cầu mới. Ngoài ra áp lực về thi cử, điểm số, thứ hạng vẫn còn nặng nề; một bộ phận trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi trong cách dạy, cách học, thiếu sự động viên, chia sẻ để thầy, cô giáo, học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn của đổi mới,…

Thực hiện lời dạy của Bác, “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua Dạy tốt, Học tốt”; toàn ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên mọi phương diện;

Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư, xây dựng, bổ sung các điều kiện đảm bảo để giáo viên, học sinh thuận lợi trong đổi mới cách dạy, cách học, như: từ bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; đến nay Hà Tĩnh đã có trên 80 % trường học đạt chuẩn quốc gia.

Triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, hình hình thức tổ chức dạy học; thực hiện trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên trong lựa chọn cách thức dạy, kiểm tra, đánh giá,…;

Chuyển vai trò của giáo viên từ chủ thể truyền thụ kiến thức sang vai trò người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh; quan tâm thực hiện các giải pháp tạo cảm xúc làm việc, học tập trong đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên và cảm xúc học tập trong học sinh,…

Thời gian qua, bằng các giải pháp đồng bộ trong việc xây dựng môi trường giáo dục học sinh tích cực, giáo viên thân thiện đã tạo ra được sự chuyển biến rõ nét trong các nhà trường.

Cơ bản đã thay đổi căn bản trong nhận thức, cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh, cách quản lí của hiệu trưởng hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc; phần lớn các trường học đều có cơ sở vật chất đầy đủ, khang trang đáp ứng yêu cầu dạy học, giáo dục học sinh, đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, xanh, sạch, đẹp, thân thiện; nhiều tập thể, cá nhân được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, khẳng định được vị thế trong nước và quốc tế.

Thay đổi vì học sinh thân yêu

Theo ông để mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì giáo viên và nhà trường nên thay đổi như thế nào ?

Ông Nguyễn Quốc Anh: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui - đây là mục tiêu cốt lõi mà Trường học hạnh phúc hướng tới. Để trở nên có giá trị, không còn là khẩu hiệu thì nhà trường, giáo viên nên có những sự thay đổi thực sự.

Đối với nhà trường: Theo cách dễ hiểu nhất, Trường học hạnh phúc là một ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa.Vì vậy, nhà trường cần tập trung làm thay đổi và thay đổi đồng bộ từ cấp ủy, lãnh đạo đến các tổ chức trong nhà trường.

Thay đổi phải bắt đầu từ Ban Giám hiệu, mà trước hết là Hiệu trưởng nhà trường phải thay đổi. Đó là sự thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, chuyển từ tư duy quản lí, mệnh lệnh hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích của người học lên hàng đầu;

Nhà trường thực sự dân chủ, khách quan và minh bạch, không tạo ra những gánh nặng, áp lực không cần thiết; biết tôn trọng và phát huy sức mạnh tập thể, cá nhân, tạo động lực cho giáo viên, để mỗi thầy, cô giáo thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả học sinh.

Xây dựng phù hợp và triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; môi trường giáo dục nhà trường phải an toàn, lành mạnh, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức;

Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đội ngũ giáo viên, nhân viên,… Nhà trường không ngừng đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động, các hoạt động đó phải thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, đặc điểm nhận thức của học sinh,…

Thầy cô nỗ lực để học sinh cảm giác được hạnh phúc khi tới trường

Đối với giáo viên: Nêu cao tinh thần tự giác và trách nhiệm. Không ngừng nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo.

Biết yêu thương học trò bằng cả trái tim và tấm lòng nhân ái, lan tỏa cho học sinh niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những cử chỉ đầy tính nhân văn. Trong mọi trường hợp phải đề cao sự thấu hiểu để yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ học sinh.

Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của học sinh phải luôn được tôn trọng, không áp đặt một cách máy móc, biết kiềm chế, không mang những cảm xúc tiêu cực xảy ra trong cuộc sống đời thường đến trường, đến lớp.

Trong chuyên môn, giáo viên phải thực là nhà kiến tạo niềm vui, kiến tạo cảm xúc học tập tích cực cho học sinh, học sinh được tự mình khám phá những điều mới mẻ, thú vị từ những bài học hằng ngày.

Để làm được điều này, giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Biết tôn trọng mọi sự cố gắng, sản phẩm học tập của học sinh;

Đánh giá không so sánh học sinh này với học sinh khác mà biết kèm cặp, giúp đỡ, cổ vũ, động viên để học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập và tự cảm nhận được là mình có sự tiến bộ theo hằng ngày.

Thầy cô thân thiện quan tâm học sinh để các em có cảm giác mình được yêu thương

Đối với tập thể lớp, giáo viên cần xây dựng một môi trường học tập và rèn luyện tích cực, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở trường, không để học sinh có cảm giác mình bị thừa trong tập thể lớp, trong các hoạt động của nhà trường, làm cho các em thấy mình có giá trị, có những đóng góp cho thể và được ghi nhận.

Muốn vậy thì cần có các giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả  các tiêu chí cốt lõi về trường học hạnh phúc: Xây dựng môi trường nhà trường với không khí ấm áp, thân thiện trong trường học, lớp học; mọi thành viên trong trường học, lớp học đều được yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu.

Dạy học và hoạt động giáo dục phải tạo được hứng thú, phù hợp với từng đối tượng, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động học tập.

Cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và chủ động xây dựng các mối quan hệ tích cực, tốt đẹp. Phối hợp, hợp tác có hiệu quả với cha mẹ học sinh, cộng đồng dân cư và các lực lượng liên quan trong giáo dục học sinh.

Nhà trường, thầy cô giáo trong giai đoạn hiện nay không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường, lớp học của mình trở thành một nơi thú vị mà hằng ngày các em khát khao muốn đến để được yêu thương, quý trọng, học tập và khám phá để thay đổi bản thân,…

Để xây dựng mục tiêu tốt đẹp này, nhà trường, giáo viên cần phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từ những việc nhỏ nhất và rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Minh Triết

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng trường học hạnh phúc, bài học từ Hà Tĩnh! tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn