Đổi mới dạy, học môn Ngữ văn: Học sinh “rời xa” văn mẫu

Một trong những điểm khác biệt giữa chương trình cũ và Chương trình GDPT 2018 là đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học với phương châm lấy học sinh là trung tâm. Trong đó, đổi mới dạy, học môn Ngữ Văn trong các nhà trường khiến tiết học trở nên sinh động, hứng thú.

Theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH (và Công văn bổ sung số 4020/BGDĐT-GDTrH) về việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, môn ngữ văn tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra. Đây là “cú hích” lớn để loại bỏ dần tệ “đạo văn”, học tủ, học “vẹt”, thiếu sáng tạo của HS tồn tại dai dẳng từ trước đến nay. 

Cô Phạm Thị Xuân Rớt, Tổ phó Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) chia sẻ: “Chương trình môn ngữ văn lớp 10 là chương trình mở, nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới đã đưa vào sách giáo khoa. Nội dung chương trình được tổ chức theo trục kĩ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kĩ năng ấy, không còn tình trạng một học sinh viết rất hay nhưng nói dở, nói rất hay nhưng viết dở, đọc bài mà không hiểu hoặc nghe mãi vẫn chưa thông. Sau mỗi bài học, những điều học sinh nhận lại được sẽ là tổng hợp và đồng đều cả 4 kĩ năng: Đọc - nói - viết - nghe. Mặt khác, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo. Việc “học tủ”, “học vẹt”, chép văn mẫu không thể tồn tại được nữa”. 

Theo cô Rớt, để đáp ứng chương trình đổi mới đòi hỏi giáo viên phải đổi mới cách tiếp cận, chú trọng hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh, tích hợp kiến thức ngôn ngữ và kiến thức văn học thông qua chuỗi hoạt động. Còn học sinh phải phát huy tinh thần tự học, khơi gợi khả năng sáng tạo của cả thầy và trò, giúp học sinh phát triển tư duy, cảm xúc, tăng vốn sống và năng lực ngôn ngữ. 

Nhấn mạnh vai trò của người thầy trong quá trình đổi mới, cô giáo Hoàng Thị Hồng Minh, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Thuận Thành 1, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho hay: Để khơi gợi sự hứng thú và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học môn Ngữ văn, việc đầu tiên giáo viên cần làm là nắm bắt tâm lí, biết học sinh cần và có khả năng gì rồi mới giao nhiệm vụ vừa sức với các em. Sau đó, cho học sinh làm việc nhóm, cùng nhau tìm hiểu và sáng tạo trong bài học.

Không chỉ học trên lớp, một trong những phương pháp đã được cô giáo Minh áp dụng và thành công đó là đưa học sinh đi trải nghiệm thực tế. “Sau mỗi chuyến đi trải nghiệm, học sinh được mở mang thêm kiến thức và nộp cho cô giáo bài thu hoạch với những câu từ phong phú, giàu cảm xúc”, cô giáo Minh cho biết. 

Đánh giá việc đổi mới dạy, học môn Ngữ văn khi triển khai tại các nhà trường, thầy giáo Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) chia sẻ: Mặc dù là cán bộ quản lí, nhưng dưới góc độ chuyên môn, tôi cũng như nhiều giáo viên dạy Ngữ văn rất đồng tình và ủng hộ chủ trương đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, thi cử môn Ngữ văn từ Bộ GD-ĐT. Thực tế cho thấy, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở môn Ngữ văn của các trường phổ thông tại tỉnh Tiền Giang được thực hiện từ rất nhiều năm qua.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc dạy và học môn Ngữ văn vẫn còn nhiều hạn chế. Với chủ trương đổi mới như hiện nay, việc đưa các tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa vào các bài thi, bài kiểm tra là tinh thần đúng đắn, vừa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, vừa triệt tiêu vấn đề dạy và học theo văn mẫu, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Bên cạnh đó, khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và cảm thụ thẩm mỹ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh, nêu cụ thể các yêu cầu về bài tập mà học sinh phải hoàn thành, chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập. Song song với đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Hướng dẫn học sinh thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

Mặt khác, tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, môn học nào cũng tham gia kiến tạo con người nhưng môn Ngữ văn tham gia vào kiến tạo, xây dựng văn hóa con người một cách trực tiếp và trực diện. Mục tiêu của đổi mới giáo dục phổ thông là tăng cường phương diện dạy người, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm chất của con người. Do đó, đổi mới môn Ngữ văn cần ưu tiên làm ngay, làm dứt khoát cho đến khi đạt hiệu quả.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới dạy, học môn Ngữ văn: Học sinh “rời xa” văn mẫu tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn