Hợp tác khoa học quốc tế trong nghiên cứu về giáo dục STEM: Nghiên cứu trắc lượng từ cơ sở dữ liệu SSCI

Giáo dục STEM gần đây đã trở thành một trong những phương thức chính được cộng đồng giáo dục thế giới sử dụng nhằm giải quyết các vấn đề khủng hoảng toàn cầu. Nghiên cứu đánh giá hệ thống do nhóm tác giả Eka Kurrniati và cộng sự mang đến một góc nhìn chuyên sâu về khía cạnh hợp tác quốc tế giữa các nhà nghiên cứu STEM và các xu hướng đề tài nghiên cứu đang phổ biến về STEM trên thế giới.

Nhiều thách thức toàn cầu trong kỷ nguyên hiện đại, chẳng hạn như sự phá huỷ nguồn tài nguyên, sản xuất lương thực, thực phẩm, y tế, suy giảm đa dạng sinh học, khám phá nguồn năng lượng sạch, đòi hỏi những thành tựu của sự phát triển khoa học và công nghệ. Do đó, nhiều cơ sở giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang tìm cách thúc đẩy sự phát triển năng lực các ngành khoa học STEM của quốc gia mình nhằm đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động trong lĩnh vực STEM ở hiện tại và tương lai. Một số nghiên cứu thực chứng đã chỉ ra rằng giáo dục STEM có tác động tích cực đến sự phát triển chất lượng giáo dục.

Cùng với sự phát triển của nhiều chương trình giáo dục STEM, các công trình xuất bản về STEM trên một số tạp chí cũng đang tiếp tục gia tăng về số lượng. Trong khoảng từ năm 2013 đến 2017, các xu hướng nghiên cứu về STEM bắt đầu manh nha và phát triển. Sự gia tăng về số lượng công trình nghiên cứu về giáo dục STEM cũng đã thúc đẩy một số nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu tổng hợp, đánh giá cả trên quy mô tổng quát và cụ thể. Một số nghiên cứu cho thấy việc tối đa hoá kết quả đầu ra của giáo dục STEM đòi hỏi sự kết hợp của nhiều cách tiếp cận, định hướng dạy học và thời lượng học tập. Mục tiêu của nghiên cứu đánh giá hệ thống giáo dục STEM do nhóm nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu các xu hướng đề tài nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục STEM và các học giả đến từ những quốc gia nào đang là nhân tố chính thúc đẩy các nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhóm tác giả muốn tìm hiểu những quốc gia tại các lục địa đã khởi xướng khái niệm về giáo dục STEM, chẳng hạn như châu Mỹ và châu Âu, triển khai loại hình giáo dục này như thế nào và những kinh nghiệm đó có thể áp dụng cho các quốc gia tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á ra sao.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu các bài báo khoa học về lĩnh vực giáo dục STEM được xuất bản trên các tạp chí được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SSCI, do các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu này thường có hệ số tác động (IF) lớn. Các bài báo được xuất bản trong khoảng thời gian từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2018 là đối tượng nghiên cứu. Ngoài ra, còn có một số tiêu chí khác: Đó phải là các bài viết bằng ngôn ngữ tiếng Anh, thuộc nhóm bài nghiên cứu (định lượng, định tính hoặc hỗn hợp), đề cập đến ít nhất 2/4 môn STEM, và phạm vi nghiên cứu thuộc các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Tổng cộng, nhóm tác giả đã đọc và phân tích 49 bài báo có bình duyệt, được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu gồm 244 bài báo xuất bản trên 3 tạp chí quốc tế uy tín. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhu cầu bức thiết trong việc tìm hiểu vì sao các xu hướng nghiên cứu giáo dục STEM có sự gia tăng đáng kể qua từng năm. Mục tiêu giáo dục, chính sách giáo dục, chương trình học và công tác kiểm tra đánh giá tiếp tục là những chủ đề nghiên cứu chiếm ưu thế. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ là một số điểm cốt lõi trong triển khai giáo dục STEM, có thể được sử dụng làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược trong tương lai. Các nhà nghiên cứu và các bên tham gia lĩnh vực này có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu để hiểu rõ hơn vì sao các can thiệp trong trường học cần được chuẩn bị và tính toán kĩ lưỡng mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Suwono, H., Kurniati, E., Ibrohim, I., Suryadi, A., & Saefi, M. (2022). International Scientific Collaboration and Research Topics on STEM Education: A Systematic Review. Eurasia Journal of Mathematics, Science and Technology Education, 18(4), em2095. https://doi.org/10.29333/ejmste/11903

 

Bạn đang đọc bài viết Hợp tác khoa học quốc tế trong nghiên cứu về giáo dục STEM: Nghiên cứu trắc lượng từ cơ sở dữ liệu SSCI tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn