Nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam: giai đoạn 2013 đến 2022

Nghiên cứu này giới thiệu sự phát triển của khoa học giáo dục (KHGD) Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022 gắn liền với giai đoạn thực hiện Nghị quyết 29. Kết quả cho thấy, cùng với sự tăng trưởng về số lượng công bố, bên cạnh các quốc gia có truyền thống hợp tác, các nhà khoa học Việt Nam đã mở rộng mạng lưới hợp tác với các quốc gia khác. Nghiên cứu cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế với sự phát triển của KHGD Việt Nam trong giai đoạn từ 2013-2022.

Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2013 đã thay đổi và định hướng sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam trong những năm vừa qua. Nghị quyết 29-NQ/TW có mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, kế thừa những thành tựu giai đoạn trước đó giúp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng “nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, phát triển hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng “mở, linh hoạt”, thực hiện “dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo”, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và hướng tới hội nhập quốc tế. 

Trong khoảng thời gian 10 năm triển khai Nghị quyết vừa qua, giáo dục Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định về nâng cao chất lượng đào tạo tại các cấp học, phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt… Trong những năm qua, nghiên cứu KHGD đã đóng vai trò góp ý, phản biện và định hình chính sách, dự báo xu thế phát triển của giáo dục trong tương lai, giới thiệu và kiểm chứng các mô hình, phương pháp, và lí thuyết mới trong KHGD, đồng thời đóng vai trò kết nối hệ thống giáo dục Việt Nam với quốc tế. Điều này đã giúp KHGD Việt Nam theo kịp xu thế hội nhập quốc tế thông qua số lượng công bố quốc tế và sự mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu. 

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu nhằm đánh giá sự phát triển trong nghiên cứu KHGD Việt Nam trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (từ 2013-2022) từ nguồn cơ sở dữ liệu Scopus. Có thể tóm lược giới thiệu các kết quả như sau:

Xu hướng công bố theo thời gian và loại hình công bố 

Trong vòng 10 năm gần đây, các nhà khoa học đã công bố tổng cộng 1.950 ấn phẩm liên quan đến KHGD Việt Nam được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus. 

Hình 1. Số lượng công bố KHGD Việt Nam theo các dạng tài liệu từng năm từ 2013 đến 2022

Xem xét hình thức công bố, có thể thấy bài báo là loại hình công bố phổ biến nhất là bài báo và chương sách. Sự mất cân bằng trong các loại hình công bố có thể đến từ các nguyên nhân (1) nhà khoa học gặp khó khăn và hạn chế trong quá trình viết sách chuyên khảo, (2) có ít hội thảo trong lĩnh vực KHGD được tổ chức tại Việt Nam do Scopus chỉ mục, (3) chưa có cơ chế khuyến khích nhà khoa học tham gia các hội thảo quốc tế lớn trên thế giới trong lĩnh vực KHGD.

Các quốc gia hợp tác nghiên cứu 

Australia là đối tác hàng đầu trong nghiên cứu và công bố với các tác giả Việt Nam (378 lượt hợp tác), theo sau đó là Hoa Kỳ (295 lượt hợp tác). Tiếp theo là Vương Quốc Anh (68 lượt công bố), Thái Lan (62 lượt công bố) và Đài Loan, Trung Quốc với 57 lượt công bố. Bên cạnh những quốc gia có truyền thống nghiên cứu về KHGD Việt Nam như Australia, Hoa Kỳ, Canada thì 10 năm trở lại đây cũng ghi nhận sự xuất hiện của những nhà nghiên cứu mới đến từ Đài Loan-Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan hay Thụy Điển. Nguyên nhân có thể lí giải từ việc khoa học Việt Nam bắt đầu tập trung công bố quốc tế trong những năm gần đây với chính sách khuyến khích công bố quốc tế của cơ quan quản lí, các trường đại học và viện nghiên cứu cũng như sự cố gắng của các nhà khoa học trong nước. 

Các đơn vị nghiên cứu 

Dẫn đầu trong danh sách về số lượng công bố là Đại học Quốc gia Hà Nội (178 công bố). Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí thứ hai (91 công bố). Tiếp theo là Đại học Cần Thơ (79 công bố); Trường Đại học sư phạm Hà Nội (76 công bố); Đại học Thái Nguyên (60 công bố). Nghiên cứu cũng cho thấy sự hợp tác của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với nhiều trường đại học của nước ngoài, chẳng hạn như Trường Đại học Deakin, Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Monash, Trường Đại học Queensland, Trường Đại học California (Hoa Kỳ).

Hình 2. Các đơn vị dẫn đầu về số lượng công bố về KHGD giai đoạn 2013-2022

Như vậy, trong 10 năm qua, KHGD Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng công bố được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu Scopus đặc biệt trong giai đoạn từ 2017 đến nay. Trong các loại hình xuất bản, tạp chí vẫn đóng vai trò chủ đạo, các loại hình công bố khác như chương sách, sách hay các bài báo hội thảo vẫn chưa được các nhà khoa học nghiên cứu về KHGD Việt Nam quan tâm đúng mức. Mạng lưới hợp tác trong KHGD Việt Nam cũng đã có sự mở rộng đáng kể với sự tham gia của các quốc gia mới bên cạnh những quốc gia cộng tác lâu năm. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò của các chính sách đổi mới trong sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam trong những năm vừa qua và giúp các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn tổng quát về xu thế phát triển trong tương lai của KHGD Việt Nam. 

Nguồn: Phạm Hiệp và cộng sự

 

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam: giai đoạn 2013 đến 2022 tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19