Hội nhập quốc tế giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong tình hình mới

Xu thế hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học ở Việt Nam cần có những phương pháp tiếp cận và quy trình hành động phù hợp với bối cảnh, điều kiện và mục tiêu phát triển của đất nước và mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo, mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

TS. Lê Thị Mai Hoa, TS Trần Đình Minh, Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương 

1. Ở Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã hướng đến xây dựng nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nói chung và hội nhập quốc tế giáo dục đại học nói riêng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp xác định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết xác định, định hướng chủ động hội nhập quốc tế được hiểu là hội nhập quốc tế về xu thế phát triển chương trình giáo dục, đào tạo; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo; mở rộng quan hệ song phương và đa phương trong hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng một số ngành đào tạo, cơ sở giáo dục, đào tạo đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Với mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

2. Trong 10 năm qua, triển khai hợp tác song phương, đa phương về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã mang lại nhiều kết quả khởi sắc. Giáo dục và đào tạo phát triển và mở rộng với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín; ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả hàng trăm Điều ước và Thỏa thuận quốc tế để thúc đẩy hợp tác về giáo dục, đào tạo; nghiên cứu khoa học; công nhận văn bằng hoặc chương trình học bổng, trao đổi học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên; trao đổi chuyên gia hợp tác, đặc biệt với các nước đối tác lớn, chiến lược, truyền thống [1]; cũng như tham gia một số cơ chế tiểu vùng, khu vực và quốc tế như ASEAN, SEAMEO, ASEM, APEC, EU, UN, UNESCO, UNICEF, UNDP, WB, ADB. Thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học, trong những năm qua các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa [2]; cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và dịch vụ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học được tăng cường; công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định được chú trọng, đến nay số cơ sở giáo dục đại học cũng như số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và quốc tế tăng mạnh trong những năm gần đây [3]. Nhiều cơ sở giáo dục đại học từng bước khẳng định vai trò chủ chốt trong mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ quốc gia [4] với số công bố khoa học có trong danh mục Scopus của toàn quốc tăng xấp xỉ 5 lần [5], trong đó các cơ sở giáo dục đại học đóng góp khoảng 85%. Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín[6], cho thấy xu hướng hội nhập quốc tế cũng như vị thế của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam ngày một khởi sắc hơn.

Đặc biệt, nhằm phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, ngày 14/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”, đến tháng 8/2023, cả nước đã có 1.263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận [7,8].

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã xác định lộ trình áp dụng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam [9] cho các chương trình đào tạo. Thông qua việc mở rộng thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình khác dạy bằng ngoại ngữ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả giảng viên và sinh viên, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới [10]. Năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên ngày càng được cải thiện rõ rệt. Nhiều sân chơi, các câu lạc bộ tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa tiếng Anh cho học sinh, sinh viên được tổ chức, góp phần giúp học sinh thực hành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết [11]. Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cũng tích cực thu hút giáo viên, giảng viên nước ngoài thông qua hợp tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án, hiện có khoảng 3.000 lượt giảng viên nước ngoài và khoảng 150 tình nguyện viên vào làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, (tăng khoảng gấp 2 lần so với giai đoạn 2013-2018); khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam theo diện học bổng Hiệp định, các kênh học bổng khác và tự túc (chưa tính các lưu học sinh vào học tập, nghiên cứu và bồi dưỡng ngắn hạn. Nhiều lưu học sinh nước ngoài sau khi tốt nghiệp về nước đã tham gia tích cực vào việc phát triển quan hệ văn hóa, giáo dục, ngoại giao, kinh tế, chính trị,... với Việt Nam, qua đó không chỉ góp phần giới thiệu văn hóa, giáo dục của Việt Nam ra thế giới mà còn giúp thế giới đến với Việt Nam nhiều hơn.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại học nói chung và hội nhập quốc tế giáo dục đại học để thực hiện đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước thời gian qua còn có những hạn chế nhất định. Chúng ta còn thiếu những nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quản lý, khoa học-công nghệ-kỹ thuật; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo cho người học, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu những công việc mới, có khả năng thích ứng trong điều kiện nền kinh tế số, đổi mới công nghệ chưa tạo được bước đổi mới có tính đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực. Năng suất lao động của Việt Nam nhìn chung còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới...

3. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ: “Tăng cường công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học; xếp hạng các trường đại học; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới; phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới. nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển; tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức người nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới, quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật, liên kết, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ với các quốc gia, tổ chức đối tác có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài; phát triển các trung tâm, mạng lưới nghiên cứu liên kết, kết nối với các mạng lưới đổi mới sáng tạo khu vực, toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo viên, giảng viên hợp tác, giao lưu, tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật của các nước tiên tiến; gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh”… để đưa giáo dục và đào tạo thích ứng với những bước tiến nhảy vọt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu để phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

4. Xu hướng hội nhập quốc tế giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong tình hình mới

Từ thực tiễn và trên cơ sở nghiên cứu mô hình hợp tác quốc tế từ một số quốc gia phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Phần Lan và Trung Quốc, từ đó vận dụng cho giáo dục đại học Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số xu hướng hội nhập quốc tế giáo dục đại học Việt Nam, nhằm tiếp tục đưa giáo dục đại học trở thành thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của mỗi quốc gia, là động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận công bằng với giáo dục đại học chất lượng tốt; chúng tôi đề xuất một số xu hướng hội nhập quốc tế giáo dục đại học Việt Nam để thích ứng với thời đại mới, đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong tình hình mới, như sau: Quốc tế hóa giáo dục đại học. Đây là xu hướng được xem là phương tiện để phát triển tầm nhìn và sức ảnh hưởng của các cơ sở giáo dục đào tạo và của mỗi quốc gia. Quốc tế hóa bao gồm nhiều hoạt động như: Trao đổi sinh viên, và giảng viên, hợp tác nghiên cứu quốc tế, quốc tế hoá chương trình, bằng cấp, và giao lưu văn hóa,… giữa các cơ sở giáo dục đại học với các đối tác quốc tế. Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong lĩnh vực này, như việc ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các nước bạn, tham gia vào các mạng lưới và tổ chức giáo dục quốc tế.

Hợp tác nghiên cứu khoa học bao gồm việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực, thiết bị, máy móc,... giữa các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, viện nghiên cứu thuộc các cơ sở giáo dục đại học khác nhau trong và ngoài nước. Hợp tác nghiên cứu khoa học giúp mở rộng phạm vi và độ sâu của các nghiên cứu, tăng cường khả năng sáng tạo và đổi mới, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Hoạt động du học và các chương trình giao lưu văn hoá và trao đổi sinh viên  là một trong những biểu hiện của sự toàn cầu hóa và quốc tế hoá trong giáo dục. Quá trình du học và các chương trình giao lưu văn hoá và trao đổi sinh viên bao gồm: Sinh viên từ một quốc gia đi du học hoặc theo học các chương trình liên kết ở một quốc gia khác. Xu hướng này giúp sinh viên tiếp xúc với các nền văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục khác nhau, mở rộng kiến thức và kỹ năng, nâng cao cơ hội việc làm và hợp tác quốc tế. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có số lượng sinh viên đi du học cao, đứng thứ 6 trên thế giới với gần 200.000 sinh viên (số liệu năm 2020).

Triển khai các chương trình đào tạo liên kết quốc tế và công nhận bằng kép là là hình thức hợp tác giáo dục quốc tế phổ biến hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học. Các chương trình liên kết quốc tế và bằng kép bao gồm việc hai hoặc nhiều cơ sở giáo dục đại học thuộc các quốc gia khác nhau thiết kế và thực hiện một chương trình đào tạo chung, cho phép sinh viên theo học một phần hoặc toàn bộ chương trình ở các cơ sở đó và nhận được một hoặc hai bằng cấp tương ứng. Các chương trình liên kết quốc tế và bằng kép nào giúp tăng cường sự linh hoạt và đa dạng của các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của sinh viên và xã hội, nâng cao uy tín và chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và quy định nhằm khuyến khích và quản lý các chương trình liên kết và bằng kép.

Thành lập cơ sở giáo dục đại học quốc tế và học viện quốc tế. Quá trình này là sự mở rộng và phát triển của giáo dục quốc tế, qua đó, các trường đại học quốc tế và học viện quốc tế là các cơ sở giáo dục đại học được thành lập bởi một hoặc nhiều tổ chức giáo dục thuộc một quốc gia khác hoặc có sự tham gia của các tổ chức giáo dục quốc tế. Các trường đại học quốc tế và học viện quốc tế thường có các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy, thu hút sinh viên và giảng viên từ nhiều quốc gia khác nhau. Các trường đại học quốc tế và học viện quốc tế giúp mang lại sự lựa chọn cho sinh viên, góp phần vào việc cải thiện chất lượng giáo dục, thúc đẩy sự cạnh tranh và hợp tác trong ngành giáo dục. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và điều kiện thuận lợi để phát triển các trường đại học quốc tế và học viện quốc tế.

5. Từ hiện trạng về hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học ở Việt Nam, với những kết quả đạt được, song còn có những hạn chế nhất định cho thấy, xu thế hội nhập quốc tế giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới là hết sức cần thiết. Từ những kinh nghiệm đúc rút được trong hội nhập giáo dục đại học quốc tế trong những năm qua và cập nhật xu hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học ở các quốc gia phát triển hiện nay cho thấy hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu và có lợi cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo.

Xu thế hội nhập quốc tế đối với giáo dục đại học ở Việt Nam cần có những phương pháp tiếp cận và quy trình hành động phù hợp với bối cảnh, điều kiện và mục tiêu phát triển của đất nước và mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Song cần dựa trên một số nguyên tắc: (1). Hội nhập quốc tế phải được thực hiện một cách có chọn lọc tại từng quốc gia; (2). Mỗi quốc gia cần xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế và có kiểm soát đối với mỗi hoạt động trong kế hoạch đó; (3). Hội nhập quốc tế phải được kết hợp với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá và giáo dục truyền thống nội tại của mỗi quốc gia; (4). Hội nhập quốc tế phải được coi là một cơ hội để học tập, trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia, giữa các khu vực với nhau. Cuối cùng, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh hiện nay, trước hết cần đổi mới chính sách về hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài tận dụng cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương, song phương để đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn một cách thiết thực, nhằm giữ gìn, khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước, xây dựng hình ảnh, vị thế Việt Nam với bạn bè trong khu vực và trên thế giới.  

Tài liệu tham khảo

[1]. Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Pháp, Lào, Campuchia, Singapore…

2]. Trong điều kiện tự chủ chi thường xuyên, nguồn thu phụ thuộc chủ yếu vào học phí, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động khai thác các nguồn lực để đầu tư tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút người học và gia tăng quy mô đào tạo. Theo số liệu khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ước tính tổng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước năm 2021 của toàn hệ thống khoảng 38.000 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 40% so với năm 2018 và lớn hơn 3 lần số thực chi ngân sách nhà nước năm 2020 cho giáo dục đại học.

[3]. Tính đến ngày 31/5/2023, toàn quốc có 1.198 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định, trong đó có 805 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức trong nước và 393 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài; có 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 09 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm và thế mạnh riêng, đặc biệt thông qua triển khai đề án Chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016, nhiều mô hình, tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận dựa trên năng lực, chuẩn đầu ra (CDIO, ABET…) đã được tiếp thu và áp dụng thành công.

[4]. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học đóng góp 52,5% số cán bộ nghiên cứu và phát triển và 74,5% số cán bộ nghiên cứu và phát triển có trình độ tiến sĩ của cả nước. So sánh với mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập (theo báo cáo Quy hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ), khối giáo dục đại học công lập có số nhân lực khoa học công nghệ (tính đội ngũ giảng viên) gấp 2,2 lần và số nhân lực khoa học công nghệ có trình độ tiến sĩ gấp 6,7 lần.

[5]. Theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là 3.800 bài và năm 2022 là 18.493 bài, trong đó số bài đứng tên các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam chiếm xấp xỉ 85%.

[6].Năm 2023: 05 cơ sở giáo dục địa học có tên trong bảng xếp hạng QS WUR 2024 và 10 lượt lĩnh vực đào tạo (ở 4 lĩnh vực) có tên trong bảng xếp hạng QS WUR by Subject 2023; 06 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng THE WUR 2024 và 36 lượt lĩnh vực đào tạo (ở 8 lĩnh vực) có tên trong bảng xếp hạng THE WUR 2024 by Subject.

[7]. Có 864 chương trình đào tạo được kiểm định trong nước và 399 chương trình được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài, 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, 09 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài, 11 trường cao đẳng sư phạm, 4 chương trình giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sư phạm.

[8] Gồm các trường: Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ 138 châu Á trong tổng số 760 trường đại học tốt nhất Châu Á và đứng thứ 29 khu vực ASEAN; trường Đại học Duy Tân xếp thứ 145 châu Á và đứng thứ 32 khu vực ASEAN; Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 162 châu Á và đứng thứ 36 khu vực ASEAN; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 167 châu Á và đứng thứ 37 khu vực ASEAN; Đại học Bách khoa Hà Nội xếp thứ 248 châu Á và đứng thứ 54 khu vực ASEAN; Đại học Huế trong nhóm các trường thứ hạng từ 351 đến 400; trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 401đến 450; Đại học Đà Nẵng trong nhóm 501 đến 550; Đại học Cần Thơ trong nhóm 551 đến 600; trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong nhóm 551đến 600…Cũng theo tạp chí THE (Times Higher Education, World University Rankings 2023), Việt Nam có 9 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng của THE bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học FPT, trường Đại học Tôn Đức Thắng, trường Đại học Phenikaa và trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh.

[9].Theo đó, các chương trình đào tạo bậc đại học yêu cầu sinh viên đạt bậc 3 khi tốt nghiệp các ngành không chuyên ngoại ngữ và bậc 5 đối với sinh viên tốt nghiệp các ngành chuyên ngoại ngữ; một số chương trình đào tạo tiên tiến và chương trình đào tạo liên kết, đầu ra ngoại ngữ của sinh viên yêu cầu bậc 4; như, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng chuẩn đầu ra (bậc 5 cho sinh viên chuyên ngữ và bậc 3 cho sinh viên không chuyên) ở hầu hết các trường thành viên; Trường Đại học Tài nguyên Môi trường áp chuẩn đầu ra theo đúng qui định đối với các ngành đào tạo từ năm 2020; Học viện Ngoại giao công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với các ngành đào tạo: cử nhân ngôn ngữ Anh cần đạt tối thiểu IELTS 6.5; cử nhân các ngành khác đạt 5.5 IELTS,…

[10]. Đến nay, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới đạt 84% (tăng 20,8% so với năm học 2013-2014); tỷ lệ giảng viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ bậc 5 trở lên đạt 91% (tăng 7% so với năm học 2013-2014); tỷ lệ giảng viên dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên đạt 87%.

[11]. Theo xếp hạng của tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố năm 2022, Việt Nam xếp hạng 60 trên tổng số 111 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số thông thạo tiếng Anh (tăng 6 bậc cho với năm 2021), xếp thứ 7 trên 24 quốc gia ở Châu Á tham gia xếp hạng.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19