Bàn luận về ý nghĩa của “phát minh” và “đổi mới” trong giáo dục

Bài viết của tác giả Leslie Wilson, CEO Viện One-to-One, bàn luận về sự khác biệt bản chất giữa hai khái niệm “phát minh” và “đổi mới” trong giáo dục. Trong khi “đổi mới” là một khái niệm mang tính vĩ mô, định hướng; thì “phát minh” là sự hiện thực hoá các ý tưởng của đổi mới, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng trong giáo dục. Hai khái niệm này không loại trừ mà bổ sung, phát triển cho nhau.

Ngôn ngữ có ý nghĩa rất lớn: đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực mưu cầu những kết quả thực sự. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về sự khác biệt giữa khái niệm “đổi mới” so với “phát minh” kể từ khi đọc câu chuyện trên báo Entrepreneur cách đây ít lâu. Chúng ta thường nghe nói rằng nền giáo dục nói chung cần phải đổi mới. Điều đó nghĩa là gì? Bất kỳ định nghĩa hoặc suy nghĩ nào mà chúng ta có thể nghĩ ra xung quanh thuật ngữ “sự đổi mới” đều có vẻ tương đối nhẹ nhàng. Nhưng điều chúng ta dường như không thể làm là xác định "kết quả" hoặc "nghĩa vụ" của sự đổi mới. Sự đổi mới có thực sự truyền cảm hứng cho các hành động dẫn đến “kết quả”: tạo ra một thứ hữu hình có thể gọi là kết quả được hay không? Đây là một cách luận giải khá trừu tượng, mơ hồ nhưng vẫn có tính hiện đại của thế kỷ XXI.  Chúng ta có thể tiếp tục nói "Hãy đổi mới đi!" và không làm gì cả, không tạo ra được kết quả nào nổi bật. Như bài viết trên Entrepreneur có chỉ ra: “Đổi mới ư? Xin đấy. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào nó. Nhưng chúng ta cũng có thể nói là: Hãy phát minh đi. Bởi vì tương lai của nền giáo dục cũng phụ thuộc nhiều vào những kết quả đong đếm được. Những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào và bước qua. Những thứ chúng ta có thể cảm nhận bằng các giác quan và trải nghiệm. Những dịch vụ sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta.”

Nếu chúng ta chuyển trọng tâm sang khái niệm “phát minh”, một điểm nhìn khác sẽ được tạo ra. Sự đổi mới là một điều gì đó dường như mơ hồ vô định hình, khó xác định, khó có thể nhìn thấy hoặc chạm vào. Sự đổi mới dẫn đến các phát minh thì khác. Kết quả cuối cùng là “một cái gì đó” — một sản phẩm nào đó có thực — có thể khác với những gì đã có hoặc chưa từng có trước đây. Khi anh phát minh ra một thứ gì đó, anh phải cam kết sản xuất chúng trên quy mô lớn… Do đó, ít nhất, anh vẫn sẽ tiếp tục cố gắng với những sản phẩm của mình. Với sự đổi mới, người ta có thể phát hiện một phương pháp hoặc một ý niệm nào đó mới mẻ; nhưng khi đã gọi là phát minh, thì người tạo ra nó phải cam kết sẽ tạo ra, hiện thực hoá ý tưởng và có kết quả: thường là một sản phẩm. Phát minh có thể giúp giải quyết nhu cầu, lấp đầy một khoảng trống trong cuộc sống, công việc hoặc tạo ra một chiến lược hiệu quả để chúng ta đạt được kết quả mong muốn. Nhưng đổi mới ư? Kết quả thu được thường không nhiều.

Roshan Choxi đã không học được tất cả những gì anh ấy muốn biết về lĩnh vực phát triển phần mềm trong bốn năm của mình tại một trường kỹ thuật được đánh giá cao nhất tại quốc gia nơi anh ấy theo học. Choi sau đó đã rất ngạc nhiên về lượng kiến thức mà anh ấy thu được thực sự có liên quan đến ngành nghề của mình khi công tác tại một công ty mới thành lập về phát triển web. Anh ấy muốn những người khác cũng được hưởng lợi từ trải nghiệm của mình. Do đó, Roshan và đồng nghiệp, Dave Paola, “phát minh” ra Bloc vào năm 2011. Họ đã thu hút các nhà thiết kế và nhà phát triển phần mềm kỳ cựu/các chuyên gia để cung cấp chương trình thực tập, các trại hè huấn luyện trực tuyến về lĩnh vực phát triển web, di động và phần mềm. Các học sinh nhận được sự tư vấn riêng từ các chuyên gia để xây dựng sản phẩm. Đó là một ví dụ điển hình về trải nghiệm học tập được cá nhân hóa ngay tại nơi làm việc.

Học sinh sau khi trưởng thành từ chương trình này đã tạo ra được các sản phẩm thực tế. Những sáng tạo này trở thành yếu tố quan trọng trong hồ sơ xin việc khi các học sinh này bước vào thị trường lao động. Bên cạnh đó, chương trình còn có cả những hỗ trợ cho sinh viên chuẩn bị xin việc làm để giúp họ chuẩn bị hồ sơ trực tuyến và chuẩn bị cho quá trình phỏng vấn.

Tất cả những dịch vụ trên được cung cấp với chi phí 5.000 USD cho mỗi chương trình đào tạo vào năm thành lập. Dịch vụ gần như tự vận hành, hoạt động trực tuyến với nòng cốt là các nhà cố vấn, “huấn luyện” (từ 100 người ở thời điểm ban đầu, đến nay đã sắp đạt con số 500) và có sự cộng tác của những người tham gia trước đó, những người đã sẵn sàng "làm việc" và có mức lương cao hơn so với kỳ vọng của những người mới tham gia chương trình này. Cứ như vậy, chương trình tiếp tục phát triển.

Không thể có sự so sánh trực tiếp giữa Bloc và nền giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông thì không có nhà đầu tư mạo hiểm (hoặc những người tương tự như vậy) tham gia. Vì vậy, khái niệm “phát minh” trong lĩnh vực giáo dục cũng cần được xem xét từ khía cạnh tài chính, xem xét lại những khía cạnh nền tảng tạo nên giáo dục. Có rất nhiều phát minh giáo dục phổ thông hướng đến việc cung cấp cho người học kiến thức, kỹ năng phù hợp với nền kinh tế toàn cầu và thành công khi trưởng thành trong một thế giới siêu kết nối. Những phát minh này rất khó nắm bắt khi chúng bị hoà tan trong rất nhiều thiết chế, hệ thống giáo dục trên khắp thế giới này.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Leslie Wilson (2018). Invention versus Innovation: What Does it Mean for Education? K-12 Blueprint.

Bạn đang đọc bài viết Bàn luận về ý nghĩa của “phát minh” và “đổi mới” trong giáo dục tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19