Quan điểm của giáo viên và học sinh trung học Việt Nam về các giá trị dân chủ điển hình trong giáo dục

Các giá trị dân chủ trong giáo dục và các biểu hiện trong môi trường trường học phụ thuộc vào bối cảnh của từng trường cũng như điều kiện xã hội-chính trị-văn hoá của cộng đồng. Nhóm nghiên cứu của Le và cộng sự tìm hiểu quan điểm của các bên liên quan về các giá trị dân chủ trong giáo dục cũng như đóng góp của chúng trong việc xây dựng trường học dân chủ, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về những cam kết dân chủ trong giáo dục Việt Nam.

Tại Việt Nam, mối liên hệ giữa dân chủ và giáo dục bắt đầu được chú ý nhiều hơn kể từ sau Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) - hay nói cách khác, kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới. Đặc biệt, vào năm 2000, Nghị quyết 12 về “dân chủ cơ sở” được chính thức áp dụng trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam và là một thành quả tích cực của quá trình đổi mới. Tiếp đó, tính dân chủ trong giáo dục tiếp tục được phát huy thông qua các lộ trình học tập không chính thức trong các trường học. Ưu tiên chính là xây dựng môi trường học tập dân chủ thông qua việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn đối với áp dụng chân chủ cơ sở tại các cơ sở giáo dục.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung làm rõ khái niệm về các giá trị dân chủ trong giáo dục và sự hiện diện của chúng trong bối cảnh các trường trung học cơ sở tại Việt Nam. Khung lý thuyết dự kiến sẽ thao tác hoá khái niệm “dân chủ trong giáo dục” theo ba tầng chính: (1) tầng xã hội, (2) tầng trường học và (3) tầng cá nhân. 

Nghiên cứu được tiến hành trong học kỳ II của năm học 2018-2019. Nhóm nghiên cứu nhận được sự hợp tác của hiệu trưởng của hai trường trung học cơ sở, cho phép họ mời các giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu. Cuối cùng, có 9 người, bao gồm 2 hiệu trưởng, 4 giáo viên và 3 học sinh, tham gia trả lời phỏng vấn sâu.

Nguồn ảnh: https://toquoc.vn/

Các đáp viên phỏng vấn đã nêu ra 16 giá trị dân chủ giáo dục, có thể được chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các giá trị dân chủ tập trung vào khía cạnh đạo đức, bao gồm sự kiên nhẫn, tình cảm và sự nhiệt huyết. Nhóm thứ hai tập trung vào các giá trị liên quan đến các mối quan hệ, bao gồm sự chân thành, thẳng thắn, thân thiện và tôn trọng. Nhóm thứ ba gồm gồm các giá trị liên quan đến năng lực, bao gồm sự chủ động, hợp tác và tự chủ. Nhóm cuối cùng liên quan đến các giá trị có tính phổ quát, bao gồm sự công bằng, bình đẳng, tự do, minh bạch, đoàn kết và lòng tự trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự phù hợp giữa nhận thức của các đáp viên về các giá trị dân chủ chủ đạo trong giáo dục với bảng xếp hạng 36 giá trị phổ quát của nhân loại do Rokeach (1973) đề xuất.

Ngoài ra, nghiên cứu rút ra kết luận rằng có sự khác biệt giữa hiệu trưởng (người quản lý), giáo viên và học sinh trong việc xác định các giá trị dân chủ trong giáo dục. Có một số giá trị mới chưa được đề cập đến trong các nghiên cứu trước đó về dân chủ trong giáo dục. Ngoài ra, nhóm cũng các định rằng nền tảng văn hoá truyền thống dựa trên nền Nho học trong lịch sử cũng có để lại những ảnh hưởng trong cách thức các đáp viên hiểu và áp dụng các giá trị dân chủ trong môi trường trường học. 

Vân An lược dịch

Nguồn:

Le, T. T., Tigelaar, D., & Admiraal, W. (2021). A typology of educational democratic values: perspectives from teachers and students in Vietnamese secondary schools. Asia Pacific Journal of Education, 1-16. https://doi.org/10.1080/02188791.2021.2016371

Bạn đang đọc bài viết Quan điểm của giáo viên và học sinh trung học Việt Nam về các giá trị dân chủ điển hình trong giáo dục tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn