Xây dựng khung năng lực giảng dạy trực tuyến cho giảng viên đại học ở Việt Nam

Để giảng dạy trực tuyến hiệu quả, giảng viên cần được đào tạo về Năng lực giảng dạy trực tuyến (OTC), đây là một loại năng lực sư phạm mới xuất hiện do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, câu hỏi “Thành phần năng lực cụ thể của khung năng lực dạy học trực tuyến là gì?” vẫn chưa có câu trả lời trong bối cảnh giáo dục đại học ở Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông cùng tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và kích thích hình thức giảng dạy trực tuyến tại các trường đại học Việt Nam. Để linh hoạt thích ứng với những thay đổi trên, giảng viên đại học cần được đào tạo tại chức về năng lực giảng dạy trực tuyến. Mục đích của nghiên cứu này là phát triển Khung năng lực giảng dạy trực tuyến cho giảng viên đại học ở Việt Nam, làm cơ sở khoa học để xây dựng chương trình đào tạo năng lực giảng dạy trực tuyến cho cả giảng viên và giáo viên. 

Khung năng lực giảng dạy trực tuyến dành cho giảng viên đại học (The Online Teaching Competence Framework for University Lecturers - OTCFUL) được xây dựng thông qua tổng quan tài liệu có hệ thống về năng lực giảng dạy trực tuyến của giảng viên dựa trên dữ liệu từ 311 giảng viên tại hai trường đại học Việt Nam. OTCFUL được xây dựng với 25 hạng mục thuộc 5 năng lực thành phần là “Công nghệ”, “Tìm hiểu việc học tập của sinh viên”, “Phát triển nội dung số và hỗ trợ học tập”, “Đánh giá kết quả học tập trực tuyến” và “Quản trị phiên học trực tuyến”. 

Quá trình nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế nhất định như sau: Thứ nhất, OTCFUL ở Việt Nam chưa được xây dựng dựa trên việc phân tích tài liệu về năng lực giảng dạy trực tuyến của giảng viên với các chuyên ngành cụ thể. Thứ hai, giá trị và độ tin cậy của khung năng lực này chỉ được xác nhận bằng cách sử dụng dữ liệu từ hai trường đại học công lập có thể chưa đủ để đại diện cho tất cả các loại hình trường đại học ở Việt Nam. Cuối cùng, độ tin cậy tổng hợp từ dữ liệu ở Việt Nam chưa được giảng viên từ tất cả các trường đại học ở Việt Nam đánh giá.

Do đó, các khuyến nghị cho nghiên cứu tiếp theo được đề xuất như sau: Thứ nhất, nghiên cứu tiếp theo nên xây dựng khung năng lực giảng dạy trực tuyến cho giảng viên đại học giảng dạy các chuyên ngành cụ thể như kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, kinh tế…. Thứ hai, kiểm tra giá trị và độ tin cậy của khung năng lực này với phạm vi đối tượng rộng hơn, bao gồm các giảng viên đến từ nhiều loại hình trường đại học ở cả ba miền Việt Nam.

OTCFUL tại Việt Nam sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng chương trình đào tạo năng lực giảng dạy trực tuyến cho giảng viên đại học và đào tạo giáo viên, hướng dẫn thực hành giảng dạy trực tuyến và khung tham chiếu để đánh giá chất lượng giảng dạy trực tuyến. Mặt khác, đây một công cụ đáng tin cậy và hợp lệ để điều tra năng lực giảng dạy trực tuyến của giảng viên đại học và giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Oanh D. T. K., Hien D. T. D., Thao H. T. P., Tho M. A., Trang D. T. M., & Hoang Anh, Development of an online teaching competence framework for University lecturers in Vietnam (2023) https://doi.org/10.1080/2331186X.2023.2264034

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng khung năng lực giảng dạy trực tuyến cho giảng viên đại học ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19