Khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho học sinh trung học

Khi khả năng đọc hiện tại của học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu của lớp học và cần được hỗ trợ để cải thiện, bài viết của Sunaina Sharma đề xuất các biện pháp khác nhau để khuyến khích học sinh trung học tương tác với các văn bản và cải thiện kỹ năng đọc hiểu của mình.

Ngày nay, trình độ đọc của học sinh thấp hơn so với mức mong đợi của các em. Nói cách khác, học sinh đang gặp khó khăn trong việc đọc hiểu các tài liệu được thiết kế cho lứa tuổi của mình. Giữa bối cảnh điểm đọc giảm sút được ghi nhận ở Canada và Hoa Kỳ, đồng thời việc tỉnh bang Ontario (Canada) chính thức công nhận đọc sách là “một quyền của con người” thì việc giáo viên trung học tạo ra môi trường nơi tất cả học sinh có thể tích cực tham gia đọc sách, bất kể trình độ hiện tại của các em là một điều bắt buộc. Việc này đòi hỏi cần tạo ra các cơ hội toàn diện dành cho học sinh có trình độ đọc thấp hơn so với trình độ lớp học, đảm bảo tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và sự hỗ trợ về kỹ năng đọc. Do đó, bài viết của Sunaina Sharma đề xuất một số biện pháp khuyến khích học sinh tham gia đọc hiểu và cải thiện kỹ năng đọc viết của bản thân.

Cung cấp đa dạng tài liệu đọc có hình ảnh

Biện pháp này mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, nó giúp học sinh ngại đọc trở nên cởi mở hơn với việc đọc sách và coi trải nghiệm đọc sách là thú vị và đáng nhớ. Thứ hai, nó tăng cường sự hiểu biết của học sinh về các yếu tố chính trong văn bản và phát triển khả năng tư duy cao cấp của các em. Thứ ba, nó tạo sự tự tin cho học sinh tham gia vào các cuộc trò chuyện về văn học và khuyến khích các em hợp tác với bạn bè để xây dựng ý nghĩa. Ví dụ, một cuộc trò chuyện trong lớp học về một cuốn sách có hình ảnh đã cho thấy học sinh có thể suy nghĩ, đặt câu hỏi và suy luận dựa trên các gợi ý trực quan mà hình ảnh cung cấp. Cuộc trò chuyện này cũng cho thấy học sinh có thể hỗ trợ bạn bè, từ đó tăng cường sự tự tin của chính mình. 

Sử dụng tài liệu đa phương tiện

Biện pháp này sẽ kích thích nhiều giác quan, giúp người đọc tiếp thu thông tin qua kênh thính giác, từ đó nâng cao khả năng hiểu và ghi nhớ. Bên cạnh đó, tài liệu đa phương tiện cung cấp nhiều lựa chọn thay thế khác, dễ tiếp cận, loại bỏ rào cản trong việc hiểu, cho phép tất cả học sinh tiếp cận nội dung. Để sử dụng tài liệu đa phương tiện hiệu quả, giáo viên cần cho học sinh đọc theo cùng với sách in hoặc bản chép lại khi nghe văn bản. Việc đọc theo giúp củng cố văn bản một cách trực quan, tăng cường vốn từ, khả năng nhận biết từ và đọc trôi chảy, đồng thời hỗ trợ giải mã các từ không quen thuộc.

Nhìn chung, sử dụng tài liệu đa phương tiện là một biện pháp hiệu quả để đáp ứng các nhu cầu học tập khác nhau và củng cố sự hiểu biết cho học sinh, góp phần nâng cao kỹ năng đọc viết cho các em.

Xây dựng dàn ý cho quá trình đọc

Để nâng cao hiệu quả đọc sách cho học sinh, giáo viên cần chú trọng việc xây dựng dàn ý hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết các kỹ năng đọc tích cực. Việc chia văn bản thành các phần nhỏ, tổ chức thảo luận liên tục và sử dụng sơ đồ minh họa quá trình đọc sẽ giúp học sinh chủ động tương tác với văn bản, hiểu sâu sắc nội dung và phát triển tư duy phản biện. Học cách đọc tích cực giúp học sinh tự tin giải quyết các văn bản khó, thúc đẩy tính tự chủ và cảm giác thành công trong học tập.

Kết nối việc đọc với trải nghiệm cá nhân

Để khuyến khích học sinh đọc sách hiệu quả, giáo viên cần kết nối tài liệu đọc với trải nghiệm thực tế của các em. Việc sử dụng ví dụ thực tế và trải nghiệm cá nhân sẽ giúp học sinh thấy được sự liên quan giữa bài học và cuộc sống, từ đó khơi dậy hứng thú và sự tham gia của các em vào việc đọc sách.

Hơn nữa, việc kết nối tài liệu đọc với trải nghiệm thực tế của học sinh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để các em học tập. Khi học sinh thấy được ứng dụng của kiến thức trong bài học vào cuộc sống, các em sẽ tự tin và ham học hỏi hơn. Kết quả của việc áp dụng biện pháp này là học sinh sẽ nâng cao kỹ năng đọc, tăng cường sự tham gia vào lớp học và cảm thấy được thuộc về môi trường học tập.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Sharma, S. (2024). Encouraging secondary students to read. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/supporting-students-who-read-below-grade-level 

Bạn đang đọc bài viết Khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho học sinh trung học tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19