Đánh giá các chương trình đào tạo giáo viên theo định hướng bảo đảm tính bền vững về đầu ra, nội dung học tập và cách tiếp cận sư phạm

Nghiên cứu của nhóm tác giả Anh Ngoc Nguyen và cộng sự tìm hiểu thực trạng việc tích hợp các yếu tố của Giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) trong các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, dựa trên các khía cạnh nội dung giảng dạy, đầu ra học tập và cách tiếp cận sư phạm, thông qua việc phân tích 429 chương trình đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Việt Nam).

Để đạt được sự phát triển bền vững hiệu quả đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong cách mỗi chúng ta suy nghĩ và hành động. Giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) nhằm mục đích thúc đẩy kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ cần thiết để mỗi người vượt qua những thách thức bền vững và tạo ra những thay đổi lớn lao. Tương ứng với mục tiêu trên, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần định hướng lại về chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo và thiết kế lại các chương trình này theo hướng tích hợp và thực hiện các nguyên tắc của Giáo dục vì sự phát triển bền vững, nhằm phát triển năng lực cho giáo viên phổ thông để có thể thực hiện được các yêu cầu của Giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Một số nghiên cứu gần đây đã bắt đầu quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững trong giáo dục. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều thông tin về mức độ tích hợp các yếu tố của Giáo dục vì sự phát triển bền vững (theo cách tiếp cận toàn diện) trong các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, và đây cũng là nhận định của UNESCO trong thập niên vừa qua. Do đó, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả coi việc tích hợp Giáo dục vì sự phát triển bền vững như một cách tích hợp toàn diện dựa trên ba khía cạnh: (1) nội dung học tập, (2) năng lực bền vững của sinh viên theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, và (3) cách tiếp cận sư phạm toàn diện nhằm thúc đẩy việc học tập lấy người học làm trung tâm, theo định hướng hành động và chuyển đổi.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích kết hợp định lượng và định tính. Phân tích định tính bao gồm cả phương pháp tiếp cận diễn dịch và quy nạp với sự hỗ trợ của phần mềm MAXQDA. Kết quả phân tích định tính sẽ được chuyển đổi sang Excel cho mục đích thống kê.

Trong trường hợp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một số yếu tố của Giáo dục vì sự phát triển bền vững đã xuất hiện trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, sự vắng mặt của năng lực tư duy hệ thống trong định hướng đầu ra học tập, một số lượng tương đối lớn các đề cương môn học không tích hợp bất kỳ nội dung nào về phát triển bền vững (76%) trong nội dung giảng dạy hoặc năng lực bền vững (28,9%) trong năng lực đầu ra, và những hạn chế của các phương pháp sư phạm trong việc khuyến khích học tập theo định hướng hành động và chuyển đổi phản ánh sự thiếu vắng một cách tiếp cận có hệ thống trong việc xây dựng chương trình theo các nguyên tắc của Giáo dục vì sự phát triển bền vững. Do đó, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của các thay đổi cả về mặt quan điểm xây dựng chương trình và cả góc độ cá nhân (giảng viên) để tích hợp và thực hiện Giáo dục vì sự phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp yêu tố phát triển bền vững và Giáo dục vì sự phát triển bền vững xuất hiện rõ ràng trong các chương trình đào tạo giáo viên của trường và đẩy mạnh sự đóng góp của lĩnh vực đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển bền vững.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Nguyen, A. N., Nguyen, T. P., Kieu, K. T., Nguyen, Y. T. H., Dang, D. T., Singer, J., Schruefer, G., Tran, T. B., & Lambrechts, W. (2022). Assessing teacher training programs for the prevalence of sustainability in learning outcomes, learning content and didactic approaches. Journal of Cleaner Production, 365, 132786. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2022.132786