Trí tuệ nhân tạo tạo sinh và Xuất bản khoa học: Chính sách của Korean Journal of Radiology và các cơ quan uy tín

Bài báo của Seong Ho Park thảo luận về tiềm năng và thách thức của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative Artificial Intelligence/ Generative AI) trong khoa học, kêu gọi các nhà xuất bản và cộng đồng khoa học hợp tác để xây dựng các hướng dẫn và chính sách phù hợp để đảm bảo tính toàn vẹn và đạo đức trong nghiên cứu khoa học.

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) là thuật toán tạo nội dung mới như văn bản, mã code, hình ảnh, video và âm thanh dựa trên dữ liệu hiện có. Với sự ra đời của mạng đối nghịch tạo sinh (Generative Adversarial Networks; viết tắt là GAN) trong hình ảnh y khoa, AI tạo sinh đã thu hút sự chú ý đáng kể trong cộng đồng khoa học, dẫn đến nhiều ấn phẩm trong vài năm gần đây. Korean Journal of Radiology (KJR) đã xuất bản một số bài nghiên cứu về chủ đề này. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn tổng hợp (LLM) như ChatGPT, có khả năng tạo văn bản gần giống với văn bản của con người và dễ dàng tiếp cận công chúng, đã khiến bức tranh về AI tạo sinh trong nghiên cứu và xuất bản khoa học thay đổi đáng kể. Việc sử dụng LLM đang nhanh chóng mở rộng trong các ấn phẩm khoa học, gây ra những lo ngại về đạo đức và pháp lý, cũng như thách thức liên quan đến tính toàn vẹn nghiên cứu, đạo văn, vi phạm bản quyền và quyền tác giả, không chỉ đối với tác giả mà còn cho các nhà bình duyệt và biên tập. Hơn nữa, những lo ngại và thách thức này còn vượt xa văn bản do AI tạo ra và LLM, bao gồm cả nội dung do AI tạo ra khác được sử dụng trong các ấn phẩm khoa học. 

Mặc dù gặp phải những lo ngại và thách thức, AI tạo sinh có thể cải thiện đáng kể việc báo cáo công trình khoa học, nếu được sử dụng đúng cách. Do đó, việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn công nghệ này sẽ là không khả thi. Thay vào đó, điều quan trọng là thiết lập các hướng dẫn để thúc đẩy việc sử dụng AI tạo sinh có trách nhiệm và hiệu quả trong các ấn phẩm khoa học. KJR đã áp dụng chính sách nghiêm cấm rõ ràng việc giao quyền tác giả cho các LLM. Trong bài viết này, Seong Ho Park trình bày một chính sách toàn diện hơn của Korean Journal of Radiology (KJR) về việc sử dụng AI tạo sinh trong các ấn phẩm khoa học. Chính sách của tạp chí này cũng phù hợp với các chính sách của một số cơ quan uy tín trong xuất bản khoa học (bảng 1):

Bảng so sánh chính sách về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative Artificial Intelligence) của các tổ chức uy tín trong xuất bản khoa học và KJR

Đồng thời, tác giả cũng trình bày các hướng dẫn để sử dụng AI tạo sinh một cách hợp lý trong các bản thảo gửi tới KJR. Cụ thể:

(1) Việc giao quyền tác giả cho AI bị cấm. Điều này đã được nêu trong chính sách biên tập trước đây của KJR. 

(2) Các tác giả sử dụng các công cụ AI tạo sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả nội dung được sản xuất và gửi đi. Họ phải chịu trách nhiệm về mọi vi phạm đạo đức hoặc pháp lý như đạo văn hoặc vi phạm bản quyền.

(3) KJR không khuyến khích việc sử dụng công cụ AI tạo nội dung cho mục đích chính là tạo bất kỳ loại nội dung nào cho các bản thảo khoa học. Tuy nhiên, nếu sử dụng các công cụ như vậy, tác giả phải báo cáo việc sử dụng của họ một cách minh bạch. Báo cáo cần bao gồm các chi tiết cụ thể, chẳng hạn như tên và phiên bản của công cụ AI, ngày truy cập, tên nhà sản xuất/tác giả và giải thích chi tiết về việc sử dụng trong tiến hành nghiên cứu và viết bản thảo. Tác giả có thể cung cấp thông tin này trong phần liên quan của bản thảo (ví dụ: chú thích cho hình ảnh do AI tạo ra) hoặc tổng hợp trong mục Lời cảm ơn.

(4) Việc sử dụng LLM hoặc các công cụ AI khác để nâng cao chất lượng ngôn ngữ của bài nộp được coi là có thể chấp nhận được. Điều này bao gồm cải thiện độ chính xác về ngữ pháp, sửa lỗi đánh máy, nâng cao định dạng, đảm bảo độ rõ ràng,...

(5) Khi bản thân AI tạo sinh là trọng tâm của một nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu sử dụng GAN trong phân tích hình ảnh y khoa hoặc điều tra việc sử dụng LLM cho các yêu cầu y khoa, việc sử dụng AI phải được trình bày chi tiết rõ ràng trong phần Dữ liệu và Phương pháp.

(6) Người bình duyệt bị cấm sử dụng LLM cho mục đích chính là tạo ra nhận xét, đánh giá. Quá trình nhận xét được đánh giá cao dựa trên quan điểm của chuyên gia là con người và không được phép thay thế quan điểm này bằng thông tin đầu vào do AI tạo ra. Tuy nhiên, bình duyệt có thể sử dụng LLM hoặc các công cụ AI khác để nâng cao chất lượng ngôn từ của nhận xét, đánh giá (cải thiện độ chính xác về ngữ pháp, sửa lỗi đánh máy, nâng cao định dạng, đảm bảo độ rõ ràng, tránh giọng điệu hạ thấp hoặc trịch thượng,...).

KJR thừa nhận rằng các tác giả và người bình duyệt có thể thấy các công cụ AI tạo sinh, đặc biệt là LLM, hữu ích cho quá trình viết và đánh giá khoa học. Tuy nhiên, các công cụ AI nên được sử dụng cẩn thận và có trách nhiệm. Những hướng dẫn này sẽ thúc đẩy việc sử dụng AI sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin khoa học có giá trị thông qua các ấn phẩm đồng thời tránh các hành vi sai trái về mặt khoa học và vi phạm đạo đức xuất bản.

Huyền Đức dịch

Nguồn: 

Park, S. H. (2023). Use of generative artificial intelligence, including large language models such as ChatGPT, in scientific publications: policies of KJR and prominent authorities. Korean Journal of Radiology, 24(8), 715-718. https://doi.org/10.3348/kjr.2023.0643

Bạn đang đọc bài viết Trí tuệ nhân tạo tạo sinh và Xuất bản khoa học: Chính sách của Korean Journal of Radiology và các cơ quan uy tín tại chuyên mục Xuất bản khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19