Rào cản đối với năng suất nghiên cứu của giới học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học Tanzania: Nhu cầu can thiệp chính sách

Trong những năm gần đây, năng suất nghiên cứu đã trở thành một trong những thước đo quan trọng nhất về chất lượng của các trường đại học. Tuy nhiên, bất chấp sự chú trọng này, ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, số lượng công trình khoa học cũng như danh tiếng của các cơ sở đại học vẫn còn tương đối hạn chế. Nghiên cứu của Kadikilo và cộng sự (2024) nhằm mục đích khám phá các rào cản đối với năng suất nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học công lập ở Tanzania.

Ngày nay, năng suất nghiên cứu được xem là cơ sở để đánh giá hiệu suất, thành tích và đóng góp của mỗi nhà nghiên cứu cho sự phát triển của trường đại học của họ (Appah et al. 2020; Abe & Mugobo, 2021). Do đó, ngoài vai trò giảng dạy và một số vai trò phụ trách khác, giảng viên còn phải vượt trội trong việc tạo ra kiến ​​thức dựa trên nghiên cứu (Yassinova, 2019), được đo bằng số lượng và chất lượng các công trình khoa học (ví dụ: các bài báo và sách được bình duyệt trên tạp chí được xuất bản bởi các tổ chức có uy tín). Tuy nhiên, thực tế, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng, đội ngũ giảng viên ở các quốc gia đang phát triển đóng góp không đáng kể vào việc tạo ra kiến ​​thức khoa học so với các nước phát triển (Fussy, 2017; Heng et al., 2020). Theo UIS-UNESCO (2020), châu Phi chiếm 17,51% dân số thế giới, chỉ đứng sau Châu Á. Tuy nhiên, các quốc gia ở đây chỉ chiếm 3,5% sản lượng nghiên cứu và 0,3% số nhà nghiên cứu trên toàn cầu, mức thấp nhất trong bảy lục địa. Lục địa này thậm chí còn kém Châu Đại Dương, một khu vực dân cư thưa thớt với chỉ 0,59% dân số thế giới, có 0,3% số nhà nghiên cứu và tạo ra 3,74% sản lượng nghiên cứu toàn cầu.

Để tìm ra những khó khăn dẫn đến thực trạng trên, Kadikilo và cộng sự đã sử dụng các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với 30 lãnh đạo trường đại học, quan chức cơ quan quản lý và học giả từ bốn tổ chức giáo dục công lớn nhất của Tanzania - một quốc gia đang phát triển ở Đông Phi; đồng thời xem xét các tài liệu chính thức về giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố thể chế và cá nhân là nguyên nhân cản trở năng suất nghiên cứu học thuật của các giảng viên tại quốc gia này. Các rào cản thể chế bao gồm: nguồn tài trợ nghiên cứu không đủ; khối lượng công việc nặng nề; sự hợp tác yếu kém; chính sách nghiên cứu rời rạc; thiếu các nhà nghiên cứu có bằng cấp tốt; cơ sở dữ liệu hạn chế,  kém chất lượng; sự hướng dẫn yếu kém cũng như không có các chính sách rõ ràng để khuyến khích và khen thưởng đối với các nhà khoa học. Rào cản cá nhân bao gồm chuyên môn và sự quan tâm nghiên cứu hạn chế.

Cuối cùng, bài viết đề xuất các biện pháp thiết thực để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ, bao gồm các chương trình hợp tác; đào tạo nâng cao năng lực; chương trình khuyến khích và thiết kế lại chính sách khen thưởng. Ngoài ra, để tăng khả năng cạnh tranh, chi tiêu nghiên cứu của Chính phủ Tanzania cần đáp ứng tối thiểu 1% GDP. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các chính sách nghiên cứu của tổ chức và cấp Bộ nhằm cải thiện sự phối hợp, hợp lý hóa nguồn tài trợ và củng cố hệ sinh thái nghiên cứu; các hành động của Chính phủ nhằm tăng cường Kho lưu trữ cơ sở tích hợp Quốc gia và các kho cơ sở dữ liệu để tăng cường khả năng truy cập của các nhà nghiên cứu tới các bài báo và cơ sở dữ liệu khoa học.

Nguồn

Kadikilo, A. C., Nayak, P., & Sahay, A. (2024). Barriers to research productivity of academics in Tanzania higher education institutions: the need for policy interventions. Cogent Education, 11(1). https://doi.org/10.1080/2331186x.2024.2351285

Vân An lược dịch

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19