Thúc đẩy sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục

Giáo dục con người là nhiệm vụ lâu dài và vất vả, đòi hỏi sự phát triển nhất quán và kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là quan trọng hơn cả. Do đó, nhà trường hay giáo viên nói riêng có thể tạo điều kiện nhằm kết nối chặt chẽ với gia đình để cung cấp cho học sinh sự hỗ trợ sâu sắc, trong lẫn ngoài lớp học. Đây cũng chính là vấn đề được đề cập trong bài báo “Fostering the Home-to-School Partnership” của Rachelle Dené Pot.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa nhà trường và gia đình học sinh là điều quan trọng xuyên suốt năm học. Học sinh cần được hỗ trợ nhất quán cả trong lẫn ngoài lớp học, và cách tốt nhất để đạt được điều này là thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh. Việc hình thành những kết nối như vậy sẽ giúp giáo viên hiểu hơn về học sinh cũng như hoàn cảnh gia đình của từng em.

Sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường là cần thiết

Nghiên cứu của Rachelle Dené Poth mong muốn thu hút được những gia đình tham gia vào trải nghiệm học tập hằng ngày cùng con cái họ. Việc thiết lập sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường sẽ giúp chúng ta xây dựng được một môi trường học tập ở nhà và ở trường,

Giao tiếp cởi mở thông qua quan hệ hợp tác với gia đình sẽ giúp nhà giáo dục lẫn cha mẹ hiểu học sinh, con cái của họ hơn. Khi cha mẹ tham gia tích cực vào việc giáo dục, họ sẽ thêm hiểu về sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và những vấn đề con cái họ cần hỗ trợ. Sau đó, gia đình có thể chia sẻ thông tin với giáo viên. Khi các gia đình cảm thấy được coi trọng, họ cảm thấy gắn kết hơn với hành trình học tập của con mình và giúp nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập.

Bằng cách làm việc cùng nhau, các nhà giáo dục và gia đình sẽ hiểu toàn diện về sự tiến bộ của học sinh, cho phép họ phát triển các chiến lược và phương pháp học tập được cá nhân hóa nhằm giúp học sinh tiến bộ. Sự kết hợp này cũng sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn về quá trình học tập đang diễn ra. Trong môi trường lớp học, Rachelle Dené Pot chỉ ra rằng việc liên hệ với các gia đình và tham gia vào các cuộc đối thoại đã giúp giáo viên hiểu rõ hơn về nhu cầu học tập cụ thể của từng học sinh. Việc trao đổi ý kiến với gia đình học sinh đem lại những kết quả khả quan trong việc hỗ trợ học sinh hoàn thành mục tiêu học tập.

Những công cụ hỗ trợ

Để xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường một cách tốt đẹp, tác giả bài báo đưa ra lời khuyên về việc nên tìm hiểu sở thích và nhu cầu cụ thể của từng gia đình. Việc muốn tạo dựng một mối quan hệ đối tác hỗ trợ, nơi việc giao tiếp được diễn ra liên tục và cởi mở giữa gia đình và nhà trường có thể sẽ gặp những thách thức cản trở sự tham gia của gia đình. Ví dụ: sự bận rộn của phụ huynh hạn chế sự tham gia của họ trong việc hỗ trợ học sinh học tập.

Để vượt qua những trở ngại này, các cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc tìm hiểu mối quan tâm. sở thích và nhu cầu cụ thể của từng gia đình. Dưới đây là một số gợi ý của Rachelle Dené Pot nhằm cung cấp thông tin liên lạc với phụ huynh:

- Trang web hoặc blog của lớp học: Một trang web hay blog sẽ là một “địa điểm tập trung” để nhận thông tin cập nhật về lớp, việc đặt câu hỏi hoặc nhận thông báo về các sự kiện của lớp trở nên dễ dàng hơn. Điều đó sẽ thu hút phụ huynh, thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa nhà trường và gia đình. Có nhiều lựa chọn để tạo trang web lớp học, có thể thông qua Google hay Wix, hoặc tận dụng công cụ như Wakelet để chia sẻ tài nguyên, video,... Giáo viên có thể quay các  video nhằm thông báo hàng tuần cho gia đình về quá trình học tập và trải nghiệm của học sinh. Sử dụng video cũng là một cách tuyệt vời để học sinh chia sẻ việc học của mình và giúp thúc đẩy mối liên hệ hỗ trợ giữa gia đình và trường học. Phần mềm Flip là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ video và tham gia vào các cuộc thảo luận.

- Tin nhắn: Lãnh đạo nhà trường và giáo viên có thể gửi thông báo qua ứng dụng nhắn tin. Điều này giúp giảm bớt “những rào cản” tiềm ẩn trong giao tiếp. Sử dụng các công cụ giao tiếp có sẵn, nhà trường và gia đình có thể giao tiếp nhanh chóng, riêng tư và thường xuyên khi cần thiết trong suốt cả năm để có thể hỗ trợ đầy đủ cho học sinh và việc học tập trong lớp học cũng như ở nhà. Một số ứng dụng nổi bật bao gồm Bloomz, ClassDojo, ParentSquare và Remind. Những điều này tạo điều kiện giao tiếp nhanh hơn vì chúng diễn ra trong thời gian thực tế và những thông tin quan trọng không bị bỏ lỡ.

Mối quan hệ hợp tác hỗ trợ giữa nhà và trường sẽ nâng cao thành tích của học sinh. Tại Việt Nam, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường được thiết lập và duy trì qua hình thức gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, xem sổ liên lạc điện tử hay các kỳ họp phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Gia đình nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con ở trường, lớp đồng thời cung cấp thông tin (diễn biến tâm tư, tình cảm) của con cho giáo viên chủ nhiệm; Nắm bắt thông tin và luôn giữ liên lạc với ban Phụ huynh, cán sự lớp và bạn bè thân thiết của con,... Bài báo của tác giả Rachelle Dené Pot đã đưa ra một số gợi ý quan trọng nhằm nâng cao sự gắn kết trong mối quan hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường, tạo điều kiện nhằm cung cấp cho học sinh sự hỗ trợ sâu sắc, trong lẫn ngoài lớp học.

Huyền Đức lược dịch

 

Nguồn: Rachelle Dené Poth (2023 August 7). Fostering the Home-to-School Partnership. Edutopia. https://www.edutopia.org/article/teacher-parent-communication-can-help-support-students

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19