Ba cách giúp học sinh vượt qua “nỗi lo âu về toán học”

Những con số và các vấn đề liên quan tới toán học nói chung là nỗi ám ảnh phổ biến với nhân loại. Tại Úc, khi kỳ thi NAPLAN diễn ra, nỗi lo âu về toán học (math anxiety) ở một nhóm lớn học sinh trở nên nghiêm trọng.

Từ ngày 15/03, hơn một triệu học sinh ở Úc sẽ làm bài kiểm tra toán thuộc kỳ thi NAPLAN (The National Assessment Program Literacy and Numeracy – tức Chương trình thẩm định toàn quốc về khả năng Đọc viết và Toán số dành cho học sinh khối 3,5,7 và 9, do Hội đồng giáo dục Úc quản lý). Với hầu hết học sinh, đây sẽ chỉ là một bài kiểm tra thông thường; nhưng đối với một số khác, viễn cảnh phải làm một bài kiểm tra toán là hết sức đáng sợ. Những học sinh này có thể đang bị “lo âu về toán học” (math anxiety).

Do đó, hai học giả toán học Benjamin Zunica và Bronwyn Reid O'Connor (đại học Sydney, Úc) đã đề xuất một số cách giúp học sinh vượt qua sự lo âu về toán học.

Lo âu về toán học là gì?

Lo âu về toán học (math anxiety) là một phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với các vấn đề liên quan đến toán học. Đó là cảm giác căng thẳng và lo lắng cản trở khả năng giải quyết các vấn đề toán học của học sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng “sự lo âu về toán học” khác biệt với sự lo lắng nói chung (general anxiety).

Nỗi lo âu về toán học phát triển do trải nghiệm kém với toán học, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực về tiềm năng toán học của bản thân. Những suy nghĩ này thể hiện ở việc trốn tránh toán học, sợ hãi những con số và cảm giác bất lực khi đối mặt với các bài kiểm tra toán.

Lo âu về toán học là một vấn đề phổ biến đối với nhiều người trẻ tuổi, người lớn và có thể thấy ở trẻ em từ năm tuổi.

Theo giáo sư toán học Jo Boaler (đại học Stanford), tính đến năm 2012, có tới 50% người trưởng thành lo âu về toán học. Bộ Giáo dục và Đào tạo bang Victoria đưa ra số liệu thấp hơn, từ 6 đến 17%. Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình trong các nghiên cứu khoa học có xu hướng xấp xỉ 20%.

Với số liệu trên, điều đó chứng minh rằng có hàng ngàn học sinh sợ hãi bài kiểm tra toán NAPLAN sắp tới.

Vậy giáo viên cần làm gì để giúp học sinh đạt được kết quả tốt nhất trong bài kiểm tra đại số NAPLAN và các bài kiểm tra toán khác? Dưới đây là ba cách thiết thực giáo viên có thể áp dụng:

Tập trung vào những điểm tích cực để xây dựng sự tự tin

Hầu hết học sinh đều muốn giỏi toán. Ở giai đoạn bé, học sinh có thể sẽ hiểu đây là điều mà giáo viên và cha mẹ các em nghĩ là quan trọng. Nếu lớn hơn, học sinh sẽ biết điều đó là quan trọng đối với công việc và sự nghiệp trong tương lai.

Một trong những nguồn gốc chính của sự lo âu về toán học là mặc dù muốn giỏi toán, nhưng học sinh liên tục nhận được phản hồi tiêu cực về khả năng của mình. Điều này có thể thông qua việc so sánh bản thân với người khác hoặc nhận được kết quả kém.

Để giảm lo lắng, điều quan trọng là tập trung vào mặt tích cực, học sinh cần thấy những thời điểm học sinh đã tiến bộ trong môn toán. Ghi nhận tiến bộ là rất quan trọng trong việc mở đường cho thành công hơn nữa trong toán học.

Một cách thiết thực để chứng minh sự tiến bộ là cho học sinh làm lại một bảng tính cũ. Học sinh từ lớp 5 trở lên có thể làm bài kiểm tra NAPLAN trước đây ở mức độ dễ hơn. Điều này chứng minh cho học sinh thấy bản thân đã tiến bộ như thế nào.

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, giáo viên hãy tập trung vào các điểm mạnh – chẳng hạn như “em đã thực hiện đúng tất cả các phép chia khó!” – để giúp xây dựng sự tự tin. Ghi nhận sự tiến bộ có thể được sử dụng làm cơ sở để sau đó giải quyết các nhiệm vụ phức tạp hơn trong toán học.

Tránh “quá tải NAPLAN”

Lo lắng về NAPLAN và bất kỳ đánh giá nào khác có thể trở nên trầm trọng hơn khi nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của nó.

Hiện tại, hầu hết các trường đang nỗ lực chuẩn bị cho học sinh tham gia NAPLAN và các cuộc thảo luận về bài kiểm tra thường xuyên diễn ra. Vì điều này, học sinh lo âu về toán học có thể dễ dàng bị “quá tải NAPLAN” (NAPLAN overload). Vì vậy, sẽ rất hữu ích nếu giáo viên hạn chế thảo luận về các bài kiểm tra sắp tới trong khoảng thời gian mà học sinh đang ôn tập để chuẩn bị cho bài kiểm tra đó. Đồng thời, các giáo viên nên động viên, trấn an tinh thần học sinh.

Khuyến khích phụ huynh cùng học tập với học sinh

Trong đại dịch COVID-19, nhiều gia đình cảm thấy căng thẳng khi phải trở thành những thầy giáo, cô giáo “bất đắc dĩ” để kèm con học. Vì vậy, phụ huynh có xu hướng muốn để con một mình học bài hoặc làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, hành động này vô tình làm tăng thêm nỗi lo âu về toán học ở mỗi học sinh.

Do đó, nhà trường và giáo viên cần khuyến khích phụ huynh cùng học với trẻ nhỏ hơn (bậc tiểu học) và thể hiện sự quan tâm đến học tập của trẻ lớn hơn (bậc trung học). Cách tiếp cận này cho học sinh thấy rằng không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng đang gắn bó với việc học, tích cực về khả năng học tập nói riêng của học sinh.

Và, giáo viên trao đổi tích cực với học sinh về toán học và cách con người sử dụng toán hằng ngày. Giáo viên khuyến khích học sinh có thể áp dụng toán học vào thực tế để giúp đỡ gia đình như: tính toán chi tiêu khi mua sắm; sử dụng chiều dài, chiều rộng và diện tích để xác định cách sắp xếp đồ đạc trong phòng,...

NAPLAN diễn ra từ ngày 15/03 đến ngày 27/03, giáo viên không nên căng thẳng về kỳ thi. Chỉ khi việc tập trung ghi nhận, tôn vinh những tiến bộ và trải nghiệm tích cực mới có thể khuyến khích học sinh cố gắng hết sức!

Huyền Đức lược dịch

Nguồn:

Benjamin Zunica, Bronwyn Reid O'Connor (2023). Maths anxiety” is a real thing. Here are 3 ways to help your child cope. The Conversation.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Ba cách giúp học sinh vượt qua “nỗi lo âu về toán học” tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn