Những nội dung thường gặp trong một bản đề cương nghiên cứu (Phần 1)

Đề cương nghiên cứu là một trong những văn bản không thể thiếu khi một (hoặc một nhóm) nhà khoa học trình bày ý tưởng nghiên cứu với cơ quan chủ quản hoặc tiến hành xin tài trợ từ các hiệp hội, quỹ, v.v… Bài viết của nhóm tác giả Annersten và Wredling (2006) hướng dẫn cách viết các nội dung thường gặp của một bản đề cương nghiên cứu tiêu chuẩn.

Một bản đề cương nghiên cứu thu hút đóng vai trò rất quan trọng để các nhà nghiên cứu tập hợp đủ nguồn lực (thường là tài chính) phục vụ việc thực hiện một dự án hoặc nghiên cứu thành công. Các cơ quan tài trợ sẽ dựa vào bản đề cương này làm cơ sở để đưa ra quyết định tài trợ của họ. Một số đơn vị thậm chí còn yêu cầu nhà nghiên cứu viết đề cương thành hai bước: bước đầu tiên là một bản kế hoạch tóm tắt, và sau khi được thông qua, nhà nghiên cứu tiếp tục gửi một bản đề xuất chi tiết hơn.

Các bản đề cương nghiên cứu thường có một số mục chung cần phải đảm bảo, và trong bài viết này, nhóm tác giả trình bày một số mục quan trọng cần có trong một bản đề cương nghiên cứu tiêu chuẩn.

Tổng quan tóm tắt

Đề cương nghiên cứu thường bắt đầu bằng một đoạn tổng quan về dự án nghiên cứu sẽ thực hiện. Độ dài phần tổng quan này thường không quá một trang đầy đủ, trong đó nêu rõ mục tiêu nghiên cứu, mẫu và quy mô, phương pháp được sử dụng, thời gian tiến hành nghiên cứu và phương pháp đánh giá.

Bối cảnh vấn đề nghiên cứu

Trong phần này, nhà nghiên cứu cần truyền đạt cho người đọc biết về những hiểu biết đã có và các nghiên cứu đã được thực hiện liên quan đến vấn đề nghiên cứu được đề cập. Việc mô tả rõ quá trình tìm hiểu và tổng quan các nghiên cứu đi trước mà nhóm tác giả đã thực hiện là rất quan trọng, bởi đề cương nghiên cứu cần phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước và chỉ ra những lỗ hổng chưa được nghiên cứu của vấn đề. Đoạn này cần củng cố lập luận của nhà khoa học về tầm quan trọng của nghiên cứu và chỉ ra cách nghiên cứu này sẽ góp phần cải thiện hiểu biết về vấn đề đó, và rằng tại sao việc này lại quan trọng/cần thiết.

Phần bối cảnh nghiên cứu cần thể hiện trình độ hiểu biết hiện tại của nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình, củng cố những lý do hợp lý để cuối cùng, nhà khoa học có thể đặt ra câu hỏi nghiên cứu.

Tầm quan trọng của nghiên cứu

Một bản đề cương nghiên cứu tốt phải mô tả rõ ràng rằng nghiên cứu đó sẽ có đóng góp như thế nào với hiểu biết hiện có về vấn đề đặt ra, và tại sao điều này lại quan trọng. Các cơ quan tài trợ quan tâm đến việc phát triển kiến thức về các lĩnh vực cụ thể, chứ không phải dựa vào trải nghiệm cá nhân của nhà nghiên cứu hoặc sự tò mò chung chung của họ. Đề cương nghiên cứu cần chỉ ra tính khái quát của nghiên cứu nghiên cứu, đóng góp về lý luận của nghiên cứu, các ứng dụng có thể có hoặc hiệu quả của kiến thức thu được, cùng với tiềm năng cải thiện trong tương lai.

Mục tiêu nghiên cứu

Các mục tiêu nghiên cứu cụ thể và có tính khả thi cao sẽ cung cấp cho người đọc các tiêu chí rõ ràng để đánh giá nghiên cứu đang được đề xuất, và phần này cần được viết một cách ngắn gọn và rõ ràng. Phần này nên chứa giả thuyết nghiên cứu hoặc mô hình cụ thể có thể kiểm chứng được, bởi những yếu tố này có thể dễ dàng xác định được tính đúng sai. Các biến kết quả cần được đưa vào thành các mục tiêu chính và phụ của nghiên cứu, dựa trên vai trò và tầm quan trọng của từng yếu tố.

Câu hỏi nghiên cứu

Câu hỏi nghiên cứu giúp người đọc xác định các biến số nào sẽ được đo lường. Đầu tiên, các câu hỏi nghiên cứu cần có sự tương quan với phần giới thiệu và mục tiêu nghiên cứu. Thứ hai, các câu hỏi nghiên cứu cần có tính khả thi, có thể nghiên cứu và trả lời được thông qua các phương pháp nghiên cứu phù hợp. Từ đó, cách tiếp cận được gợi ý qua các câu hỏi nghiên cứu sẽ có đóng góp thiết thực vào hiểu biết chung về vấn đề nghiên cứu.

Vân An dịch

Nguồn: 

Annersten, M., & Wredling, R. (2006). How to write a research proposal. European Diabetes Nursing, 3(2), 102-105. https://doi.org/10.1002/edn.52

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Những nội dung thường gặp trong một bản đề cương nghiên cứu (Phần 1) tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn