Nghiên cứu về giáo dục đại học và đảm bảo chất lượng trong các trường đại học châu Phi

Đảm bảo chất lượng là một lĩnh vực mới nổi trong giáo dục đại học ở châu Phi, và việc thực hiện đảm bảo chất lượng có thể được nâng cao bằng cách phát triển năng lực của các nhà quản lý và những người thực hiện đảm bảo chất lượng. Một khi các nhà quản lý hiểu những khái niệm và lý thuyết chính về giáo dục đại học, việc thực hiện hệ thống đảm bảo chất lượng có nhiều khả năng được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng cung cấp học thuật tại lục địa này.

Đảm bảo chất lượng (QA) trong giáo dục đại học đang là một hiện tượng toàn cầu. Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng hiện tượng này bao gồm đại chúng hoá giáo dục đại học, tư nhân hoá, sự cạnh tranh, những phương thức đào tạo mới nổi, và sự gia tăng giáo dục đại học xuyên biên giới, tất cả đều dẫn đến việc tiêu chuẩn chất lượng của giáo dục đại học bị giảm sút. Nhiều tổ chức cấp châu lục và toàn cầu được thành lập như một phần của sự phát triển QA. Ví dụ như các nước thuộc Liên minh châu Âu cùng nhau thiết lập Tiêu chuẩn và Hướng dẫn về Đảm bảo Chất lượng trong Giáo dục Đại học châu Âu (ESG – QA) vào năm 2005. Gần đây hơn, vào năm 2019, Liên minh châu Phi đã thành lập Tiêu chuẩn và Hướng dẫn của châu Phi về Đảm bảo Chất lượng cho Giáo dục Đại học (ASG – QA). ASG – QA là một tập hợp những tiêu chuẩn và hướng dẫn để đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài trong các cơ sở giáo dục đại học ở châu Phi. Tuy nhiên, việc triển khai ASG – QA còn chậm do năng lực QA của châu lục còn hạn chế.

Chuyên ngành Giáo dục Đại học là điểm tựa cho tiêu chuẩn QA

Việc thực hiện ASG – QA sẽ được cải thiện nếu các nhà quản trị giáo dục đại học được trang bị những khái niệm quan trọng và lý thuyết được trình bày trong những nghiên cứu về giáo dục đại học. Điều này rất quan trọng, bởi vì ASG – QA được xây dựng trên nền tảng những khái niệm và lý thuyết như vậy. Phân tích chi tiết cho thấy hầu hết 13 tiêu chuẩn ASG – QA đều có cơ sở từ những khóa học chính được giảng dạy trong chuyên ngành về Giáo dục Đại học, trong đó có Quản trị và Lãnh đạo; Quản trị tài chính; Dạy và Học; Thiết kế chương trình đào tạo; Hoạch định và Quản trị chiến lược. Những khóa học này là mấu chốt quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Do đó, điều quan trọng là các nhà quản lý đại học phải được đào tạo về giáo dục đại học để tăng cường việc áp dụng ASG – QA, bằng hình thức đào tạo tập trung hoặc đào tạo tại chỗ (do số lượng những cơ sở đào tạo chuyên ngành Giáo dục Đại học ở châu Phi đang còn hạn chế).

Hạn chế cơ hội học tập chuyên ngành Giáo dục Đại học ở châu Phi

Mặc dù chuyên ngành Giáo dục Đại học giúp tăng cường việc áp dụng ASG – QA, cơ hội theo học ngành này ở các đại học châu Phi vẫn còn hạn chế. Vào năm 2014, Laura Rumbley và đồng sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc tế thuộc Boston College đã tiến hành nghiên cứu toàn cầu về những chương trình đào tạo về giáo dục đại học. Kết quả nghiên cứu này cho thấy Hoa Kỳ đứng đầu về số lượng những trung tâm (50) đào tạo về giáo dục đại học, Trung Quốc có 45, UK 18, Nhật 11, Đức 8, Canada 7, Úc 5. Toàn châu Phi có 6 trung tâm, chiếm 3% số lượng toàn cầu.

Ở châu Phi có ít trường đào tạo và cấp bằng đến PhD cho chuyên ngành Giáo dục Đại học (như Đại học KwaZulu Natal, Đại học Cape Town ở Nam Phi và Đại học Makerere ở Uganda). Xu hướng này chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển. Mở rộng đào tạo về giáo dục đại học có thể nâng cao đáng kể năng lực của các nhà quản lý trong việc thực hiện QA ở các trường đại học châu Phi.

Những môn học thiết yếu cho QA

1. Hoạch định và Quản trị chiến lược: Hầu hết những chương trình đào tạo Giáo dục Đại học (HES – Higher Education Studies) đều có môn này. Khóa học giúp tìm hiểu bản chất của chiến lược và ra quyết định chiến lược trong các trường cao đẳng và đại học. Nó cũng phân tích quá trình lập kế hoạch chiến lược, bắt đầu từ việc thăm dò môi trường; phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và những mối đe dọa đối với tổ chức; xác định những vấn đề chiến lược; xây dựng, thực hiện và đánh giá chiến lược. Khóa học cung cấp thông tin cơ bản hữu ích về Tiêu chuẩn 1 của ASG – QA, đó là chiến lược, tầm nhìn và sứ mệnh. Thông tin cơ sở liên quan đến Tiêu chuẩn 1 giúp chuyển hoá những mục tiêu chiến lược thành kế hoạch và chính sách chiến lược rõ ràng. Hiểu biết cơ bản về hoạch định chiến lược cũng giúp tích hợp hoạch định chiến lược và QA, vốn đang được quan tâm nghiêm túc trong quản lý chất lượng giáo dục đại học.

2. Phát triển chương trình đào tạo: Đây là một nội dung quan trọng liên quan đến Tiêu chuẩn 7 của ASG – QA, được định nghĩa là “thiết kế, phê duyệt, giám sát và đánh giá các chương trình học”. Theo tiêu chuẩn này, một tổ chức phải có chính sách và quy trình để ban hành một chương trình đào tạo mới. Các chương trình cần mô tả kết quả kỳ vọng trên cơ sở năng lực. Quy trình sửa đổi hoặc loại bỏ chương trình phải rõ ràng. Do đó, hiểu biết sâu sắc về thiết kế và phát triển chương trình sẽ đóng góp kiến ​​thức và kỹ năng hữu ích để hiện thực những tiêu chuẩn và hướng dẫn QA theo Tiêu chuẩn 7. Những hướng dẫn này được trình bày rõ hơn trong những môn học về phát triển chương trình của HES. Nội dung khóa học nhằm khái quát những lý thuyết, thực hành và những nghiên cứu liên quan đến chương trình giảng dạy trong giáo dục đại học, lập kế hoạch, phát triển và hiện thực hoá chương trình; giảng dạy và đánh giá; quá trình học tập của sinh viên; đổi mới và sửa đổi chương trình giảng dạy. Ngoài ra, khóa học này cũng bao gồm đo lường và đánh giá. Người học được tiếp xúc với những kỹ thuật đánh giá khác nhau (bao gồm phát triển và chứng thực trong đánh giá) để cải thiện việc dạy và học. Những thuật ngữ chính sử dụng trong đo lường và đánh giá, như tính hợp lệ, độ tin cậy và tính khả dụng. Những nguyên tắc xây dựng bài kiểm tra, quản lý và cho điểm, cũng như phân tích câu hỏi cũng được đề cập.

3. Dạy và học: Dạy và học là một khóa học phổ biến trong các chương trình HES. Nó cung cấp những phương pháp xây dựng chiến lược dạy và học hiệu quả dựa trên lý thuyết và thực tiễn giáo dục. Nội dung khóa học bao gồm: những nguyên tắc giảng dạy và chuẩn bị giảng dạy hiệu quả; những phương thức học tập khác nhau và chiến lược học tập hiệu quả; cách tiếp cận hướng dẫn và lập kế hoạch bài giảng; giảng dạy vi mô; các chiến lược đánh giá; giảng dạy đồng đẳng, đánh giá đồng đẳng, và môi trường giảng dạy trong thế kỷ XXI. Hiểu được những khía cạnh này là rất quan trọng để thực hiện hiệu quả Tiêu chuẩn 8 của ASG – QA về Dạy, Học và Đánh giá.

4. Quản trị tài chính: Quản trị tài chính hiệu quả là nền tảng để quản trị đại học thành công. Ngay cả khi một tổ chức huy động thành công một lượng tài chính dồi dào, cũng không thể đạt được nhiều kết quả nếu không có chiến lược quản trị tài chính hiệu quả về chi phí. Quản trị tài chính hiệu quả là một khía cạnh quan trọng trong quản trị chất lượng giáo dục đại học. Về vấn đề này, các trường đại học được khuyến khích thực hiện những tiêu chuẩn quản trị tài chính QA quốc tế như Tiêu chuẩn 4 của ASG – QA. Do đó, điều quan trọng đối với các nhà quản trị đại học là cần tự tìm hiểu về lý thuyết quản trị tài chính trong giáo dục đại học. Khi chi phí leo thang và nguồn lực ngày càng cạn kiệt, việc quản lý các nguồn tài chính hiệu quả, một cách có đạo đức và có trách nhiệm với xã hội trở thành một kỹ năng ngày càng quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, khóa học Quản trị tài chính trong giáo dục đại học là cần thiết; khóa học này trang bị những vấn đề tài chính cụ thể trong giáo dục đại học như lập ngân sách và quản lý ngân sách, phân bổ nguồn lực, quản lý tài sản, tìm kiếm nguồn ngân sách từ chính phủ; lập kế hoạch tài chính và gây quỹ. Những nội dung này đảm bảo quản lý chất lượng các nguồn tài chính thông qua những chiến lược hiệu quả liên quan đến quản lý doanh thu, kiểm soát nội bộ, quản lý nợ, quản lý rủi ro, quản lý tài sản và quản lý mua sắm.

Điều quan trọng là các nhà quản trị đại học nói chung cũng như cán bộ QA nói riêng được đào tạo chuyên môn về giáo dục đại học để hiểu rõ những khái niệm về giáo dục đại học, nhờ đó tăng cường hiện thực hoá QA trong cơ sở đại học của mình. Các trường đại học ở châu Phi cần nhanh chóng quan tâm đến chuyên ngành về giáo dục đại học, vốn vẫn là gót chân Achilles của giáo dục ở châu lục này.

Nguồn

Hardson Kwandayi (2021). Higher Education Studies and Quality Assurance in African Universities. International Higher Education, 107. https://doi.org/10.36197/IHE.2021.107.09

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không nhất thiết là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu về giáo dục đại học và đảm bảo chất lượng trong các trường đại học châu Phi tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19