10 phương pháp giúp học sinh đang học tiếng Anh hiểu bài của các môn học khác tốt hơn

Giáo viên dạy các môn học khác có thể áp dụng 10 mẹo nhỏ này để giúp các học sinh đang học tiếng Anh hiểu bài môn học của mình (dạy bằng tiếng Anh) tốt hơn.

Mặc dù một trong những ưu tiên trong nửa cuối năm 2021 - thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia - là các nhu cầu về sức khoẻ tinh thần của học sinh, một ưu tiên khác cũng không thể bỏ qua là hỗ trợ sự hoà nhập xã hội và ổn định cảm xúc của các học sinh đang học tiếng Anh đồng thời theo học các môn học khác tại các trường học ở Mỹ. Cũng tương tự như các học sinh đồng trang lứa khác, những học sinh đang học tiếng Anh có khao khát được công nhận những cá tính độc đáo, tài năng và trải nghiệm của các em. Tuy nhiên, những thách thức về mặt ngôn ngữ có thể trở thành những rào cản chính cản trở những khía cạnh tuyệt vời này trong cuộc sống của các em. Ngoài ra, áp lực xã hội đến từ việc trở lại trường học và phải giao tiếp với những người khác có thể khiến nhóm học sinh này cảm thấy lo lắng, bị cô lập và xấu hổ.

Do những khó khăn trong giao tiếp, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường dựa học dễ hiểu thường dựa vào các giáo viên dạy ESL (dạy tiếng Anh cho các học sinh không phải người nói tiếng Anh bản ngữ) để hỗ trợ và giúp đỡ những học sinh này. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không phải là giáo viên tiếng Anh, bạn có thể sử dụng rất nhiều phương pháp để giúp học sinh của mình cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những điểm mạnh và quan điểm đặc biệt của họ về thế giới.

10 phương pháp hỗ trợ các học sinh đang học tiếng Anh hiểu bài tốt hơn

Phụ đề không chỉ dành cho những em học sinh khiếm thính (hoặc gặp vấn đề về thính giác). Nếu chiếu nội dung video cho học sinh xem trong tiết học, bạn có thể bật phụ đề để giúp các học sinh đang học tiếng Anh hiểu nội dung video và cải thiện kĩ năng đọc hiểu của mọi học sinh. Theo một nghiên cứu năm 2017, việc bật phụ đề giúp cải thiện việc học của học sinh, kể cả đối với những học sinh không gặp những khó khăn về nghe hiểu ngôn ngữ.

Chức năng gõ bằng giọng nói trong Google Docs (dưới menu Công cụ) mang đến cho học sinh công cụ chuyển giọng nói thành văn bản, hỗ trợ các em học sinh thành thạo kĩ năng nói nhưng gặp vấn đề với việc viết hay chính tả. Thậm chí, học sinh có thể “đọc chính tả” cho máy bằng tiếng mẹ đẻ của mình, rồi sử dụng công cụ Google Translate để dịch sang tiếng Anh.

Với những học sinh lớn hơn, hoặc các học sinh có trình độ tiếng Anh cao hơn nhưng cần các tài liệu môn học được dịch ra tức thời để hỗ trợ học tập, ứng dụng Google Translate còn hỗ trợ tính năng cho phép người dùng đặt camera (trên điện thoại thông minh, máy tính bảng…) lên trên một đoạn văn bản và ngay lập tức, phần mềm sẽ hiển thị bản dịch ngay trên hình ảnh trang giấy.

Cho phép học sinh có một số lựa chọn để diễn đạt câu trả lời của mình khi được gọi và nếu các em không biết cách diễn đạt ý tưởng của mình bằng tiếng Anh. Điều này giúp tránh những trường hợp học sinh chỉ đưa ra câu trả lời mơ hồ “Em không biết!”

Sử dụng cử chỉ để bổ sung cho việc giao tiếp. Hãy nhớ rằng để giao tiếp, chúng ta cần đảm bảo rằng âm thanh phát ra từ miệng tạo ra hình ảnh hoặc khái niệm tinh thần trong tâm trí người nghe. Bạn có thể tăng đầu vào dễ hiểu (lượng ngôn ngữ có thể hiểu được) bằng cách sử dụng các cử chỉ cổ điển, hay. Nếu bạn muốn đi xa hơn nữa, TPR (Trả lời Hoàn toàn bằng Cử chỉ) là một phương pháp dạy từ vựng sử dụng các chuyển động cơ thể để phản ứng với một từ ngữ nào đó, tương tự như cách trẻ nhỏ học ngôn ngữ ở nhà một cách tự nhiên.

Vẽ hoặc viết các từ khoá càng nhiều càng tốt khi giảng bài để giúp học sinh dễ “giải mã” những ý tưởng của bạn hơn. Bạn cũng có thể sử dụng chức năng tìm kiếm hình ảnh trên Google để giúp học sinh dễ dàng trực quan hoá các từ ngữ bạn dùng và chia sẻ hình ảnh với bạn.

Sử dụng biểu đồ: Biểu đồ PECS (Hệ thống Giao tiếp Trao đổi bằng Hình ảnh) có thể giúp các học sinh gặp khó khăn trong giao tiếp thể hiện bản thân. Bằng cách chỉ vào một hình ảnh trên biểu đồ PECS theo chủ đề của tiết học, học sinh có thể cho bạn biết, chẳng hạn như họ cần đi vệ sinh bằng cách chỉ vào hình ảnh nhà vệ sinh hoặc họ khát, buồn hoặc bối rối, cần bút chì, v.v... Bạn có thể đưa cho các em một bản sao để đặt dưới ngăn bàn hoặc treo lên tường. Bạn có thể khuyến khích học sinh nói to các từ khi họ chỉ vào hình ảnh để giảm sự phụ thuộc của các em vào biểu đồ. Hãy thử tìm kiếm từ khoá “biểu đồ PECS cho lớp học” trên Google để tìm một mẫu biểu đồ phù hợp với nhu cầu của bạn.

Bổ sung hình ảnh: Một bức ảnh thực sự có giá trị bằng cả nghìn từ, nhưng đối với những học sinh đang học tiếng Anh, hình ảnh còn có giá trị lớn hơn thế nhiều lần. Các máy chiếu vật thể cung cấp cho học sinh một cái nhìn trực quan về các văn bản, bảng biểu, sách và các tư liệu giấy khác mà các em cần tiếp nhận. Giáo viên có thể sử dụng máy chiếu vật thể để chiếu các trang từ một cuốn tiểu thuyết hoặc sách ảnh khi học sinh theo dõi, hiển thị các bản nháp tay và bài viết mẫu của học sinh, hoặc sử dụng các thao tác toán học để cùng nhau giải quyết một vấn đề. Máy chiếu vật thể giúp học sinh đang học tiếng Anh có thể trực tiếp quan sát chính xác những gì bạn đang nói thay vì việc bạn phải cố gắng giải thích mọi thứ bằng lời.

Ghép cặp: Nếu bạn muốn ghép cặp một học sinh đang học tiếng Anh mới tới với một học sinh khác có thể nói thành thạo hai ngôn ngữ để hỗ trợ, hãy đề nghị học sinh đang học tiếng Anh tự chọn người mà các em muốn được cùng ghép cặp với nhau. Điều này giúp tránh việc bạn vô tình ghép cặp học sinh mới đến với một người mà em đó không thoải mái khi làm việc cùng, hoặc với một bạn học sinh khác mà các em khó có thể làm thân được.

Cho học sinh một “hộp dụng cụ ngôn ngữ”, một quyển vở chứa đầy những từ vựng có đi kèm hình ảnh minh hoạ theo chủ đề để các em sử dụng tham khảo. Đây giống như một phiên bản đơn giản của một cuốn từ điển có hình ảnh minh hoạ mà các học sinh đang học tiếng Anh có thể theo dõi theo chủ đề để theo dõi các từ vựng theo màu sắc, ngày trong tuần, các vật dụng trong lớp học, các thành viên trong gia đình, v.v… Trong lớp học của tôi, tôi thường đặt những tờ giấy này trong những khay đựng tài liệu nhựa gắn tường để các học sinh có thể xem qua nhanh nếu có nhu cầu. Các em có thể tự lấy ra, bổ sung thêm một từ nào đó mà các em mới gặp nếu thấy cần thiết.

Sử dụng micro hoặc hệ thống tăng âm, nhằm giúp học sinh đang học tiếng Anh theo dõi ngữ điệu giọng nói của bạn rõ ràng hơn và hiểu những điều bạn đang nói tốt hơn. Hãy ghi âm/ghi hình lại bài giảng (nếu được phép) và chia sẻ video hoặc đoạn ghi âm đó với các học sinh đang học tiếng Anh - các em có thể sẽ học thêm được nếu được theo dõi lại những bản ghi này. Tương tự, các học sinh đang học tiếng Anh thường gặp khó khăn khi phát âm theo nếu giáo viên đang đeo khẩu trang. Hãy chia sẻ hình ảnh khẩu hình của bạn khi không đeo khẩu trang để các em học theo.

Bạn hãy thử các phương pháp này này để giúp giảm bớt những khó khăn trong giao tiếp có thể ngăn cản học sinh đang học tiếng Anh tham gia hoàn toàn vào việc học và chia sẻ họ là ai và những gì họ có thể mang đến cho lớp học.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Joanna Schwartz (2021). 10 Strategies That Support English Language Learners Across All Subjects. Edutopia.

Ghi chú: Các quan điểm của Tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết 10 phương pháp giúp học sinh đang học tiếng Anh hiểu bài của các môn học khác tốt hơn tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19