Chuyển đổi số trong giáo dục: lợi ích và thách thức

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên thế giới, trong đó, lĩnh vực giáo dục cũng chứng kiến sự đình trệ. Khoảng 1,5 tỷ học sinh, chiếm tới 90% số học sinh tiểu học, trung học và đại học trên thế giới không thể đến trường.

Tác động từ đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc cách mạng, với việc các giáo viên, nhà quản lý giáo dục đã tìm đến các giải pháp công nghệ để hỗ trợ giáo dục và học tập từ xa. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục không chỉ giới hạn ở việc đăng tải các bài giảng online và triển khai dạy học trực tuyến.

Mặc dù một số cơ sở giáo dục đã sử dụng các giải pháp công nghệ trong những năm qua, tầm quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số trong môi trường giáo dục hiện đã được hầu hết các trường học và trường đại học nhận thức rõ ràng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Chính phủ ở nhiều quốc gia cũng đang tìm cách giảm thiểu tác động tức thời của việc đóng cửa trường học và thúc đẩy tính liên tục của giáo dục cho tất cả mọi người.

Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đem lại nhiều lợi ích cho các nhà trường cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không chỉ dừng lại ở việc đối phó tạm thời với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đôi khi cũng vấp phải những khó khăn mang tính đặc thù của ngành. Bài viết này sẽ trình bày một số lợi ích và thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Lợi ích của chuyển đổi số trong giáo dục

Theo dõi hiệu quả kết quả học tập của học sinh, sinh viên

Một trong những tác động tích cực của chuyển đổi số đối với lĩnh vực giáo dục là mang đến một phương pháp thực tế hơn để theo dõi kết quả học tập và các thành tích của học sinh, sinh viên. Với việc lưu lại thông tin về kết quả làm việc của học sinh, sinh viên, công nghệ đóng vai trò quan trọng cho phép giáo viên và phụ huynh theo dõi sự tiến bộ của con em mình. Chẳng hạn, giáo viên và phụ huynh có thể so sánh sự khác biệt về kết quả học tập, làm việc thực tế của các học sinh, sinh viên qua từng thời điểm với những dữ liệu được hệ thống kĩ thuật số ghi chép được, từ đó có cái nhìn chi tiết hơn về những học sinh, sinh viên nào đã gặt hái được thành công và những em nào cần sự quan tâm, chú ý hơn từ thầy cô, cha mẹ.

Cải thiện kết quả học tập của học sinh, sinh viên thông qua phân tích dữ liệu

Các trường có thể sử dụng các công cụ thống kê để theo dõi và cải thiện kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Thông qua các thông tin thu thập được nhờ sử dụng các công cụ công nghệ, các nhà trường có thể hiểu rõ nhu cầu của từng học sinh, sinh viên là gì. Chẳng hạn, càng hiểu rõ lý do vì sao một sinh viên nào đó phải nghỉ một học kỳ, nhà trường lại càng có thể đưa ra các giải pháp phù hợp để hỗ trợ các em. Công nghệ sẽ giúp chúng ta “chẩn đoán” nguyên nhân của các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả, dễ dàng và tin cậy hơn so với một giảng viên phải quản lý cả một lớp học trên 30 học sinh sinh viên của mình.

Học tập “cộng tác”

Học tập trên các nền tảng kỹ thuật số buộc người dạy và người học phải có sự cộng tác. Các giáo viên có thể tạo và quản lý các nhóm học sinh, sinh viên trên các nền tảng học tập trực tuyến. Việc cùng hợp tác nghiên cứu, viết các bài báo khoa học hay các bài thuyết trình trở nên dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của các nền tảng sáng tạo, cộng tác trực tuyến như  Google Docs, Twiddla, Edmodo, v.v… Những công cụ tương tác này hiện đã được ứng dụng và sử dụng tại nhiều trường.

Hình 1. Giải pháp trường học trực tuyến của MobiFone (Vietnam)

Các chương trình đào tạo tập trung vào tương lai

Các nhà trường cần đưa vào chương trình học những nội dung có tiềm năng hoặc đang là xu hướng phát triển của công nghệ thế giới. Robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá… những lĩnh vực này không còn chỉ là câu chuyện của những bộ phim khoa học viễn tưởng. Đã có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng lực lượng lao động đang thay đổi và tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong tương lai, nhưng nhiều nhà trường hiện vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để giáo dục cho học sinh, sinh viên về vấn đề này. Không cần mất đến vài năm để tạo ra một chương trình học mới hay nâng cấp các chương trình học hiện có. Chúng ta cần tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được tiếp cận với những nội dung học tập phù hợp và thường xuyên được cập nhật.

Tăng cường phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên

Các nghiên cứu đã chỉ rằng trẻ em thể hiện bản thân tốt hơn ở nhà trường và có sức khoẻ tổng thể tốt hơn khi bố mẹ các em trực tiếp tham gia và đóng góp vào sự thành công trong học tập của con. Các phần mềm tự động hoá cung cấp các thông tin về tiến độ học tập của học sinh và chuyển lại các thông tin này cho phụ huynh, đồng thời gửi thông báo yêu cầu phụ huynh nộp các loại phí đúng hạn.

Với sự tham gia của công nghệ, phụ huynh cũng có thể yên tâm hơn về sự an toàn của con em mình bởi trong những trường hợp phụ huynh không thể theo dõi được, thông tin về vị trí của xe buýt đưa đón học sinh vẫn được cập nhật liên tục trên hệ thống từ bất kỳ nơi đâu. Hãy tưởng tượng nếu phần mềm có thể cung cấp một giải pháp hướng nghiệp hiệu quả thông qua việc đưa ra gợi ý về các lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên dựa trên những số liệu thống kê đã được xử lý và tính toán, dựa trên năng lực học tập và điểm yếu của từng học sinh, sinh viên.

Tiết kiệm thời gian

Công nghệ số hoá giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian của mọi người trên thế giới, trong một thời đại mà thời gian là tiền bạc. Đào tạo trên nền tảng số là “cứu cánh” của những học sinh, sinh viên sống tại những khu vực xa xôi nhất của đất nước. Hiện nay, đã có những nền tảng cho phép học sinh, sinh viên chỉ cần đăng nhập vào một trang web là đã có thể bắt đầu bài học của mình, mà không cần phải dành hàng giờ trên đường để đến địa điểm học tập.

Các thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục

Thận trọng trong thay đổi

Trên thực tế, gần 70% những người làm việc trong khu vực công tin rằng các kĩ năng số của họ thua những người công tác trong khu vực tư nhân. Mặc dù vậy, một số nhà hoạch định chính sách chính từ chối những đề xuất nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhân viên của mình.

Nhìn chung, mọi người thường muốn tiếp tục làm những việc mà họ đã quen và không muốn bước ra ngoài “vùng an toàn” của mình, dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát triển. Nhiều người công tác trong lĩnh vực giáo dục dường như “sợ” sai lầm, thất bại và do đó không mặn mà với việc trang bị cho bản thân những kĩ năng mới, thích nghi với những công nghệ, văn hoá mới.

Kiến thức và kĩ năng hạn chế

Lòng tin, kiến thức chuyên môn và kĩ năng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự đổi mới trong một tổ chức. Các nhà tuyển dụng ở Vương quốc Anh đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt năng lực số của cán bộ, nhân viên trong việc hướng đến mục tiêu 43% vị trí tuyển dụng được trang bị đủ năng lực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Các tổ chức giáo dục phải cạnh tranh để tiếp cận và tuyển dụng các “nhân tài” (vốn chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ) hoặc theo đuổi các phương pháp tiếp cận mới để tăng tốc nâng cấp các nâng cấp hạ tầng số của mình, dựa vào công nghệ điện toán đám mây, nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi số thông suốt và hiệu quả trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin công tác tại các trường đại học.

Hình 2. Giải pháp kết nối nhà trường, giáo viên, học sinh toàn diện của MobiFone trên hệ thống mSchool

Các kho dữ liệu

Trong kỷ nguyên thông tin số như hiện nay, nhiều phương pháp thu thập và đo lường dữ liệu đã cung cấp những phân tích chi tiết về xu hướng tương lai của các đối tượng người học, tính hiệu quả nội bộ, trải nghiệm người học và nhiều loại thông tin khác của các trường phổ thông, trường đại học và các trường đào tạo nghề. Đây là những thông tin chi tiết đến vô giá.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ những dữ liệu này đôi khi phản ánh sự “lạc quan” quá mức, đôi khi thiếu chính xác và thiếu độ tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Các lãnh đạo trường cần đưa ra những dự báo mang tính khoa học, các quyết định mang tính kinh doanh và triển khai những biện pháp giáo dục mới để “nhặt” ra những thông tin hữu ích nhất, từ đó tiến hành thu thập các thông tin liên quan nhằm tạo thành một bộ dữ liệu thông suốt, kịp thời, chính xác và có hệ thống.

Thiếu sự hướng dẫn hoặc chiến lược

Một trong những rào cản chủ yếu của quá trình chuyển đổi số nằm ở việc làm thế nào để biết khi nào chúng ta nên bắt đầu tiến hành chuyển đổi số ở một lĩnh vực hay ngành công nghiệp nào đó, nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do việc thay đổi một cách đột ngột, “hàng loạt” nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, nên đôi khi thật khó để quyết định sẽ chọn giải pháp nào hoặc làm thế nào để hoạch định một chiến lược vững chắc cho quá trình chuyển đổi số.

Sự tương thích của các hệ thống

Trong thế giới hiện nay, đa số các công ty và tổ chức sử dụng các hệ thống và cơ sở hạ tầng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và hiệu quả hàng ngày.

Một trong những vấn đề chính đối với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục là sự không tương thích của các hệ thống cũ với những công nghệ kĩ thuật số mới. Sự không tương thích này đồng nghĩa với việc hệ thống tích hợp hiện tại cần phải được nâng cấp, tuỳ chỉnh hoặc thay thế, một điều đòi hỏi thời gian, tiền bạc và nguồn lực của nhà trường.

Lời kết

Với việc cách số hóa trải nghiệm học tập, cả học sinh, sinh viên và giáo viên có thể cải thiện các kĩ năng của họ để hướng tới hoạt động giáo dục tích cực. Chuyển đổi số trong giáo dục có thể được áp dụng ở nhiều khía cạnh, từ học trực tuyến đến học thông minh, đánh giá học sinh, trải nghiệm học tập tùy chỉnh và thi trực tuyến.

Vân An dịch

Nguồn:

Thao Pham (2021). Digital transformation in education: Advantages and challenges in 2021. Magenest. 

Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong giáo dục: lợi ích và thách thức tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19