Các nhà khoa học tham dự Hội thảo trực tiếp
Các diễn giả của Hội thảo là những chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu uy tín về giáo dục xuyên quốc gia hiện đang công tác tại các trường đại học có chất lượng cao ở Australia và Việt Nam, bao gồm: PGS. Bardo Fraunholz – Quản lý cao cấp về Quan hệ Quốc tế và Giáo dục xuyên quốc gia, Trường Đại học Deakin; TS. Bùi Thị Như Huyền – Quản lý về Giáo dục xuyên quốc gia, Trường Đại học Deakin; TS. Đào Thanh Tùng – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra, Hội thảo cũng mời TS. Nguyễn Thúy Hồng Vân – Giám đốc INTESOL Việt Nam tham gia trong phiên thảo luận. Hội thảo được điều phối bởi TS. Nguyễn Hữu Cương – Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang. Hội thảo đã thu hút gần 30 nhà khoa tham gia trực tiếp cùng hơn 120 giảng viên, lãnh đạo trường, nhà nghiên cứu, cán bộ phụ trách hợp tác quốc tế và cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng từ các cơ sở giáo dục đại học trên khắp cả nước tham dự dưới hình thức trực tuyến.
TS. Bùi Thị Như Huyền trình bày tại Hội thảo
Mở đầu Hội thảo, TS. Bùi Thị Như Huyền đã trình bày khái niệm giáo dục xuyên quốc gia (transnational education) và các mô hình giáo dục xuyên quốc gia. Tiếp theo, TS. Bùi Thị Như Huyền lưu ý về quy trình thực hiện giáo dục xuyên quốc gia, trong đó nhấn mạnh bước xin cấp phép thực hiện chương trình liên kết. Từ góc độ của một trường đại học của Australia khi lựa chọn đối tác để liên kết hợp tác, TS. Bùi Thị Như Huyền đã chia sẻ những tiêu chí thẩm định chuyên sâu đối tác nước ngoài, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam như tính pháp lý và năng lực của cơ sở giáo dục, chứng nhận kiểm định chất lượng, năng lực của đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và dịch vụ hỗ trợ. Kết thúc bài trình bày của mình, TS. Bùi Thị Như Huyền đã trao đổi những điểm cần lưu ý để thực hiện hợp tác quốc tế thành công như cần có chiến lược và kế hoạch hợp tác quốc tế cụ thể, cần tìm hiểu thị trường, lợi thế cạnh tranh, sử dụng các nguồn khác nhau để tìm kiếm đối tác nước ngoài, nên xây dựng chính sách và quy trình nội bộ về hợp tác quốc tế, và công tác truyền thông.
PGS. Bardo Fraunholz trình bày tại Hội thảo
Tiếp theo, với bài trình bày về xây dựng chiến lược giáo dục xuyên quốc gia, PGS. Bardo Fraunholz đã khái quát những yếu tố bên trong và những yếu tố bên ngoài tác động đến môi trường giáo dục xuyên quốc gia ở Việt Nam. PGS. Bardo Fraunholz sau đó đã nhấn mạnh những nội dung chính trong chiến lược giáo dục xuyên quốc gia của cơ sở giáo dục đại học gồm: mục tiêu và mục đích, tự đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia, phân tích các bên liên quan, quan hệ đối tác, cách tiếp cận chiến lược, quy trình phê duyệt, kế hoạch thực hiện, ngân sách, và quản lý rủi ro. Ngoài ra, theo PGS. Bardo Fraunholz, khi triển khai các thỏa thuận trong giáo dục xuyên quốc gia vì lợi ích của các bên tham gia cần phải lưu tâm đến việc hiểu thị trường, tuân thủ quy định, hợp tác và đối tác, bản địa hóa chương trình giảng dạy, công nghệ và phương pháp dạy-học, tiếp thị và tuyển dụng, dịch vụ hỗ trợ, đảm bảo và đánh giá chất lượng, tính bền vững và tăng trưởng, và kiên nhẫn và linh hoạt.
TS. Đào Thanh Tùng trình bày tại Hội thảo
Trong bài trình bày của mình, TS. Đào Thanh Tùng trước tiên chia sẻ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài ở cả ba bậc học: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hiện tại, Trường đang triển khai 14 chương trình liên kết, trong đó có 07 chương trình với đối tác của Vương quốc Anh, 02 chương trình với các đối tác của Hoa Kỳ, 02 chương trình với các đối tác của Pháp, 01 chương trình với đối tác của Australia, 01 chương trình với đối tác của New Zealand và 01 chương trình với đối tác của Hàn Quốc. Theo TS. Đào Thanh Tùng việc thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài có nhiều điểm thuận lợi như nhu cầu cao về giáo dục chất lượng và bằng cấp quốc tế, tiết kiệm chi phí so với học toàn thời gian ở nước ngoài, và khung pháp lý để thực hiện liên kết đào tạo của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, cũng có những thách thức như vấn đề đảm bảo chất lượng, việc tự chủ trong liên kết đào tạo, sự cạnh tranh mạnh mẽ với các trường trong nước và chính trong nội bộ của trường, tính bền vững của chương trình, và việc đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ của người học.
Khách mời và các diễn giả trao đổi tại Hội thảo
Phiên thảo luận tiếp sau các bài trình bày được mở đầu với phần chia sẻ của TS. Nguyễn Thúy Hồng Vân về những điểm khác nhau giữa trường đại học công lập và trường đại học tư thục về việc xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế và lựa chọn đối tác quốc tế. Ngoài ra, các diễn giả, khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo còn trao đổi những nội dung quan trọng khác về liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế như quy trình triển khai liên kết đào tạo, việc lựa chọn đối tác từ các nước Châu Á và trong khu vực ASEAN, xu thế học các chương trình liên kết đào tạo trong nước so với đi du học, và nguyên tắc chọn đối các nước ngoài của các trường đại học Australia.
TS. Nguyễn Thúy Hồng Vân trao đổi tại Hội thảo
Được biết Dự án Tăng cường vai trò lãnh đạo trong giáo dục xuyên quốc gia để đạt được sự phát triển hiệu quả và bền vững - Empowering leadership in transnational education for an impactful and sustainable growth (gọi tắt là Dự án TNE-Aus4Skills) được tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý.
Các thành viên thực hiện Dự án TNE-Aus4Skills tại Hội thảo
Nhóm thực hiện dự án bao gồm 05 nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn sâu về giáo dục xuyên quốc gia và quản lý giáo dục và hiện đang công tác tại Việt Nam và Australia, bao gồm: TS. Quách Thị Ngọc Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Dự án; TS. Bùi Thị Như Huyền, Trường Đại học Deakin, Đồng Trưởng Dự án; TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Văn Lang, Trưởng nhóm Truyền thông của Dự án; TS. Đào Thanh Tùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm Sự kiện của Dự án; GS. TS. Trần Thị Lý, Trường Đại học Deakin, Trưởng nhóm Nghiên cứu của Dự án.
Tạp chí Giáo dục