Hội thảo quốc tế về Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế

  • 15:05, 09/04/2024
Sáng ngày 09/4/2024, tại Trường Đại học Ngoại Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Chương trình Aus4Skills (Australia) tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế” (Research in International Education). Mục đích của Hội thảo là để chia sẻ và trao đổi thông tin về lý thuyết và thực tiễn trong thực hiện nghiên cứu về giáo dục quốc tế.

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo trực tiếp

Hội thảo có sự tham gia của: PSG. TS. Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngoại Thương; TS. Quách Thị Ngọc Minh - Chuyên viên chính Phòng Hợp tác đầu tư, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Hữu Cương – Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang; ThS. NCS. John Bolton, Giám đốc Điều hành Chi nhánh Quốc tế, Đại học Deakin; 30 nhà khoa tham gia trực tiếp cùng hơn 120 giảng viên, lãnh đạo trường, nhà nghiên cứu, cán bộ phụ trách hợp tác quốc tế và cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng từ các cơ sở giáo dục đại học trên khắp cả nước tham dự dưới hình thức trực tuyến.  

Diễn giả và một số khách mời của Hội thảo

Hai diễn giả của Hội thảo là những chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín về giáo dục quốc tế hiện đang công tác tại các trường đại học hàng đầu của Australia, bao gồm: GS. Chris Ziguras, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Melbourne, Australia, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia, và GS. Trần Thị Lý, Đại học Deakin, Australia. Hội thảo được điều phối bởi TS. Nguyễn Hữu Cương, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang.  

GS. Chris Ziguras trình bày tại Hội thảo

Trong phần trình bày của mình, trước tiên GS. Chris Ziguras đã nhấn mạnh nghiên cứu trong giáo dục quốc tế là để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Khi triển khai một nghiên cứu nói chung và một nghiên cứu về giáo dục quốc tế nói riêng thì cần xác định tác động và tính khả thi của nghiên cứu. GS. Chris Ziguras cũng hướng dẫn những bước đầu tiên trong nghiên cứu, cụ thể từ việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu về giáo dục quốc tế đến xây dựng câu hỏi nghiên cứu. Thêm nữa, GS. Chris Ziguras đã chia sẻ ba cách tiếp cận chính trong nghiên cứu giáo dục quốc tế, bao gồm: nghiên cứu thăm dò (exploratory), nghiên cứu mô tả (descriptive) và nghiên cứu giải thích (explanatory), cùng với đó là những thiết kế nghiên cứu điển hình như nghiên cứu trường hợp (case study), nghiên cứu theo dõi dọc (longitudinal tracking) và nghiên cứu so sánh (comparative study).

GS. Trần Thị Lý trình bày tại Hội thảo

Là tác giả của hơn 200 công bố trong các tạp chí hàng đầu thế giới về giáo dục, GS. Trần Thị Lý trước tiên đã trình bày những chủ đề tiềm năng trong nghiên cứu giáo dục quốc tế như tác động xã hội của giáo dục quốc tế, đa dạng hóa nguồn sinh viên quốc tế và quản lý rủi ro trong giáo dục quốc tế, số hóa giáo dục xuyên quốc gia, sức khỏe tâm thần của sinh viên quốc tế, v.v. Tiếp theo, GS. Trần Thị Lý đã chia sẻ những lý do tại sao nên nghiên cứu và công bố về giáo dục quốc tế, quy trình xuất bản, và việc lựa chọn tạp chí phù hợp. Là đồng tổng biên tập của một số tạp chí quốc tế uy tín, GS. Trần Thị Lý đã giới thiệu những tạp chí phổ biến trong giáo dục quốc tế như Journal of Studies in International Education, Compare: A Journal of Comparative and International Education, Globalisation, Societies and Education. Ngoài ra, GS. Trần Thị Lý đã phân tích chi tiết cấu trúc của một bài báo nghiên cứu. Cuối cùng, GS. Trần Thị Lý đã chia sẻ kinh nghiệp về hồ sơ xin học tiến sĩ và xin học bổng tiến sĩ, và mô hình hợp tác trong đào tạo tiến sĩ.

PSG. TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương phát biểu tại Hội thảo

Nội dung trao đổi của GS. Chris Ziguras và GS. Trần Thị Lý đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước quan tâm tới giáo dục quốc tế. Ở phần cuối của Hội thảo, các diễn giả và các thầy cô tham dự đã cùng trao đổi và thảo luận về những thách thức và khó khăn trong nghiên cứu giáo dục quốc tế, cũng như những cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là những cơ sở giáo dục đại học của Australia để cùng nghiên cứu và công bố trong giáo dục quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học.

TS. Quách Thị Ngọc Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Dự án TNE-Aus4Skills phát biểu tại Hội thảo

Được biết Dự án Tăng cường vai trò lãnh đạo trong giáo dục xuyên quốc gia để đạt được sự phát triển hiệu quả và bền vững - Empowering leadership in transnational education for an impactful and sustainable growth (gọi tắt là Dự án TNE-Aus4Skills)  được tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý.

Nhóm thực hiện dự án bao gồm 05 nhà khoa học, nhà quản lý có chuyên môn sâu về giáo dục xuyên quốc gia và quản lý giáo dục và hiện đang công tác tại Việt Nam và Australia, bao gồm: TS. Quách Thị Ngọc Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Dự án; TS. Bùi Thị Như Huyền, Trường Đại học Deakin, Đồng Trưởng Dự án; TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường Đại học Văn Lang, Trưởng nhóm Truyền thông của Dự án; TS. Đào Thanh Tùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm Sự kiện của Dự án; GS. TS. Trần Thị Lý, Trường Đại học Deakin, Trưởng nhóm Nghiên cứu của Dự án.

Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo quốc tế về Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế tại chuyên mục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19