Giáo dục đại học toàn cầu phản chiếu trong VES 2021

Sau 2 ngày làm việc 9-10/9 (từ 13h30-20h30 VES 2021: “Giáo dục Đại học thích ứng khủng hoảng” đã thành công với nhiều đại biểu tham dự trong nước và quốc tế. Nhiều vấn đề của giáo dục đại học toàn cầu đang phải đối mặt đã được đưa ra trong các phiên toàn thể hay song song.

Ban tổ chức: EduNet-AVSE Global, Trường Đại học KHXHNV Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Giáo dục.

Đại biểu tham dự: Khoảng trên 180 đại biểu, 600 lượt người vào zoom tham dự, các nhà nghiên cứu trình bày đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: Trung Quốc, Nam Phi, Úc, Anh, New Zealand, Hongkong, Ấn Độ, Phillipines, Canada, Arab Saudi và đông đảo các nhà khoa học Việt Nam về lĩnh vực khoa học giáo dục trên thế giới.

Ngôn ngữ sử dụng trong Hội thảo: tiếng Anh

Tại hội thảo, có nhiều báo cáo mời keynote speaker đến từ các nước Úc, Mỹ, Anh, Ý,… với các chủ đề mang tính toàn cầu, rất có ý nghĩa với Việt Nam như:

+) Sự kết thúc của sự thống trị của Anh-Âu? Giáo dục đại học ở Việt Nam trong thế giới đa cực (GS. Simon Marginson, Đại học Oxford, Anh);

+) Địa chính trị của quốc tế hoá giáo dục và sự di chuyển của sinh viên: Hàm ý đối với nội tại hóa giáo dục đại học Việt Nam (Ly Tran, Đại học Deakin, Úc)

+) Suy nghĩ lại về các cơ sở giáo dục, sự chuyển đổi và quốc tế hóa:
Giáo dục đại học châu Á trong thời đại đại dịch (GS. Phan Lê Hà, Đại học Brunei Darussalam và Đại học Hawaii tại Manoa).

+) Thách thức về tài trợ cho các trường đại học ở các nước phương Tây (GS. Tommaso Agasisti, Politecnico di Milano, Trường Quản lý, Ý)

+) Đại học ở Việt Nam: mâu thuẫn, thách thức và cơ hội, GS. Gerard W. Fry, Đại học Minnesota, Mỹ)

Đồng thời, các chủ đề trong các phiên song song đề cập tới các vấn đề rất thiết thực đối với sự đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Các báo cáo đã đề cập tới những vấn đề liên quan đến chính sách và có tính toàn cầu như công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục đại học; quản trị và quản trị đại học; đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; chính sách giáo dục đại học; triết lí giáo dục đại học; quốc tế hoá giáo dục đại học; giáo dục đại học và mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời các vấn đề như hoạt động dạy và học ở đại học, đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên cũng được nhiều người tham dự, báo cáo.

Dưới đây là đánh giá, ý kiến chia sẻ về VES 2021 của một số chuyên gia, các đại biểu tham dự và Ban tổ chức:

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Giáo dục học, nguyên Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Hội thảo được tổ chức rất chuyên nghiệp. Nội dung có ý nghĩa cấp thiết, thời sự đề cập tới những vấn đề của giáo dục đại học thế giới, trong đó có Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, như là chuyển đổi số và sự thích ứng với khủng hoảng covid-19, vấn đề xếp hạng đại học, vấn đề quốc tế hoá giáo dục đại học, thị trường giáo dục đại học,…. Đây là những thông tin bổ ích, quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo đại học có cái nhìn tổng quan, nhiều chiều về những thách thức toàn cầu đối với giáo dục đại học.

GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global):

AVSE Global hội tụ trí tuệ người Việt và gốc Việt trên phạm vi toàn cầu, với một mạng lưới trên 10.000 người, 300 thành viên đang sống và làm việc trên hơn 20 quốc gia khác nhau. Lực lượng này có trình độ chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ chủ chốt cho động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ tới, và quan trọng nhất là chia sẻ một tình yêu lớn với Việt Nam, một tinh thần cống hiến tập thể cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Xây dựng và thúc đẩy sự ra đời của những không gian kết nối - hội tụ trí tuệ Việt Nam, cả trực tuyến và thực tế, là đích hướng đến của AVSE Global trong những năm tới đây. Bên cạnh những dự án tham vấn – tư vấn chiến lược cho những thách thức phát triển cấp quốc gia và nhiều địa phương thì Trung tâm trí tuệ tại Việt Nam (Knowledge Cluster), V-Space (không gian lan toả trí tuệ, kết nối tài năng Việt, https://vspace.global), hay những liên kết khởi nghiệp – sáng tạo qua cuộc thi Hack4Growth https://www.hack4growth.org) là những ví dụ cụ thể cho tầm nhìn đó.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (VES) có một vai trò cốt lõi trong sự vận động của AVSE Global. VES như một “think tank” tạo không gian suy nghĩ, thúc đẩy hình thành những tư duy mới cho phát triển con người, dạy, và học trong bối cảnh thay đổi không ngừng của khoa học, công nghệ và những thách thức thời đại như biến đổi khí hậu, xoá nghèo, sức khoẻ, bình đẳng giới, phát triển toàn diện… 

PSG Bùi Thị Minh Hồng, trường Khoa học Quản lý, Đại học Bath, Vương Quốc Anh, Giám đốc Mạng lưới giáo dục (Edunet) của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Vietnam Toàn cầu (AVSE Global):

Vietnam Education Symposium (VES) là chuỗi hội thảo và bàn tròn bàn luận về giáo dục thế giới cũng như những tác động, ảnh hưởng lên giáo dục Việt Nam. VES tiền thân từ cũng cuộc thảo luận bàn tròn tại Paris từ 2017-2018 do TS Nguyễn Thụy Phương khởi xướng. Chiến lược dài hạn của VES, mà cao hơn cả là EduNet-AVSE Global- là tổ chức các hội thảo, diễn đàn giáo dục quốc tế tại Việt Nam, tiến hành các nghiên cứu và tư vấn chính sách cũng như chiến lược để làm cầu nối cho các học giả lớn thế giới tới gần và hiểu Việt Nam hơn; giới thiệu các nhà nghiên cứu giáo dục Việt Nam ra thế giới, góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu của giảng viên, giáo viên để thích ứng kịp với những biến động của môi trường và thế giới. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là cùng đồng nghiệp tại Việt Nam góp phần xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của nền kinh tế. Trong kỷ nghiên số diễn ra vô cùng nhanh này thì đây dường như là chuyến tầu cuối để Việt Nam bứt phá vươn lên hay mãi nằm trong nhóm các nước thu nhập thấp của thế giới. Vì vậy xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trách nhiệm xã hội là một bắt buộc trong cuộc chơi này. Do đó chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ từ chính phủ, các ban ngành, và sự đồng hành của cộng đồng giáo dục hướng tới một thương hiệu, một bản sắc Việt trong giáo dục.

TS Nguyễn Thuỵ Phương (Sáng lập viên EduNet, Giám đốc Diễn đàn Giáo dục Việt Nam):

VES lần 2 chúng tôi mời thêm 2 đối tác Việt Nam: 1 trường đại học lớn và 1 tạp chí đầu ngành lĩnh vực Khoa học Giáo dục. Với chức năng và vị trí của 2 đối tác này, VES 2021 mở rộng thêm cộng đồng khoa học giáo dục trong và ngoài Việt Nam. Các diễn giả khách mời đều là chuyên gia hàng đầu đến từ 4 quốc gia Anh, Mỹ, Ý, Úc. Họ giúp chúng ta phân tích nền giáo dục đại học quốc tế nói chung và đối chiếu nền đại học của Việt Nam trong bức tranh quốc tế ở các bình diện quốc tế hóa, chính sách, quản trị, chính trị học. Như quý vị thấy trong tiêu đề của Diễn đàn lần này, chúng tôi muốn bàn đến các cuộc khủng hoảng mà nền giáo dục đại học các quốc gia đã và đang trải qua. Khủng hoảng Covid-19 chỉ là 1 trong những khủng hoảng đó thôi. VES lần 1 nói về giáo dục phổ thông, VES lần 2 về đại học. VES lần thứ 3, chúng tôi muốn hướng đến mẫu giáo vì đây là bậc học mang tính nền móng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức ở tầm học thuật, và đặc biệt là vẫn còn có sự thiếu vắng những công bố về Việt Nam, từ Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.

PGS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Tạp chí Giáo dục, Bộ GD&ĐT trong việc tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Khoa học Xã hội và Nhân văn 2021 (USSH-ICSSH 2021) lần này. Đây là sự kiện kết hợp giữa Hội thảo khoa học Sau đại học thường niên của Nhà trường và Diễn đàn giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Symposium, VES). Thông qua Hội thảo này, các giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học của Nhà trường được tạo điều kiện tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục đại học trong khuôn khổ VES, và ngược lại, VES cũng đã vươn tầm ảnh hưởng xa hơn đối với các nhà nghiên cứu trong nước, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hoạt động phối hợp hơn nữa giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM với AVSE Globle và Tạp chí Giáo dục, Bộ GD&ĐT để triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết trong lĩnh vực xây dựng năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nói riêng, khoa học xã hội và nhân văn nói chung.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Nhân dịp này, Tạp chí Giáo dục trân trọng cảm ơn AVSE Global, EduNet, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh về sự hợp tác chuyên nghiệp, hiệu quả, đã mang tới thành công của VES lần 2. Tạp chí Giáo dục trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí lãnh đạo các Vụ chức năng đã quan tâm và tham dự Hội thảo. Tạp chí Giáo dục trân trọng cảm ơn các bạn là thành viên của Edunet, các vị đại biểu tham dự đã làm việc, nghiên cứu và tham dự hội thảo rất chuyên nghiệp và cống hiến.

Tạp chí Giáo dục mong muốn được kết nối, hợp tác và hỗ trợ từ cộng đồng các nhà  nghiên cứu trong và ngoài nước về khoa học giáo dục, liên quan đến khoa học giáo dục. Từ đó, các bạn sẽ giúp Vietnam Journal of Education (tạp chí xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh, https://vje.vn) có thể nâng cao vị thế, uy tín học thuật và tiếp cận quốc tế. Cụ thể, sau Hội thảo, Vietnam Journal of Education sẽ xuất bản một số đặc biệt  phục vụ cho Hội thảo này. Hơn nữa, nhiều nhà khoa học tham dự Hội thảo đã có những lời hứa cũng như những hành động cụ thể để giúp tư vấn, hỗ trợ chúng tôi trong quá trình nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Chúng tôi trân trọng và rất cảm ơn tình cảm của các bạn, các nhà khoa học trong và ngoài nước về tình cảm và sự hợp tác này, đặc biệt là sự hỗ trợ  từ Edunet-AVSE Global.

Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục đại học toàn cầu phản chiếu trong VES 2021 tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19