Quản lý bền vững quá trình chuyển đổi số tại các trường đại học: Các xu hướng nghiên cứu chính trên thế giới

Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục (digital transformation) luôn phải đi kèm với quản lý bền vững, bởi giáo dục cần duy trì sự ổn định trước những biến đổi không ngừng của công nghệ. Nhóm tác giả Emilio Abad-Segura và cộng sự, trong bài nghiên cứu có tựa đề “Quản lý bền vững quá trình chuyển đổi số tại các trường đại học: Các xu hướng nghiên cứu chính trên thế giới”, đã tìm hiểu và phân tích những xu hướng trong nghiên cứu về chủ đề này trên phạm vi toàn cầu, giai đoạn 1986-2019.

Trong vài thập niên trở lại đây, các trường đại học đã trải qua nhiều thay đổi quan trọng, được thúc đẩy bởi những xu hướng công nghệ và xã hội mới trong bối cảnh chuyển đổi số. Hiện tại, việc triển khai công nghệ ở các trường đại học vẫn chủ yếu xoay quanh việc kiến tạo một môi trường số kết nối phục vụ giảng dạy trực tuyến, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới. Do vậy, các nhà trường thực hiện chuyển đổi số vẫn chủ yếu tập trung vào yếu tố người học, thay vì chính bản thân yếu tố công nghệ.

Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi số cần được thiết lập dựa trên các tiên đề về chủ nghĩa kết nối, nhằm thống nhất các cam kết để thoả mãn các nhu cầu, mục tiêu của nhiều nhóm lợi ích khác nhau trên các chiều cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhằm thúc đẩy việc quản lý bền vững, các trường đại học cần đầu tư vào việc sử dụng các công nghệ sạch và quản lý việc phân phối công nghệ trong phạm vi ảnh hưởng của từng trường. Do đó, mục tiêu của nhóm tác giả là nghiên cứu các xu hướng trong chuyển đổi số của các trường đại học, nhằm phân tích các tác động của quá trình triển khai những công nghệ mới tại các cơ sở giáo dục này.

Nhằm đạt được mục tiêu trên, nhóm tác giả Emilio Abad-Segura và cộng sự đã phân tích 1590 bài báo khoa học có liên quan từ cơ sở dữ liệu Scopus. Kết quả phân tích sẽ cung cấp các dữ liệu về “năng suất” công bố của từng tác giả, tạp chí, cơ sở giáo dục và cả các quốc gia có đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các lĩnh vực nghiên cứu phổ biến nhất trong các bài viết được phân tích là Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tạp chí đăng tải nhiều bài nghiên cứu nhất về chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục là tạp chí Sustainability. Tác giả đăng nhiều bài viết nhất là một nhà nghiên cứu có tên Mulder, đến từ Trường Đại học The Hague về Khoa học Ứng dụng. Trường đại học có nhiều công bố liên quan đến chuyển đổi số nhất là Đại học Công nghệ Delft. Mỹ là quốc gia có số lượng các công trình khoa học được xuất bản và có nhiều dự án hợp tác quốc tế nhất về chủ đề chuyển đổi số trong giáo dục. Các từ khoá chính được sử dụng trong các bài viết về chủ đề này là “sustainability” (tính bền vững), “sustainable development” (phát triển bền vững), “higher education” (giáo dục đại học), “innovation” (sự đổi mới), “technology” (công nghệ), “environmental technology” (công nghệ môi trường), “technological development” (sự phát triển công nghệ) và “environmental management” (quản lý môi trường). Các nghiên cứu về chủ đề chuyển đổi số hiện cũng đang trên đà gia tăng, tập trung chủ yếu vào một vài năm trở lại đây.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Emilio Abad-Segura (2020). Sustainable Management of Digital Transformation in Higher Education: Global Research Trends. Sustainability, 12(2107). doi:10.3390/su12052107

Ghi chú: Các quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.