Tích hợp văn hóa trong dạy học ngoại ngữ: Trường hợp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam

Nghiên cứu này tìm hiểu về hiệu quả của chương trình tích hợp văn hóa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, và các điều chỉnh cần thiết để nâng cao chất lượng giảng dạy. Những phát hiện này không chỉ đóng góp vào việc phát triển giáo dục ngoại ngữ mà còn tạo ra cơ hội rộng mở cho sự hội nhập văn hóa trong cộng đồng sinh viên trong nước và quốc tế.

Trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay, việc học ngoại ngữ trở thành một yếu tố quan trọng để nâng cao kiến thức và hiệu quả công việc. Để cải thiện chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, việc phát triển năng lực văn hóa cho người học là một trong những yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tích hợp văn hóa vào quá trình dạy học ngoại ngữ vẫn còn hạn chế, nhiều giảng viên chưa nhận thức được vai trò của văn hóa và chưa thực hiện hiệu quả việc tích hợp văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ. Do đó, nghiên cứu này trình bày các chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, dựa trên việc áp dụng phương pháp dạy học tích hợp văn hóa tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Nguồn: Sưu tầm

Nhóm nghiên cứu đã phân tích lý thuyết về mô hình dạy học tích hợp văn hóa, xây dựng một số tình huống dạy học tiếng Việt và một số ví dụ (kịch bản dạy học) phù hợp với thực tiễn dạy học và gắn kết văn hóa của Việt Nam trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Họ đã thử nghiệm các mô hình này bằng cách áp dụng vào các bài giảng cho 90 sinh viên nước ngoài đến từ Lào và Mông Cổ đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau khi tham gia các bài học tiếng Việt sử dụng mô hình giảng dạy tích hợp văn hóa, sinh viên quốc tế sẽ trả lời bảng câu hỏi để đánh giá hiệu quả của bài học cũng như nhận thức tích cực của người học. 

Qua kết quả nghiên cứu có thể thấy, về các tài liệu học thuật, sách giáo khoa cần được biên soạn kỹ lưỡng hơn. Mặc dù được xây dựng nhằm góp phần hội nhập văn hóa và tập trung phát triển các kỹ năng Đọc – Viết – Nói – Nghe nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người học. Đặc biệt, vấn đề về tài liệu học tập trực tuyến vẫn chưa được giải quyết. Do vậy, những người biên soạn tài liệu, giáo trình cần lưu ý mở rộng phương pháp học tập để phù hợp với nhiều đối tượng và hình thức học tập khác nhau, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu học trực tuyến của người học ở nhiều nơi trên thế giới. Việc sử dụng các tài liệu phần mềm, hình ảnh, đồ họa và video còn hạn chế và cần được kết hợp với các hoạt động tương tác hấp dẫn mang tính đại diện về văn hóa xã hội hơn. 

Về phương pháp giảng dạy, 03 phương pháp được sử dụng trong mô hình đề xuất là trải nghiệm các địa điểm văn hóa và tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa với người dân địa phương và sân khấu hóa các bài hát, tác phẩm văn học (bao gồm trình diễn ca khúc, kịch) vẫn chưa được sử dụng phổ biến. Giảng viên cần linh hoạt hơn trong phương pháp giảng dạy, chú trọng hơn đến sự kết nối giữa văn hóa đích (văn hóa Việt Nam) và văn hóa nguồn (văn hóa của sinh viên) nhằm phát huy kiến thức văn hóa và sự tương tác của người học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nên cung cấp cho sinh viên quốc tế một bối cảnh thực tế về cách sử dụng tiếng Việt, như vậy, ngôn ngữ sẽ được tiếp thu một cách tự nhiên. Đó là chiến lược trọng tâm trong việc tích hợp văn hóa trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Integrating Culture in Foreign Language Teaching: Case of Teaching Vietnamese for Foreigners in Vietnam. (2022). Journal of Educational and Social Research12(4), 174. https://doi.org/10.36941/jesr-2022-0105

 
Bạn đang đọc bài viết Tích hợp văn hóa trong dạy học ngoại ngữ: Trường hợp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19