Thư mời viết bài cho Số Đặc biệt (tiếng Anh) trên Vietnam Journal of Education 2024

Năm 2024, Vietnam Journal of Education (Tạp chí Giáo dục) với sự phối hợp tổ chức của Vietnam Educational Research Initiative (Sáng Kiến Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam - VERI) sẽ xuất bản một số đặc biệt về chủ đề phương pháp nghiên cứu định tính trong nghiên cứu khoa học giáo dục: Qualitative Journeys - Reflecting on Educational Research and Exploring New Horizons.

Kính gửi quý nhà khoa học!

Giáo dục, được biết đến với tính liên ngành, "giao thoa" với nhiều lĩnh vực trong đời sống như kinh tế, chính trị, xã hội học, lịch sử và tâm lý học,... Do đó, việc phân tích các vấn đề giáo dục luôn yêu cầu phải có sự đa dạng về phương pháp nghiên cứu. Các phương pháp tiếp cận định tính ngày càng được chú trọng trong giới nghiên cứu học thuật, nhờ khả năng đem lại hiểu biết sâu sắc và kết nối chặt chẽ với thực tiễn, cũng như khả năng khái quát hóa về mặt lý thuyết. Đồng thời, nhiều công bố quốc tế đã chứng minh rằng phương pháp này còn "thách thức" ranh giới truyền thống giữa các ngành, khi vận dụng các lý thuyết và phương pháp của nhiều ngành khoa học khác (Bogdan & Biklen, 2007; Creswell, 2015; Hatch, 2002; Ward & Delamont, 2020).

Thảo luận về nghiên cứu định tính không chỉ giới hạn đơn thuần trong vấn đề phương pháp tiến hành nghiên cứu. Ở phạm vi rộng hơn, nghiên cứu định tính chính là "hiện thân" của một thế giới quan qua lăng kính đa chiều và muôn sắc. Điều này phủ nhận lối mòn tư duy tuyến tính, đơn nhất; giúp chúng ta khám phá và thấu hiểu rõ về bức tranh phong phú của cuộc sống. Trong thế giới quan phức hợp ấy, thực tế không chỉ được định hình bởi các yếu tố vật lý mà còn bởi một không gian nội tâm phong phú, những câu chuyện cuộc sống và các chuyển động xã hội phức tạp. Nghiên cứu định tính yêu cầu nhà nghiên cứu nhìn nhận và tương tác với thế giới một cách sâu sắc hơn, nhận thức những sắc thái đa dạng, những liên nối tinh tế, hay sự biến đổi không ngừng của các hiện tượng - từ đó khai mở cách hiểu và lý giải thấu đáo hơn các vấn đề liên quan tới giáo dục.

Ở Việt Nam, phương pháp nghiên cứu định tính nhiều khi đã và đang bị xem nhẹ so với phương pháp nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân của xu hướng trên có thể xuất phát bởi nhiều thập niên ưu tiên cho phát triển kinh tế, phần nào thúc đẩy việc coi trọng các thước đo và chỉ số định lượng. Điều này phản ánh trong xu hướng chính sách và nghiên cứu giáo dục, nơi khoa học xã hội và nhân văn chưa được đầu tư và chú trọng tương xứng so với một số lĩnh vực khác như STEM và công nghệ (Ho, 2023; Pham & Hayden, 2019). Tuy nhiên, xã hội hiện đại với những thách thức mang tính toàn cầu đòi hỏi nhà nghiên cứu có nhận thức sâu sắc và thực hành bài bản hơn đối với nghiên cứu định tính vì nó góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề giáo dục và xã hội phức tạp.

Dựa trên tinh thần ấy, chúng tôi xin trân trọng kính mời quý đồng nghiệp cùng tham gia tiểu dự án Qualitative Journeys thuộc chương trình Sáng Kiến Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam (VERI). Dự án này nhằm mục đích tăng cường trao đổi và cùng suy ngẫm về nghiên cứu định tính chúng ta đã, đang và sẽ thực hành. Từ đó, chúng tôi hy vọng mở rộng tiềm năng tìm hiểu và vận dụng tiếp cận định tính trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hành giáo dục tại Việt Nam. Các bài viết đóng góp có chất lượng sẽ được xuất bản trong số đặc biệt (Special Issue) của Vietnam Journal of Education (VJE) và một cuốn sách chuyên khảo về nghiên cứu định tính.

Các chủ đề cho Số đặc biệt và Sách

Chúng tôi hoan nghênh các bài viết liên quan tới nghiên cứu định tính ở thế loại đa dạng và tiếp cận sáng tạo (original research, reflections, systematic/integrative reviews, conceptual papers…). Các chủ đề mang tính gợi ý cho các bài đóng góp bao gồm:

- Việc áp dụng nghiên cứu định tính trong các nghiên cứu giáo dục (chẳng hạn, chính sách giáo dục, giáo dục STEM, đánh giá chương trình giáo dục; giáo dục đa văn hóa; giáo dục vì sự phát triển bền vững; giáo dục hòa nhập/giáo dục dung hợp).

- Một số tiếp cận/thiết kế nghiên cứu định tính truyền thống (chẳng hạn, narrative inquiry, qualitative case study, phenomenology, document/discourse analysis, ethnography, grounded theory) và ứng dụng trong những bối cảnh nghiên cứu giáo dục cụ thể.

- Các xu hướng mới trong nghiên cứu định tính (chẳng hạn, post qualitative inquiry, arts-based research, poetic inquiry, comparative case study, photovoice, design-based research, longitudinal research, big data for qualitative research, AI-assisted qualitative analysis, netnography).

- Định vị vai trò và việc phản tư của nhà nghiên cứu (researcher positionality and reflexivity).

- Nghiên cứu định tính trong nghiên cứu giáo dục sử dụng phương pháp hỗn hợp (mix method).

- Những thách thức, cơ hội và tiềm năng mới trong hoạt động thực địa của nhà nghiên cứu định tính và ý nghĩa trong nghiên cứu giáo dục (doing fieldwork).

- Những trải nghiệm, cách tiếp cận, và phương pháp sáng tạo trong hoạt động phân tích và diễn giải dữ liệu định tính (data analysis and interpretation).

- Vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu định tính.

- Công tác giảng dạy về phương pháp nghiên cứu (định tính).

Hướng dẫn gửi bài

Tóm tắt

Tóm tắt bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh phải được gửi trước ngày 15/5/2024 tới địa chỉ email sau: qualitativejourneys@gmail.com. Bản tóm tắt không được vượt quá 300 từ (tiếng Anh) hoặc 500 từ (tiếng Việt), bao gồm câu hỏi/mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, nguồn dữ liệu, kết quả (dự kiến) và kết luận/ý nghĩa. Nếu bản tóm tắt được chấp nhận, tác giả sẽ nhận được thông báo và lời mời gửi toàn văn.

Toàn văn

Bài viết phải là kết quả nghiên cứu mới, chưa được gửi và xuất bản ở bất kì tạp chí nào. Bài viết toàn văn phải được viết bằng tiếng Anh. Độ dài toàn văn: 6.000 từ (bao gồm Tài liệu tham khảo) theo cấu trúc quy định tại http://vje.vn/index.php/journal/submission-guidelines 

Writing Workshops

Nhằm khuyến khích hợp tác và hỗ trợ trong quá trình viết, Ban Biên tập sẽ phối hợp với những bên liên quan để tổ chức các buổi chuyên đề quy mô nhỏ tập trung về các bình diện của việc viết học thuật. Những tác giả đóng góp bài trong dự án Qualitative Journeys sẽ được khuyến khích đăng ký tham gia nếu quan tâm. Chúng tôi sẽ thông báo chi tiết về các buổi chuyên đề này khi có lịch cụ thể.

Xuất bản

Sau quá trình bình duyệt, các bài viết bằng tiếng Anh sẽ được đăng trên Số đặc biệt của Vietnam Journal of Education. Bất kỳ bài viết nào sẵn sàng xuất bản trực tuyến trước (online first) đều có thể được xuất bản trực tuyến sớm nhất trong năm nay (2024).

Các bài viết bằng tiếng Việt sẽ tiếp tục được lựa chọn cho dự án Qualitative Research Monograph. Thông tin cụ thể về dự án sách này sẽ được gửi đến các tác giả đóng góp và cộng đồng VERI.

Thời gian

Thời hạn nhận bản thảo tóm tắt: 15/5/2024

Thông báo kết quả xét duyệt bản thảo tóm tắt: 05/6/2024

Thời hạn nhận bản thảo toàn văn: 31/08/2024

Thông báo kết quả bình duyệt đầu tiên: 30/9/2024

Thời hạn nộp lại bản thảo sau chỉnh sửa:  15/10/2024

Thông báo kết quả bình duyệt lần 2 (nếu có): ngày 01/11/2024

Thời hạn nộp bản thảo hoàn chỉnh: 30/11/2024

Biên tập viên mời (guest editors)

Tiến sĩ Dương Bích Hằng - Đại học bang Arizona, Mĩ

Tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo - Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ Ni - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Tài liệu tham khảo

Bogdan, R., & Biklen, S. K. (2007). Qualitative research for education: An introduction to theories and methods (Fifth edition). Pearson A & B.

Creswell, J. W. (2015). Educational research: Planning, conducting, and evaluating quantitative and qualitative research (Fifth edition). Pearson.

Hatch, J. A. (2002). Doing qualitative research in education settings. Suny Press.

Ho, S. Q. (2023). Trí thức Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Thế mạnh và những rào cản. Tạp Chí Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, 2, 3–12. https://doi.org/10.56794/KHXHVN.2(182).3-12

Pham, L. T., & Hayden, M. (2019). Research in Vietnam: The Experience of the Humanities and Social Sciences. Journal of International and Comparative Education (JICE), 27–40. https://doi.org/10.14425/jice.2019.8.1.27

Ward, M. R. M., & Delamont, S. (2020). Handbook of Qualitative Research in Education. Edward Elgar Publishing.

Bạn đang đọc bài viết Thư mời viết bài cho Số Đặc biệt (tiếng Anh) trên Vietnam Journal of Education 2024 tại chuyên mục Hội thảo khoa học của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn