Bộ Giáo dục và Đào tạo: Báo cáo hướng dẫn thực hiện các nội dung thành phần và các tiêu chí lĩnh vực giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, nước ta đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, nhất là ở vùng cao. Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục đạt những kết quả cao trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giải quyết việc làm cho lao động qua đào tạo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục được phân công thực hiện 2 tiêu chí đối với cấp xã là tiêu chí số 5 - Tỷ lệ trường học các cấp (Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở) có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia và tiêu chí số 14 bao gồm: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (Phổ thông, bổ túc, trung cấp); một tiêu chí cấp huyện là tiêu chí số 5 (chỉ tiêu 5.3) - Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non

Thực hiện Kế hoạch số 1521/KH-BGDĐT ngày 27/10/2022 của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN). Đánh giá công tác duy trì, đảm bảo chất lượng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư;

Đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật việc củng cố, nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mầm non 5 tuổi (PCGDMNTNT) theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GDĐT Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD XMC).

Các địa phương đã chú trọng đến GDMN, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Hiện nay, GDMN đã chuyển biến tích cực với mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng và phân bố trên các địa bàn dân cư, đáp ứng kịp thời nhu cầu và chương trình GDMN mới trong giai đoạn hiện nay…

Có được kết quả trên, đó là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Nam, thực hiện tốt mục tiêu, bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở địa phương được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày. Qua đó, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng vào lớp 1.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMNTNT trong giai đoạn mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hàng loạt giải pháp đồng bộ cụ thể. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về phổ cập GDMNTNT dưới nhiều hình thức. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng đối với việc thực hiện phổ cập. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác Phổ cập GDMNTNT, coi phổ cập GDMNTNT là tiền đề để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Qua đó, huy động các nguồn lực cho Phổ cập giáo dục mầm non.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn việc hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN, đáp ứng yêu cầu huy động trẻ 5 tuổi và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến lớp.

Trong đó, ưu tiên mở rộng quỹ đất đầu tư xây dựng trường mầm non và quỹ đất để xây dựng trường mầm non khi quy hoạch xây dựng đô thị. Xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, đồ chơi và các công trình phụ trợ khác đáp ứng yêu cầu Phổ cập.

Thực hiện tiêu chí về lĩnh vực giáo dục ở cấp Tiểu học

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, vì vậy, để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW (ngày 05/12/2011) về phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn; Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, về thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn cả nước nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 07/2016/TT- BGDĐT ngày 22/3/2016 Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xoá mù chữ.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các địa phương đã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 1, mức độ 2 và đã có 25/63 đơn vị được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3.

Thực hiện tiêu chí phổ cập giáo dục Trung học cơ sở

Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1: Đối với cá nhân: Được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Đối với xã: Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.

Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 1. Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Ngoài ra, tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đối với xã: bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.

Đối với huyện: Có ít nhất 95% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2. Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Nâng cao nhận thức kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm GDNN-GDTX

Để giải quyết những bất cập trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đề xuất việc quản lý, phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh thành lập, Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX. Qua đó, triển khai thực hiện Văn bản số 5647/BGDĐT-QLCL ngày 27/10/2022 của Bộ GDĐT, ban hành hướng dẫn thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm GDNN-GDTX.

Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở Giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư quy định Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX.

Mô hình trung tâm GDNN-GDTX được quy định lần đầu tiên tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV do liên Bộ GDĐT, Lao động, Thương binh- xã hội và Bộ Nội vụ ban hành ngày 19/10/2015 (Thông tư 39). Đây là mô hình chưa có trong Luật Giáo dục 2005, 2009.

Để công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, các cấp ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục hạn chế; kiểm định phải trung thực, thực chất, bình đẳng và theo định kỳ; xây dựng kế hoạch kiểm định chất lượng, biến tự đánh giá thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên, chuyên gia đánh giá ngoài; xây dựng và hoàn chỉnh “Mô hình bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục” đối với trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX trên cả nước…

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG của của Bộ GD&ĐT nghiên cứu, chủ động đề xuất, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo theo hướng tăng cường định lượng cho giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện cho thuận lợi địa phương trong công tác chỉ đạo và thực hiện.

Tạp chí Giáo dục

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19