Giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học. Chỉ trong vài năm đẩy mạnh triển khai, hoạt động STEM tại các trường học đã phát triển và đạt được nhiều thành tích trong nước lẫn quốc tế.

Sôi nổi hoạt động STEM tại các trường học

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023-2024 là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình dạy và học, tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM nhằm thực hiện mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để góp phần chuyển hóa mục tiêu này thành hành động, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mới đây đã tích cực lên kế hoạch và tổ chức Ngày hội công nghệ thông tin và STEM cụm quận Thanh Xuân - Cầu Giấy năm học 2023-2024 với chủ đề “Chuyển đổi số - Giáo dục STEM: Nền tảng cho giáo dục thông minh”.

Đây là dịp để các thầy cô giáo và các chuyên gia trao đổi về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, các phương pháp giáo dục STEM hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Điểm nhấn đặc biệt trong Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM cụm quận Thanh Xuân - Cầu Giấy là hoạt động xem phim khoa học, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ thông tin, STEM, ROBOT. Trong đó, CLB Society of Open Science (SOS) của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đem đến những thí nghiệm khóa học thú vị như thí nghiệm Ruben Tube với khả năng phát ra lửa theo nhịp điệu của âm thanh, thí nghiệm Fire hand đem lại trải nghiệm đặt tay vào lửa mà không thấy nóng rát hay bỏng. 

Hoạt động STEM tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: TN

Từ năm 2020, Bộ GDĐT đã hướng dẫn một số nội dung thực hiện giáo dục STEM và tổ chức, quản lí hoạt động trong trường trung học. Ngày hội STEM tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là một trong nhiều hoạt động đã và đang diễn ra tại các trường học trên cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục STEM đầy mới mẻ nhưng cũng đầy hứng khởi này. Tùy vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM.

PGS.TS Nguyễn Văn Biên, chuyên gia về giáo dục STEM của Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nghiệp vụ sư phạm - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Theo Chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Quan điểm này về giáo dục STEM được thể hiện ngay trong yêu cầu cần đạt của các môn học thuộc lĩnh vực toán, khoa học, kĩ thuật và công nghệ. Chính vì lẽ này, triển khai bài dạy STEM cũng là một trong những giải pháp để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Trên thế giới, giáo dục STEM được triển khai đa dạng theo nhiều loại hình khác nhau. Ở nước ta, theo Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH về triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học, có thể theo 3 loại hình: Bài dạy, hoạt động trải nghiệm và hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, việc linh hoạt áp dụng các hình thức giáo dục STEM được nhiều trường triển khai từ khá lâu, tùy theo điều kiện từng địa phương. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GDĐT TP. Thủ Đức, cho biết, phòng tổ chức ngày hội STEM, xem đây là một hoạt động thường niên mà đơn vị duy trì, đẩy mạnh.

Theo ông Nguyên, thông qua các hoạt động trong ngày hội, học sinh được tiếp cận gần hơn với các dự án STEM, trải nghiệm các hoạt động khoa học, kĩ thuật, từ đó nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo và phát triển bản thân. Ở góc độ quản lí, theo ông Nguyên, đây cũng là sân chơi để các trường học trên địa bàn có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả.

Ông Nguyên cho rằng STEM không phải là những gì quá cao siêu, lớn lao hay phải cần cơ sở vật chất hoành tráng, đồ sộ. STEM là kết hợp các môn để giải quyết vấn đề, đúng với tinh thần dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh như mục tiêu đổi mới giáo dục trong Chương trình GDPT 2018.

Được chú trọng đầu tư, phát triển, thời gian qua học sinh Việt Nam không chỉ đạt nhiều thành tích trong nước mà các đội STEM khi ra đấu trường thế giới đã mang về nhiều thành tích cao như Huy chương Vàng STEM Olympiad quốc tế tại Pháp hay Kì thi Olympic STEM quốc tế (ISTEM) năm 2022 tại CHLB Đức, đoàn học sinh Việt Nam đã đoạt được thành tích xuất sắc với 9 học sinh đạt huy chương ở cả hai bộ môn…

Hi vọng STEM được đưa thành chương trình chính khóa

Để STEM được phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, đại diện các trường đã đưa ra một số ý kiến. Bà Trần Thùy Dương, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho hay: “Từ trước đến nay các CLB STEM của trường đều hoạt động mang tính chất ngoại khóa chứ không phải như kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia. Tôi hy vọng trong thời gian tới, STEM được đưa thành chương trình chính khóa để ghi nhận thành tích cho các học sinh có niềm đam mê STEM trên cả nước”.

Thầy Lê Xuân Quang, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, con đường giáo dục STEM cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có một số lưu ý. Cụ thể, giáo dục STEM thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp cần hướng tới việc cung cấp cho học sinh các tình huống, bối cảnh đa dạng và phong phú đòi hỏi sự phát triển, vận dụng nhiều tri thức kĩ năng, cho phép học sinh tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề theo các cách khác nhau nhằm đạt được kết quả tốt hơn; cung cấp cho học sinh cơ hội sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Một số ý kiến các cho biết, để giáo dục STEM thực sự hiệu quả, cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo giáo viên về xây dựng nội dung giáo dục STEM, cách khai thác các chủ đề STEM trong chương trình hiện hành, phương pháp tiếp cận giáo dục STEM. Tập huấn các phương pháp khơi gợi lòng đam mê khoa học, tìm tòi sáng tạo cho học sinh. Cần tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, trường đại học, Viện nghiên cứu, trung tâm giáo dục STEM, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Đặc biệt cần có cơ chế ghi nhận cho giáo viên và học sinh có kĩ năng, kiến thức, đóng góp trong lĩnh vực…

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19