Ngăn chặn, xử lí nghiêm hành vi xuyên tạc sách giáo khoa

Trong thời gian qua, hàng loạt thông tin xuyên tạc về ngữ liệu sách giáo khoa đã gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chế tài xử lí thích đáng cho các hành vi này đồng thời nâng cao chất lượng sách giáo khoa để tạo sự tin tưởng trong người dân.

Thông tin xuyên tạc gây nhiễu dư luận

Ngay khi những ý kiến trái chiều về bài thơ “Bắt Nạt” được in trong sách giáo khoa thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận thì trên mạng xã hội đã liên tục xuất hiện những thông tin xuyên tạc về những ngữ liệu được cho là có trong sách giáo khoa mới. Mỗi bài đăng kèm hình ảnh và nội dung phóng đại, sai sự thật về sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, như ngữ liệu “Giã giạo thổi cơm”, “Bắn Tung Tóe”, “Bạn An dũng cảm”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Vẽ gì khó”...

Những ngữ liệu này đều có nội dung tiêu cực, văn phong không chuẩn mực, Ví dụ như ngữ liệu “Giã gạo thổi cơm” với nội dung: “Gạo thổi cơm trưa- Cơm thừa để đến tối- Ai vay thì nói dối- nhà tôi hết gạo rồi…”. Vì vậy, với loạt những nội dung không có trong sách giáo khoa hiện hành đang được phát tán trên mạng xã hội như một tài liệu có thật trong sách giáo khoa và thu hút hàng nghìn lượt tương tác, những bình luận tiêu cực đã khiến nhiều người lo lắng, gây hoang mang dư luận.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay những ngữ liệu trên hoàn toàn không có trong sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước những thông tin xuyên tạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng khẳng định đây là những nội dung không có trong bất kì cuốn sách giáo khoa nào đang được giảng dạy tại các nhà trường. Bộ cũng có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên; có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, sai sự thật khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.

Nâng cao tính phản biện trong tiếp nhận thông tin

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, người dân khi tiếp nhận các thông tin, nhất là các thông tin trên mạng xã hội cần có tính phản biện. Ông Tùng khẳng định tất cả các ngữ liệu sử dụng trong sách giáo khoa đều được xem xét vô cùng nghiêm ngặt. 

Mặc dù các tác giả biên soạn sách có thể tự lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách nhưng sự lựa chọn đó phải tuân thủ các yêu cầu rất chặt chẽ, trước hết là phải được sự đồng ý của nhóm tác giả, sau đó là sự phản biện của đội ngũ chuyên gia, của đội ngũ biên tập nhà xuất bản, tiếp đó là sự xét duyệt nhiều vòng của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. “Vì vậy, những ngữ liệu với nội dung không tốt hầu như không có cơ hội xuất hiện trong sách giáo khoa”, ông Tùng nói.

Là một phụ huynh, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay chị nhận được rất nhiều thông tin chia sẻ về những ngữ liệu như Bộ Giáo dục và Đào tạo cảnh báo. “Ban đầu, tôi cũng khá hoang mang vì nhìn các bản sách chụp cũng có những nét tương đồng với sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi bình tĩnh hơn, nhìn kỹ hơn, tôi nhận thấy đây không phải là sách giáo khoa. Tôi cũng tin rằng những ngữ liệu với tính tiêu cực xét trên mọi bình diện như vậy không thể xuất hiện trong sách giáo khoa. Tuy nhiên tôi cũng thấy rất nhiều người tin rằng đó là sách giáo khoa và có những bình luận tiêu cực”, chị Tâm chia sẻ.

Trước những tác động tiêu cực từ các thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội, các nhà trường đã phải nhanh chóng trấn an học sinh và phụ huynh. Bà Lê Hoàn Châu  - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội cho hay để ngăn ngừa những thông tin giả mạo được lan truyền, ảnh hưởng tới các trường, học sinh, trường đã tổ chức những buổi chia sẻ để thầy cô và học sinh hiểu hơn về những thông tin độc hại này.

“Chúng tôi cũng làm công tác tư tưởng đối với giáo viên và phụ huynh nhà trường, cảnh báo phải thận trọng khi tiếp xúc với những thông tin đó và khi chưa có xác minh cũng như ban hành chính thức thông tin của bộ, của sở thì không tham gia bình luận”, bà Châu nói.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vào cuộc xác minh, xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Quá trình điều chỉnh và hợp tác của cộng đồng mạng với các cơ quan quản lí nhà nước sẽ giúp giảm bớt được những thông tin chia sẻ không lành mạnh, không tôn trọng người khác, không an toàn hay là tung những tin giả gây những xáo trộn không cần thiết của xã hội”, ông Sơn nói.

Đây cũng là quan điểm của bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. Theo bà Thúy, những phản ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc xuyên tạc sách giáo khoa như vừa qua là kịp thời và cần thiết để định hướng dư luận cũng như để cho phụ huynh và giáo viên, học sinh an tâm. Đồng tình với việc cần phải xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, bà Thúy cho rằng điều này đã có chế tài tương đối đầy đủ quy định trong Luật An ninh mạng.

Tuy nhiên, theo bà Thúy, đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục nhìn lại việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa trong thời gian qua để có thể có những bộ sách hoàn thiện hơn vì chính việc các sách giáo khoa đã ban hành có những điểm còn “sạn” đã khiến người dân phần nào giảm lòng tin và tạo cơ sở cho những thông tin sai lệch.

Trên thực tế, báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng nêu rõ: Việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11.

Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của người dân trước thông tin giả, thông tin sai sự thật, dư luận cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ siết chặt hơn trong việc thẩm định, từ đó nâng cao chất lượng sách giáo khoa, tạo lòng tin trong người dân về tính chuẩn mực của những ấn phẩm này.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn, xử lí nghiêm hành vi xuyên tạc sách giáo khoa tại chuyên mục Tin giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19