Tiến tới không dùng tiền mặt trong các nhà trường

Dù ngành giáo dục đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan nhưng lạm thu vẫn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, nhất là trong các thời điểm đầu năm học. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tiến tới mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt, nhằm khắc phục tình trạng này. “Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lí bắt buộc việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Đến hẹn lại… lạm thu

Theo quy định, nhà trường được thu các khoản gồm: Học phí; tiền dạy học thêm trong nhà trường; thu hộ Bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế; tiền đồng phục; các khoản thỏa thuận phục vụ công tác bán trú như tiền ăn, nước uống, chăm sóc bán trú. Để tránh tình trạng lạm thu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong đó quy định rõ các khoản ban phụ huynh không được thu. Ủy ban nhân dân các tỉnh cũng có văn bản quy định các khoản thu phù hợp với địa phương mình để phụ huynh biết.

Tuy nhiên đầu năm học 2023-2024, dư luận lại dậy sóng vì các vụ lạm thu ở một số trường học ở các địa phương khác nhau. Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) gây xôn xao khi có bảng dự kiến thu chi quỹ cha mẹ học sinh với 25 khoản, kinh phí hơn nửa tỉ đồng. Trong đó có rất nhiều khoản chi vô lí như tiền công tơ điện, tiền quà đại biểu dự và thuê loa đại hội nghị cán bộ giáo viên, tiền bồi dưỡng học sinh giỏi… Sau khi phụ huynh phản ánh, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, chấn chỉnh, yêu cầu nhà trường đã phải trả lại toàn bộ kinh phí đã vận động của phụ huynh 14/35 lớp với tổng số tiền là trên 162 triệu đồng.

Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng khiến nhiều người choáng váng với khi một lớp vận động thu quỹ cha mẹ học sinh lên đến 10 triệu đồng. Tổng số tiền quỹ hơn 300 triệu đồng nhưng chỉ trong một tháng đã chi đến hơn 260 triệu đồng. Danh mục các khoản chi cho thấy riêng tiền sửa chữa phòng học của lớp này lên đến hơn 200 triệu đồng, ngoài ra còn tiền phục vụ hoạt động văn nghệ dịp khai giảng hơn 12 triệu đồng, tiền trả cước Internet… Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh yêu cầu nhà trường hoàn trả số tiền thu - chi sai quy định cho cha mẹ học sinh. Sau vụ việc này, Sở Giáo dục TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu các trường phải nộp kế hoạch vận động tài trợ để Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở phê duyệt.

Trường THCS Nguyễn Trãi (Hải Dương) có đến 16 khoản thu khác nhau, gồm cả tiền trang bị cơ sở vật chất như mua bàn ghế, tivi, loa đài…với tổng số tiền lên đến 3,8 triệu đồng/học sinh. Sau khi dư luận phán ánh, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Chí Linh (Hải Dương) đã yêu cầu nhà trường trả lại phụ huynh các khoản thu không đúng quy định.

Ngoài ra còn vụ việc thu quỹ cha mẹ học sinh với mức thu cao gây bức xúc tại một số cơ sở giáo dục khác như Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) với mức thu 4,5 triệu đồng/học kỳ ở lớp 12 Văn; Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) chi 20 triệu đồng tiền quỹ phụ huynh cho việc mua sắm cơ sở vật chất của lớp và quà khai giảng cho nhà trường khiến phụ huynh bức xúc.

Cần xử lí mạnh hơn

Trước thực trạng lạm thu gây bức xúc dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo, đề nghị các địa phương, đơn vị chỉ đạo các trường học nghiêm túc thực hiện đúng quy định khoản thu năm học 2023-2024, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học và quán triệt các trường thực hiện việc vận động, quản lí và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định.

Bộ cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát mức thu, khoản thu trong trường học, đặc biệt, các trường có trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về các mức thu, khoản thu.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ đã ban hành đầy đủ hướng dẫn về các khoản thu của trường phổ thông. Theo đó, Thứ trưởng cho rằng điều quan trọng là địa phương, nhà trường phải tăng cường thanh tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, để tiếp tục đẩy mạnh quản lí thu chi trong các nhà trường chặt chẽ hơn, khắc phục tình trạng lạm thu, tiến tới, mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lí bắt buộc thực hiện việc này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Ủng hộ chủ trương này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là giải pháp tích cực trong ngăn chặn lạm thu.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng bên cạnh việc này, ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương cần xây dựng kênh phản hồi công khai để phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp đồng phải xử lí mạnh hơn nữa các trường hợp để xảy ra lạm thu.

“Mặc dù có quy định xử lí, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hầu như các biện pháp mạnh chưa được áp dụng. Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe, không chỉ xem xét trách nhiệm các trường mà cả các cơ quan quản lí cấp phòng, sở, ủy ban nhân dân địa phương”, ông Nhĩ nói.

Đây cũng là quan điểm của bà Tăng Thị Ngọc Mai, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo bà Mai, lạm thu không phải xảy ra một, hai năm mà liên tục qua các năm và ngày càng biến tướng. Điều này cho thấy chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Bà Mai cho rằng sau mỗi vụ lạm thu, chỉ yêu cầu trả lại phụ huynh và ra các văn bản quán triệt là chưa đủ. “Để xảy ra lạm thu trong trường học, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và cần xử lí nghiêm hiệu trưởng. Trường hợp cần thiết có thể đình chỉ công tác hoặc cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới chấm dứt được nạn lạm thu”, bà Mai nói.

Việc xử lí “nhẹ tay” khiến các trường “nhờn luật” và lạm thu “đến hẹn lại lên”, tái diễn năm này qua năm khác cũng là nhận định của ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

“Tôi đồng ý với phương án không thu tiền mặt nhưng cũng đề nghị cần “mạnh tay” hơn trong xử lí vi phạm người đứng đầu nếu để xảy ra lạm thu. Tùy từng mức độ, hiệu trưởng sẽ bị xử lí từ nhắc nhở, phê bình đến cách chức, thôi việc; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hòa nói.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Tiến tới không dùng tiền mặt trong các nhà trường tại chuyên mục Tin giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19