Chương trình giáo dục mầm non gắn liền với mục tiêu đổi mới

Hơn 10 năm qua, Chương trình giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành năm 2009 được triển khai trên toàn quốc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu thay đổi toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đã thực hiện xây dựng, thí điểm để ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới mang tính khoa học cao và phù hợp với thực tiễn phát triển.

Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng vừa đảm bảo tính kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục mầm non hiện hành, vừa bổ sung thêm những điểm mới ưu việt hơn như mang tính thực tiễn cao; phù hợp với quá trình phát triển nhận thức, tâm sinh lý và thể chất của trẻ và sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, đây là một trong những sự thay đổi, phù hợp với tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai ở các cấp học. 

Để đánh giá mức độ phù hợp sau khi xây dựng được khung chương trình nhằm hoàn thiện nội dung trước khi ban hành áp dụng đại trà, Bộ GD-ĐT đã triển khai thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình giáo dục mầm non tại 6 tỉnh, thành phố, đại diện các vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam bao gồm: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, điểm mới của Chương trình giáo dục mầm non đang được thử nghiệm là hướng tiếp cận “Kết quả mong đợi của Chương trình giáo dục mầm non thể hiện các phẩm chất và năng lực chung mang tính cốt lõi, nền tảng, cần thiết, phù hợp với lứa tuổi” và đây là qua điểm xuyên suốt khi xây dựng toàn bộ chương trình. Do vậy, trong quá trình thực hiện thí điểm, ông Lê Anh Vinh mong muốn các giáo viên xem đây là kim chỉ nam để thực hiện triển khai thí điểm chương trình, mang lại kết quả thiết thực nhất.

Là một trong 6 địa phương thực hiện thí điểm Chương trình Giáo dục Mầm non mới cô Lê Thị Lan, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình đánh giá các nội dung thử nghiệm chương trình đều mang lại nhiều hiệu quả đến giáo viên, đặc biệt là đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Từ kế hoạch giáo dục, giáo viên có thể nhận thấy những mục tiêu nào mà trẻ lớp mình đã thực hiện tốt và những mục tiêu nào khó cần có sự điều chỉnh trong hoạt động giáo dục nhằm giúp trẻ đạt được kết quả mong đợi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dễ dàng định hướng được nội dung giáo dục.  

Cô Lê Thị Lan cho hay, thông qua việc xây dựng chủ đề, lên dự án, tổ chức sự kiện có sự hiệu quả rõ rệt trên trẻ, trẻ tự tin, sáng tạo chủ động hơn, có nhiều kỹ năng, biết giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của trẻ. Ngoài ra, giáo viên cũng chủ động hơn, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo tùy theo trình độ của trẻ và thực tiễn của địa phương để xây dựng nội dung, kế hoạch giáo dục trẻ sao cho phù hợp với chủ đề và lứa tuổi. 

Sau quá trình thử nghiệm, tại tỉnh Kon Tum, 100% giáo viên các nhóm, lớp thử nghiệm ở 3 trường tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên được đồng nghiệp, cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn. Giáo viên các nhóm, lớp tham gia thử nghiệm biết vận dụng phương pháp chăm sóc, giáo dục đáp ứng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm; biết khai thác vốn kinh nghiệm của trẻ, biết tạo nhiều cơ hội học cho trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Theo cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum chia sẻ: Trong quá trình triển khai, thực hiện thí điểm một số nội dung của Chương trình giáo dục mầm non mới, giáo viên nhận thức được đánh giá trẻ chú trọng vào quá trình hơn là đánh giá sản phẩm, kết quả. Đánh giá sự tiến bộ của cá nhân, không đánh đồng sự phát triển, không so sánh trẻ với nhau. Đánh giá để điều chỉnh phù hợp hơn với mỗi cá nhân trẻ. 

100% trẻ em trong các nhóm, lớp thử nghiệm được giáo viên hỗ trợ cá nhân và nhóm nhỏ để giúp trẻ theo kịp tiến độ chung với các bạn trong nhóm, lớp. “Đa số trẻ tham gia vào các hoạt động vui vẻ, thích thú. Có thể nhìn thấy sự vui vẻ, thích thú của trẻ qua biểu cảm của gương mặt, qua nụ cười, ánh mắt, sự tập trung vào hoạt động, trẻ đầy sức sống, trẻ tự nhiên, cảm thấy dễ chịu khi tham gia hoạt động, trẻ tự tin và có sự thích ứng cao”, cô Như Quỳnh nhận định. 

Sở GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới đến 03 quận/huyện, trong đó có 4 trường mầm non ở khu vực thuận lợi, 2 trường mầm non ở khu vực khó khăn ở cả hai mô hình công lập và ngoài công lập. Sau thời gian thử nghiệm chương trình, các cán bộ quản lý, giáo viên hiểu được những nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục mầm non mới. Giáo viên linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương. 

Đối với trẻ tại các cơ sở giáo dục thực hiện thử nghiệm chương trình ở Thành phố Hồ Chí Minh, được học qua chơi và trải nghiệm dựa trên các phương pháp tổ chức phù hợp của giáo viên, cơ hội dành cho tất cả trẻ là như nhau và có tính đến việc nâng cao yêu cầu đối với trẻ khá, hạ thấp yêu cầu đối với trẻ chậm hơn. 

Nhấn mạnh việc xây dựng một Chương trình giáo dục mầm non mới có tính phù hợp cao, khoa học và được triển khai vào thực tiễn hiệu quả Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết: Để có những đánh giá thực tiễn tốt nhất, tránh những sai sót không đáng có trong quá trình ban hành triển khai đại trà, thay vì như trước đây, việc thí điểm chỉ được triển khai trong thời gian 1 năm học, thì hiện nay, thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai trong 3 năm học. Việc thực hiện thí điểm với thời gian như vậy nhằm mục đích có cái nhìn toàn diện, đánh giá thực chất về những điểm làm được, không làm được của cả chương trình, ở các lứa tuổi của trẻ mầm non trước khi ban hành.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Chương trình giáo dục mầm non gắn liền với mục tiêu đổi mới tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19