Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới có tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 14 về giáo dục. Trong đó, tiêu chí “Trường học” được đánh giá dựa vào tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia theo 5 nội dung: Tổ chức, quản lý nhà trường; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các xã đạt tiêu chí “Trường học” phải có hơn 80% số trường đạt chuẩn.
Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm xác định các trường đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường tiểu học; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Song song đó, hoạt động công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường tiểu học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường, mở rộng ra là chất lượng của toàn ngành giáo dục địa phương. Lãnh đạo UBND địa phương dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác này; chính quyền các cấp tạo cơ chế và ưu tiên đầu tư nguồn lực để các nhà trường đạt mục tiêu đã đề ra về kiểm định chất lượng và đánh giá trường đạt chuẩn Quốc gia.
Có thể nói, công tác kiểm định chất lượng đã thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên từ phòng GD&ĐT đến các đơn vi trường học. Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi, từ đó quan tâm hơn cho đầu tư giáo dục. Các trường được đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn cũng thực hiện xã hội hóa tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, đồng thuận, ủng hộ cao hơn của phụ huynh học sinh, xã hội.
Cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục; các tiêu chí kiểm định chất lượng; trách nhiệm của từng thành viên trong nhà trường trong công tác kiểm định… Qua đó có biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn, làm sao để hoạt động này trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường. Khi hiệu trưởng, giáo viên quyết tâm đổi mới, sẽ hình thành nên văn hóa chất lượng trong nhà trường. Từng trường một đều hướng tới một quy trình giải quyết công việc bảo đảm chất lượng. Nói đến nhà trường là nói đến chất lượng. Nói đến giáo dục là phải nói đến chất lượng. Phải hình thành văn hóa chất lượng trong mỗi nhà trường.
Các Bộ, ngành, địa phương và nhà trường cần nhận thức đầy đủ và dành nguồn lực, sức lực để đẩy mạnh, nâng cao năng lực tự đánh giá trong nhà trường; cùng với đó là tăng cường số lượng trường được đánh giá ngoài. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt xây dựng kế hoạch để nâng chuẩn đội ngũ đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 theo lộ trình; trong đó đặc biệt lưu ý tạo động lực cho đội ngũ. Ngoài ra, chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Thông qua kiểm định chất lượng, xây dựng được kế hoạch để đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học một cách phù hợp; khơi dậy được văn hóa chất lượng trong nhà trường…
Việc đổi mới công tác quản trị trường học, tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, văn minh, để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy được vai trò, sáng tạo, cũng là yêu cầu, tiêu chuẩn để công nhận chất lượng mà Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là tiêu chí trường học đưa ra.
Tạp chí Giáo dục