Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã nỗ lực bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thiếu trường lớp từ vùng khó đến Thủ đô

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có trên 465.500 phòng học các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông công lập. Trong đó, số phòng học kiên cố là trên 406.000 phòng, đạt tỉ lệ kiên cố hóa là 87,42% . Cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn, thư viện. Tổng số phòng học bộ môn trong cả nước là trên 87.400 phòng. Nhiều địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học.

Số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa còn lớn với trên 59.500 phòng học, nhiều nhất là ở cấp tiểu học khi tỉ lệ phòng học kiên cố hóa ở bậc học này mới đạt 82%. Điều này gây khó khăn cho chủ trương học 2 buổi/ngày, nhất là ở các vùng khó khăn.

Theo bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, tỉnh có địa bàn rộng và dân cư phân tán, đặc biệt vùng biên giới và các huyện 30A, nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, còn nhiều lớp ghép. Thực trạng này làm tăng nhu cầu cơ ở vật chất, trang thiết bị tăng số lượng người cần làm trong ngành giáo dục so với tổng số học sinh. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, còn nhiều điểm lõm về sóng viễn thông và Internet, chất lượng đường truyền chưa đảm bảo. Hầu hết nhà giáo đang công tác tại vùng sâu còn khó khăn về đời sống, nhất là vấn đề nhà ở, nhà công vụ giáo viên, điều kiện đi lại.

Số phòng học thiếu dẫn đến khó khăn trong bố trí lớp học theo yêu cầu chương trình mới, nhất là khi bậc tiểu học phải học hai buổi trên ngày. Tại Cà Mau, theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, tỉ lệ lớp bán trú chỉ chiếm 5%, là một trong những tỉnh có tỉ lệ thấp nhất cả nước. Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chỉ đạt 63%, còn 120 cơ sở giáo dục mầm non phải mượn cơ sở, 170 điểm trường nhỏ lẻ tạm bợ. Trong khi đó các cơ sở giáo dục được đầu tư từ chương trinh mục tiêu kiên cố hóa giai đoạn 1 cũng như đầu tư từ hơn 20 năm trước đã đến thời điểm phải sửa chữa, xây mới. “Để đáp ứng theo yêu cầu của chương trình mới, Cà Mau cần thêm 200 phòng học tiểu học mới đủ dạy 2 buổi/ngày, kinh phí là rất lớn. Cà Mau rất cần kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ cho giáo viên để thầy cô yên tâm công tác”, ông Luân nói.

Trong khi đó ở khu vực đô thị, do việc tăng dân số cơ học nhanh chóng cũng khiến cho hệ thống trường lớp quá tải. Các trường phải dồn học sinh với sỹ số lên đến 50-60 em trong khi thiết kế phòng học chỉ khoảng 35-45 học sinh.

Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bình quân mỗi năm Thủ đô tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương đương với phải xây mới 30-40 trường học nhưng một số địa phương, đặc biệt là các quận nội thành không còn quỹ đất. Theo đó, Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên học sinh thay chỉ tiêu diện tích đất/học sinh. Với các quận nội thành không còn quỹ đất thì cho phép nâng tầng đồng thời xây tầng hầm đối với các trường học để đáp ứng nhu cầu học sinh và khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả.

Đây cũng là kiến nghị của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Anh Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nên nếu vận dụng theo tiêu chuẩn mới thì nhiều trường học cũ học sinh không có chỗ để học. Vì vậy, các trường vẫn phải triển khai theo tiêu chuẩn cũ để đáp ứng phòng học cho các em.

Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Đoàn Giám sát của Quốc hội, trên phạm vi cả nước, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của cả 3 cấp học, từ tiểu học đến trung học phổ thông, là 63.920 phòng, không đạt mức quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT.

Ở cấp tiểu học mới chỉ có 75,5% số trường có phòng tin học và 55,4% số trường có phòng học ngoại ngữ. Quy mô, chất lượng thư viện của các cơ sở giáo dục không đồng đều, còn thiếu 2.086 thư viện để bảo đảm tiêu chí mỗi trường phổ thông có một thư viện. Nhiều thư viện chưa có phòng đọc cho học sinh.

Việc đầu tư xây dựng đủ các phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các phòng chức năng ngoại ngữ, tin học cho tất cả các điểm trường lẻ không khả thi nhưng việc dồn điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn. Bàn ghế học sinh tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn sử dụng bàn ghế loại 4 chỗ ngồi kiểu cũ không phù hợp với mô hình học tập.

Về thiết bị dạy học, cả nước hiện có 211.572 bộ thiết bị dạy học, chỉ đạt khoảng 0,5 bộ/phòng. Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Số lượng bộ thiết bị cần bổ sung lớn trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Máy tính được trang bị tại các phòng học bộ môn Tin học mới đáp ứng nhu cầu cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu. Thiết bị chuyên dùng của phòng học bộ môn ngoại ngữ còn thiếu, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

Chia sẻ từ thực tế địa phương, ông Đỗ Đức Duy, Bí Thư tỉnh Yên Bái cho hay địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại. Ngân sách chi cho giáo dục của Yên Bái trong nhiệm kì trước chiếm 27,8% tổng chi ngân sách toàn tỉnh, nhiệm kì này tăng lên 31,8%, riêng năm 2023 chiếm 33%, trong đó gần 20% là chi đầu tư, còn lại là chi thường xuyên.

Tuy vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Yên Bái vẫn còn thiếu, nhất là thiết bị hiện đại, trong khi công tác mua sắm thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn. Cho rằng đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tháo gỡ trong mua sắm thiết bị, đặc biệt là vấn đề định mức kinh tế kĩ thuật cho hoạt động này.

Khẳng định cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ xác định việc thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục là giải pháp trọng tâm, một trong những nhiệm vụ chính của năm học 2023-2024.

Theo đó, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ cũng sẽ tham mưu các cấp, ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục và đào tạo để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt Tỉ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên, chưa kể chi từ nguồn thu học phí.

Bộ cũng sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Ngành cũng ưu tiên đầu tư củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trí và các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ nỗ lực cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thiết bị dạy học.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: Cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19