Đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ: tiếp cận thiết chế trường đại học

Với mục tiêu thu hút các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế, tăng cường an toàn và đạo đức trong nghiên cứu, hội nhập và hợp tác quốc tế, GS.TS. Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc đã có những đề xuất về việc sửa đổi một số nội dung trong Luật Khoa học và Công nghệ.

Mục đích của việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ

Năm 2013, Quốc hội khoá XIII ban hành Luật Khoa học và Công nghệ (Luật KHCN) và đã sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2018 và năm 2022 ở các Luật liên quan. Luật KHCN đã tạo pháp chế quan trọng cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở nước ta, tuy nhiên cũng bộc lộ một số bất cập trong hệ thống pháp luật và bối cảnh đổi mới quản lý KHCN và hội nhập ĐMST với thế giới. Xã hội và nền kinh tế thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ và khoa học. Luật KHCN cần được cập nhật để phản ánh những thay đổi này và đảm bảo rằng các chính sách và quy định phù hợp với tình hình mới. Luật KHCN cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc sửa đổi Luật có thể bao gồm việc tăng cường các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN trở nên quan trọng. Luật KHCN cần được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Luật cần được cập nhật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Điều này sẽ thúc đẩy sáng tạo và nâng cao giá trị của các phát minh, sáng chế. Các vấn đề mới liên quan đến an toàn, đạo đức trong nghiên cứu KHCN cần được quy định rõ ràng trong Luật. Điều này bao gồm các quy định về an toàn sinh học, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Sửa đổi Luật giúp tăng cường vai trò quản lý của nhà nước trong việc định hướng và giám sát hoạt động KHCN, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực và phát triển bền vững.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật KHCN không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt định vị trường đại học là trung tâm ĐMST, kiến tạo tri thức, kết nối hệ sinh thái KHCN của quốc gia, ngành, lĩnh vực.

Đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Luật KHCN

Từ tiếp cận đổi mới quản lý hoạt động KHCN nói chung và tiếp cận thiết chế trường đại học trong hệ thống KHCN và ĐMST nói riêng, GS.TS. Trần Trung đã có một số đề xuất sửa đổi trong nội dung Luật KHCN như sau:

Về khung cấu trúc và tham chiếu tác động

Cân nhắc có thể bổ sung thêm ĐMST vào tên Luật hoặc giải thích nội hàm đối tượng điều chỉnh trong nội dung Luật để đảm bảo vai trò của hoạt động này trong hệ thống KHCN và ĐMST quốc gia. Làm rõ các tham chiếu tác động của các nội dung dự kiến sửa đổi với các Luật khác có liên quan và các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên/hoặc cam kết thực hiện, như Luật cần có những điều khoản chi tiết và rõ ràng hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm bằng sáng chế, quyền tác giả và các quyền liên quan. Điều này bao gồm việc đăng ký, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo các chuẩn mực quốc tế. Tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tuân thủ các công ước quốc tế như Hiệp định TRIPS, đảm bảo tuân thủ các công ước quốc tế như Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu,…

Nâng cấp một số quy định của Chính phủ đã ban hành và thể hiện được tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn quản lý nhà nước về KHCN để luật hoá nhằm tạo hành lang pháp lý cao hơn cho các mô hình. Thể chế hoá một số thuật ngữ, định hướng trong các văn bản căn cứ chính trị, pháp lý đã nêu tại Tờ trình số 2268/TTr-BKHCN ngày 30/6/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ vào dự thảo đề cương Dự án Luật.

Về đổi mới hoạt động quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với từng lĩnh vực. Bổ sung quy định về đạo đức nghiên cứu, liêm chính học thuật, thử nghiệm có kiểm soát; quy định cụ thể cấp độ, quy trình, thành phần, điều kiện của các vấn đề này trong quá trình quản lý nhà nước về KHCN ở các cấp và có chế tài xử lý gắn với tài trợ nghiên cứu, công nhận kết quả.

Thứ hai, đổi mới mô hình tổ chức Chương trình KHCN các cấp theo hướng thu gọn và có trọng tâm, mũi nhọn, nguồn lực đủ lớn, triển khai kịp thời để giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra; gắn với các chỉ số đo lường mức độ ĐMST quốc gia và quốc tế. Điều chỉnh quy trình đặt hàng, xác định và tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp để thu hút sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan.

Thứ ba, phân nhóm các loại hình tổ chức KHCN và ĐMST phù hợp từ thực tiễn (công lập, ngoài công lập, doanh nghiệp (dịch vụ, start_up, spin_off, Quỹ,…), trong đó làm rõ vai trò của từng loại hình để quy hoạch thành các cấp độ, chú trọng phát huy thiết chế trường đại học để đảm bảo tính liên thông trong nghiên cứu với đóng góp trong chuyển giao. Xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong xây dựng môi trường thể chế, đầu tư hạ tầng KHCN và ĐMST, phát triển thị trường KHCN và truyền thông phổ biến tri thức, kết quả nghiên cứu.

Thứ tư, có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc,… (như cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, môi trường làm việc, nguồn lực và cơ chế giao nhiệm vụ, tôn vinh danh hiệu Nhà nước, hợp tác quốc tế). Quy định cơ chế thí điểm về thu hút nguồn lực tài trợ nghiên cứu và thủ tục hành chính, thanh quyết toán tài chính cho hoạt động KHCN và ĐMST.

Thứ năm, quy hoạch mạng lưới tổ chức KHCN theo hướng tích hợp xuyên ngành với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, Quy hoạch mạng lưới báo chí/tạp chí khoa học, Quy hoạch mạng lưới Hội khoa học chuyên ngành để đồng bộ và phát huy các thiết chế. Có cơ chế kiểm định chất lượng tổ chức KHCN và chương trình nghiên cứu theo bộ tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trích dẫn quốc gia.

KHCN và ĐMST là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp nước ta phát triển nhanh và bền vững, phát huy trí tuệ người Việt trên trường quốc tế, tạo vị thế cho quốc gia. Trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (1930-2030), 100 năm thành lập nước (1945-2045) và xu thế cách mạng công nghiệp, công nghệ, kỹ thuật của thế giới. Việc sửa đổi Luật KHCN sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cao nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững, thu hút tài năng quốc tế: Các chính sách mở cửa và hỗ trợ nghiên cứu sẽ thu hút các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đến làm việc và cống hiến cho Việt Nam, tăng cường an toàn và đạo đức trong nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế và hợp tác với các tổ chức, quốc gia khác. Luật KHCN được sửa đổi sẽ tạo cơ hội để các trường đại học đóng góp vào phát huy nội lực quốc gia và tạo thế đi tắt, đón đầu trong phát triển đất nước.

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ: tiếp cận thiết chế trường đại học tại chuyên mục Chính sách quốc gia của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19