Chính sách đảm bảo công bằng giáo dục tại Việt Nam: thành tựu và phương hướng

Bài viết này cung cấp những kết quả và thách thức trong hệ thống giáo dục dân tộc thiểu số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024. Với tình hình thiếu cơ sở hạ tầng và giáo viên, các cơ sở giáo dục cần tập trung vào việc mở rộng giáo dục phổ thông, tăng cường cơ sở vật chất để cải thiện kết quả giáo dục và công bằng cho các vùng khó khăn.

Theo dữ liệu báo cáo từ Hội nghị Giám đốc sở GDĐT được tổ chức tại thành phố Hải Phòng ngày 22/7/2024, trong năm học 2023 - 2024, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 48 tỉnh, thành phố (giảm 02 trường so với năm học trước), với 103.847 học sinh. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,8%. Bên cạnh đó, trường Hữu nghị 80, trường Hữu nghị T78 (trực thuộc Bộ GD&ĐT) và Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (trực thuộc Ủy ban Dân tộc) có nhiệm vụ dạy học sinh dân tộc nội trú với quy mô hơn 3.000 học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên qua từng năm học.

Bên cạnh hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số bậc Tiểu học và THCS thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm học 2023 - 2024, toàn quốc có 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố, với quy mô khoảng 300 nghìn học sinh. Bên cạnh đó, còn có 2.145 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 38 tỉnh/thành phố với quy mô khoảng 215.000 học sinh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú đã và đang làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng của các trường đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đi học không chuyên cần, tỷ lệ học sinh lưu ban. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, từng bước nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng huy động trẻ em, học sinh đến trường, từng bước nâng cao tỷ lệ trẻ em, học sinh được học 2 buổi/ngày và ăn ở bán trú; tạo các điều kiện để huy động tối đa trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đến trường và hoàn thành chương trình giáo dục, thực hiện đảm bảo các chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vào trường dự bị đại học, khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề.

Việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển giáo dục dân tộc của nhà nước đối với học sinh luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và các đối tượng thiệt thòi khác. Các chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, học sinh dân tộc thiểu số đã có điều kiện học tập tốt hơn, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Năm học 2023 - 2024, cả nước có 06 thứ tiếng dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai dạy chính thức trong trường phổ thông tại tại 22 tỉnh, thành phố, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hiện cả nước có 535 trường phổ thông dạy tiếng dân tộc thiểu số với 4.176 lớp học, có 117.699 học sinh học các thứ tiếng. Hơn nữa, còn có một số tiếng dân tộc thiểu số đang triển khai dạy thực nghiệm tại 16 tỉnh/thành phố, gồm các tiếng, với quy mô dạy thực nghiệm ở hàng trăm trường và hàng chục nghìn học sinh học tiếng dân tộc thiểu số.  Ngoài ra, còn có 8 tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức dạy cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức tại 28 tỉnh trên cả nước.

Những bất cập, hạn chế

Thứ nhất, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu dạy học. Số lượng, chất lượng giáo viên còn thấp, có tình trạng thừa - thiếu cục bộ, cơ cấu giáo viên chưa phù hợp. Chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học còn thấp, chưa phù hợp với thực tiễn. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục rất khó thực hiện ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai thường hay xảy ra gây hậu quả lớn.

Thứ hai, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo cao, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên việc duy trì sự chuyên cần và sĩ số trong các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số cho học sinh trong các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn chưa được thực hiện ở nhiều địa phương.

Giải pháp đảm bảo công bằng giáo dục

Đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với nền giáo dục có chất lượng cho tất cả học sinh là mục tiêu cơ bản, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các khía cạnh khác nhau của hệ thống giáo dục và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Cụ thể:

Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030. Triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp Một đối với con em các dân tộc thiểu số thực hiện theo Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT ngày 08/12/2023 của Bộ GDĐT.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó, ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, các trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.

Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật. Triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Chính sách đảm bảo công bằng giáo dục tại Việt Nam: thành tựu và phương hướng tại chuyên mục Chính sách quốc gia của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19