Một số loại hình văn hóa học tập (Phần 2)

Tiếp nối phần trước, trong bài viết này, GS. TS Phạm Tất Dong trình bày và giải thích 2 loại hình văn hóa học tập là: Loại hình văn hóa học nghề và Loại hình văn hóa học tập suốt đời.

Bạn đọc tìm đọc phần 1 tại: Một số loại hình văn hóa học tập (Phần 1) 

Văn hóa học nghề

Học nghề là lĩnh vực học tập quan trọng đối với con người mà mục tiêu là trở thành người lao động có những năng lực và phẩm chất của người thợ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Có 3 lĩnh vực học tập để trở thành người thợ (công nhân kỹ thuật):

Hướng nghiệp: - Xác định rõ nghề mà người học yêu thích, mong muốn trong nghề đó sẽ cống hiến năng lực, trí tuệ cho xã hội được nhiều nhất; - Tìm hiểu những họa đồ nghề nghiệp (Professiogramme) để biết những điều kiện phải có để theo học nghề, từ đó học hỏi, rèn luyện thể chất, tu dưỡng đạo đức theo yêu cầu của nghề; - Chọn đúng trường đào tạo nghề mà mình yêu thích. Tự do chọn nghề là một giá trị mà hệ thống hướng nghiệp phải bảo đảm cho bất cứ ai đi học nghề. Một người cảm nhận việc chọn nghề của mình được tự do khi họ nhận thấy 3 điều sau: + Công việc trong nghề thỏa mãn sự hứng thú của họ; + Họ thấy mình học nghề thuận lợi do phù hợp với năng lực của họ; + Họ nhận ra nghề họ chọn đang được xã hội quan tâm.

Học nghề: - Học nghề là một quá trình đào tạo mà người học sẽ nỗ lực để thông qua khóa học trở thành người lao động có những năng lực kỹ thuật, năng lực sử dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến, có tư duy kỹ thuật, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; - Trong quá trình học nghề, người thợ tương lai phải rèn luyện kỷ luật lao động trong nghề, tinh thần lao động sáng tạo, ý thức bảo vệ thiết bị máy móc, bảo quản và duy tu công cụ lao động... qua từng bài học; - Coi lao động trong nghề là sự nghiệp gắn với đời mình. Học hỏi liên tục, tự rèn luyện để luôn theo kịp yêu cầu của nghề đặt ra mỗi khi vị trí làm việc được trang bị mới những thiết bị hiện đại, được ứng dụng những công nghệ mới là lẽ sống và là biểu hiện tập trung nhất của lòng yêu nghề.

Khởi nghiệp: Là hoạt động của người lao động trên nền tảng được trang bị những kiến thức về nghề, trình độ tay nghề để sáng tạo ra một việc làm mới, một sản phẩm mới chưa từng có. Cho dù doanh nghiệp khởi tạo nhỏ hoặc siêu nhỏ thì sản phẩm làm ra bao giờ cũng phải mang giá trị mới. Trong quá trình học nghề, người học đã phải nung nấu ý tưởng khởi nghiệp để sẵn sàng vào đời với ý thức cạnh tranh lành mạnh với người khác. Tinh thần khởi nghiệp thể hiện ở sự tìm tòi sáng tạo, dám mạo hiểm, dám chịu rủi ro, biết đứng dậy sau vấp ngã, cạnh tranh trong hợp tác, học hỏi suốt đời để luôn có sự đổi mới trong công việc.

Hình 1. Văn hóa học nghề

Văn hóa học tập suốt đời

Văn hóa học tập suốt đời là một tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập do UNESCO đề xuất, coi đây là một giá trị quan trọng không những cần có ở người học tập suốt đời (Lifelong learner), mà còn cần cho cả các tổ chức, các doanh nghiệp, các tập đoàn v.v...

Văn hóa học tập suốt đời thể hiện ở hành trình đi cùng tri thức để sáng tạo tri thức của cá nhân cũng như của tập thể. Với cá nhân, việc học tập sẽ diễn ra như một quá trình tích lũy kinh nghiệm, xử lý thông tin để tạo nên vốn tri thức của mình. Với tập thể, nhất là đối với những tổ chức sản xuất - kinh doanh, họ cũng cần có  những tri thức của tổ chức làm nền tảng cho việc tạo ra những sản phẩm độc đáo, có thương hiệu ngày càng uy tín... để phát triển trong sự cạnh tranh với các tổ chức khác.

Văn hóa học tập suốt đời luôn hướng việc học tập phục vụ cho sự đổi mới liên tục của cá nhân, của tổ chức và toàn xã hội nhằm mục đích xây dựng một nền giáo dục hưng thịnh, một xã hội thông minh và một dân tộc thông thái.

Học tập suốt đời vừa là một nguyên lý, vừa là một triết lý. Học tập suốt đời là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững của xã hội, phát triển những năng lực tiềm ẩn trong từng cá nhân, giúp cho con người được hoàn toàn tự do trong phát triển tài năng và đức độ. Đó là con đường dẫn đến sự trao quyền ngày càng nhiều để con người giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, đối đầu với các rủi ro, đấu tranh chống lại những tiêu cực trong xã hội.

Văn hóa học tập suốt đời là nền tảng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo của nền giáo dục trong xã hội học tập: Đào tạo những công dân học tập, những công dân số trong xã hội chuyển đổi số và những công dân toàn cầu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các quốc gia tham gia Chương trình xây dựng xã hội học tập do UNESCO điều hành đều đề xuất những năng lực cốt lõi (Core competencies) của các loại hình công dân học tập. Thông thường, họ thường đề ra một danh mục gồm nhiều năng lực cốt lõi, nhưng tùy từng giai đoạn triển khai xã hội học tập mà họ chọn một số năng lực cốt lõi cần thiết nhất. Đó là cách làm khôn ngoan và thiết thực, rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong triển khai mô hình trên thực tế. Trong thập niên 2021 - 2030, định hướng lựa chọn năng lực cốt lõi ở một số nước như sau:

Hoa Kỳ: Chọn 3 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực nhận thức những vấn đề trọng điểm trong thế kỷ XXI (những vấn đề toàn cầu, kinh tế thế giới, kinh doanh và khởi nghiệp, quyền và nghĩa vụ công dân, sức khỏe và bảo vệ môi trường); (2) Năng lực học tập và đổi mới (đổi mới và sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp và hợp tác...); (3) Năng lực cải thiện đời sống, phát triển nghề nghiệp (linh hoạt, thích ứng nhạy bén, tự định hướng, giao thoa văn hóa, trách nhiệm giải trình, năng lực lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm).

Nhật Bản: Xác định 3 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực làm chủ kiến thức cơ bản (đọc hiểu, biết tính toán công việc, sử dụng tốt công nghệ thông tin, xử lý thông tin); (2) Năng lực tư duy (tư duy phê phán, tư duy logic, giải quyết vấn đề hiệu quả, học tập để thích ứng tốt); (3) Năng lực hành động thực tiễn (hành động độc lập, tự chủ, tự hiểu biết, tự chịu trách nhiệm, tăng cường sức khỏe, kỹ năng ra quyết định và lập kế hoạch, hợp tác và thiện cảm với người khác...)

Phần Lan: Xây dựng khung năng lực cốt lõi: (1) Năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và bằng ngoại ngữ; (2) Vận dụng tri thức khoa học, toán, công nghệ thông tin vào công việc và cuộc sống; (3) Năng lực hợp tác và tương tác; (4) Năng lực khởi nghiệp, chủ động tìm kiếm và giải quyết vấn đề.

Singapore: Chọn 6 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực tự học; (2) Năng lực sử dụng công nghệ thông tin; (3) Năng lực sử dụng ngoại ngữ; (4) Năng lực tư duy toàn cầu; (5) Năng lực giao tiếp; (6) Năng lực đóng góp nhiều cho xã hội.

Canada: Xây dựng khung năng lực cốt lõi với 5 năng lực sau: (1) Năng lực sáng tạo, đổi mới với tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; (2) Năng lực sử dụng công nghệ số và máy tính; (3) Năng lực tư duy phản biện; (4) Năng lực giao tiếp và hợp tác; (5) Năng lực sử dụng công nghệ truyền thông và thông tin.

Hàn Quốc: Chọn 6 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực sáng tạo trong hoạt động; (2) Năng lực sử dụng công nghệ số; (3) Năng lực sử dụng ngoại ngữ; (4) Năng lực tư duy phản biện; (5) Năng lực học tập suốt đời; (6) Năng lực đóng góp xây dựng xã hội.

Khối OECD: Xác định 3 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực tự chủ hành động (tự học, hành động tự chủ trong những bối cảnh khác nhau, xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân, xác định nghĩa vụ và quyền lợi cá nhân, điều hòa hợp lý các nhu cầu chung; (2) Năng lực sử dụng công cụ tương tác (sử dụng công nghệ thông tin, vận dụng kiến thức toán, sử dụng ngôn ngữ); (3) Năng lực giao tiếp, tương tác các nhóm xã hội (xây dựng các mối quan hệ người - người, hợp tác và giao tiếp, quản lý công việc, điều hòa những xung đột ý kiến).

Liên minh châu Âu: chọn 8 năng lực cốt lõi: (1) Năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (diễn đạt ngôn ngữ nói và viết mạch lạc, logic; tương tác ngôn ngữ có hiệu quả trong môi trường văn hóa); (2) Năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ (thông qua ngoại ngữ để xây dựng các mối quan hệ tốt, hòa giải những mâu thuẫn, hiểu biết các văn hóa khác); (3) Năng lực toán học, khoa học và công nghệ (biết cách tính toán sắp xếp công việc khoa học, làm việc có cơ sở khoa học hợp lý); (4) Năng lực sống trong môi trường số (năng lực áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông); (5) Năng lực tự học (học cách học); (6) Năng lực công dân (xây dựng các mối quan hệ, tôn trọng con người, bảo vệ quyền công dân); (7) Năng lực sáng tạo (cải tiến kỹ thuật, tạo năng suất lao động cao trong sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp và lập nghiệp); (8) Năng lực nhận thức và biểu đạt (nâng cao trình độ học vấn, trình độ giao tiếp).

Ở Việt Nam, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” có sự lồng ghép các tiêu chí công dân học tập và công dân số. Còn công dân toàn cầu chưa có văn bản chính thức của Nhà nước đề cập đến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bàn đến và đã đào tạo một số công dân toàn cầu cần cho công việc của họ.

Hình 2. Những năng lực cần có ở công dân học tập, công dân số và công dân toàn cầu

Kết luận

Học tập thường xuyên, học tập liên tục, học tập suốt đời là vấn đề cốt lõi trong xây dựng xã hội học tập. Có lẽ không ai phản bác việc học tập khi đứng trước khẩu hiệu: “Giáo dục suốt đời cho mọi người”, nhưng khi thực hành ý tưởng này trong cuộc sống, nhiều người không làm được với nhiều lý do khác nhau. Và khi không thể học tập hàng ngày, người ta lại phải bằng lòng với cuộc sống không có gì mới, không thể cải thiện hơn, một cuộc sống có vẻ an toàn.

Học tập suốt đời là một lối sống trong xã hội hiện đại. Nó tạo ra cho ta năng lực bảo vệ bản thân mình khi hoàn cảnh sống thay đổi. Nó giúp ta luôn thích ứng với môi trường sống đang từng ngày biến đổi, giúp ta luôn hòa đồng với cộng đồng. Học tập suốt đời là điều kiện hàng đầu để người dân trong xã hội được trao quyền để giải quyết hàng loạt những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường sống. Chúng ta sẽ cảm thấy tự do trong cuộc sống của mình. Đó là nội dung cốt lõi của văn hóa học tập.

GS. TS Phạm Tất Dong

Bạn đang đọc bài viết Một số loại hình văn hóa học tập (Phần 2) tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn