Một số loại hình văn hóa học tập (Phần 1)

Bài viết giới thiệu và giải thích quan điểm của GS. TS Phạm Tất Dong về một số loại hình văn hóa học tập. Cụ thể, đó là: (1) Loại hình văn hóa đọc và (2) Loại hình văn hóa tự học.

Văn hóa đọc

Đọc là con đường dẫn ta đi vào thế giới tri thức, tìm kiếm những kiến thức mà ta còn thiếu trong kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Đọc là một cách học thông minh giúp con người phát triển tư duy. Thông qua đọc, việc thâu tóm những khái niệm mới sẽ làm cho quá trình tư duy có nhiều vật liệu để nhào nặn, chế biến, tạo ra những kiến thức mới, những ý tưởng mới.

Trước đây, con người tiến hành việc đọc trên sách báo hàng ngày, các sách giáo khoa và các giáo trình, những sản phẩm khoa học và văn học mà nơi chứa đựng những tư liệu để đọc là những tủ sách trong gia đình, tại nhà văn hóa, nhất là những thư viện lớn nhỏ ở địa phương và ở trung ương. Không ai có thể đọc hết các tài liệu có ở mọi chốn, mọi nơi. Cho dù việc đọc có chọn lọc thì số lượng sách báo mà ta hấp thụ vẫn chỉ là những giọt nước nhỏ trong hồ nước đầy. Càng gia tăng sự trải nghiệm qua sách báo, con người càng thông thái hơn và năng lực chinh phục những mục tiêu của cuộc sống càng gia tăng.

Ngày nay, số lượng những tri thức mới còn nhiều gấp bội khi ta du hành trên mạng Internet để học tập. Nếu không có phương pháp đọc một cách khoa học, chúng ta sẽ bị ngợp trong biển cả những thông tin và tri thức trên mạng. Chính vì thế, ai cũng thấy đọc sách là cần thiết nhưng khó nhất là bắt đầu từ đâu, và tìm ra được sự bắt đầu hợp lý, nhiều người lại bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn để duy trì việc đọc hàng ngày.

Peter Hollins khuyên chúng ta rằng: “Chìa khóa để trở thành người đọc hàng ngày đang nằm trong tay bạn. Khi bạn sử dụng một số phương pháp giúp trở thành người đọc hàng ngày được các chuyên gia khuyến nghị, bạn sẽ khám phá ra rằng, đọc sách mở ra cho bạn một thế giới hoàn toàn mới; và trong quá trình học, bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình”.

Nhưng, phương pháp giúp ta đọc hàng ngày là gì? Dưới đây là một vài cách thức cần thiết:

- Trước hết là tranh thủ những khoảng thời gian rỗi trong chuỗi thời gian của một ngày mới. Có người chọn nửa giờ đồng hồ vào việc đọc báo sau khi ăn điểm tâm, ly cà phê đen có thể giúp ta thấy đầu óc thư thái và lúc đó, đọc là tốt nhất trước khi mặc quần áo chỉnh tề và mang cặp tài liệu đến nơi làm việc. Giữa ca làm việc, ta có thì giờ để đọc một vài trang sách đã được đánh dấu. Như thế, ta đã làm lỗ hổng kiến thức được bù đắp ít nhiều. Có người không chọn giờ buổi sáng để đọc, mà chọn vào giờ trước lúc ăn tối hoặc một giờ trước khi tắt đèn đi ngủ. “Người đọc buổi sáng” và “Người đọc buổi tối” đều cần có phương pháp thích hợp cho việc đọc của chính mình.

- Xác định mục tiêu đọc là rất cần thiết. Mục tiêu đọc cho ngày hôm sau và những ngày tiếp theo trong tuần. Trên cơ sở đó, ta xác định những tài liệu hay sách cần đọc với những định dạng khác nhau, ví dụ sách in, sách điện tử hay sách nói. Nên lưu ý rằng, khi sử dụng các thiết bị thông minh để đọc, có nhiều điều hấp dẫn mà không liên quan với việc học tập làm ta sao nhãng mục tiêu đọc. Cần dứt bỏ những thông tin hấp dẫn đó.

- Không nên tích lũy quá nhiều sách in có nội dung hay nhưng không phục vụ cho việc học. Có những người mỗi lần qua hiệu sách, thấy cuốn sách nào cũng thích nên mua cả chục cuốn một lúc. Kết quả là trên giá sách cá nhân chất đầy đủ loại sách hay mà không có thì giờ đọc. John Naisbitt gọi đó là “nghĩa trang sách”. Cho nên, ở đây nguyên tắc “không cộng nếu chưa trừ” cũng cần áp dụng.

- Với một hệ thống những ứng dụng tìm kiếm tri thức trong các thiết bị công nghệ thông minh, ta có thể dễ dàng đọc những gì đang có trong nhu cầu nhận thức. Vì thế, đọc trên mạng là phương pháp rất cơ bản đối với hành trình học tập của chúng ta.

Văn hóa tự học

Nhiều người bằng lòng với những kiến thức được giảng viên truyền thụ dựa trên sách giáo khoa hoặc giáo trình có sẵn. Họ tỏ ra hài lòng và thỏa mãn với những kiến thức đó. Sau buổi học, họ thường không đặt ra câu hỏi: “Những kiến thức hiện có liệu đã đủ dùng chưa?”, và việc học thêm không bao giờ diễn ra.

Những người như vậy được coi là người học thụ động, hơn nữa, họ yên tâm rằng, những kiến thức sách vở đó giúp họ biết đủ rồi. Họ không hiểu, những kiến thức sách vở được cung cấp trong lớp học chỉ cho ta biết một cách hữu hạn trước một thế giới kiến thức vô hạn. Khi bằng lòng với kiến thức đó, và học thuộc lòng như học kinh thánh thì về thực chất, họ đã là tín đồ của chủ nghĩa giáo điều.

Dorothy Billington nói rằng: “Những gì ta biết trong ngày hôm nay thì ngày hôm sau sẽ bị lỗi thời. Nếu ngừng học tập, chúng ta sẽ ngừng phát triển”. Vì thế, con người phải biết học tập chủ động và không bao giờ thỏa mãn với kiến thức ngày hôm nay.

Tự học một cách chủ động một cách có hiệu quả là học được những gì liên quan đến mục tiêu học tập Cuốn sách “Làm ra làm, chơi ra chơi” (Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World) của Cal Newport đã chứng minh rằng, cách tiến bộ duy nhất của nền kinh tế là nhanh chóng học được những điều khó nhưng có liên quan.

Khi bắt đầu vào kế hoạch tự học, phải đặt cho mình những câu hỏi đúng, liên quan đến tình huống riêng của mình. Những câu hỏi đó mang tính trao quyền, nghĩa là nó phải hướng đến các giải pháp “làm thế nào?”. Biết làm thế nào tức là tìm ra được bí quyết (know - how) để đi đến thành công.

Những câu hỏi đặt ra trong quá trình tự học bao giờ cũng phải bám sát hành trình học tập, theo một chuỗi tuyến tính như sau: - Tôi đang làm việc gì và mục tiêu cần đạt là gì?; - Tôi cần có kiến thức gì để có thể đạt những mục tiêu đó?; - Giải pháp nào để những kiến thức học thêm đưa tôi tới thành công?

GS. TS Phạm Tất Dong

 

 

Bạn đang đọc bài viết Một số loại hình văn hóa học tập (Phần 1) tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn