Sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019, huyện Văn Lâm xác định tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã, duy trì huyện đạt chuẩn NTM theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; gắn việc duy trì các tiêu chí NTM với thực hiện tốt trật tự và văn minh đô thị; đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ đặt biệt là các tiêu chí trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và chỉ đạo đơn vị trong công tác quy hoạch và tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, phát triển các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục, duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, Phòng GD-ÐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới đối với 2 tiêu chí liên quan đến giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể hóa các nội dung chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vào kế hoạch hàng năm; hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Lâm hoàn thành tốt các lĩnh vực công tác. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư. Năm học 2022-2023, các trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tiếp nhận nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhà trường. Hiện nay, chất lượng giáo dục, đào tạo của ngành từng bước được nâng lên, kết quả: (1) Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2022: 11/11 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; (2) Phổ cập giáo dục tiểu học năm 2022: 11/11 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu đúng độ tuổi mức độ 3; (3) Phổ cập giáo dục THCS cấp xã, cấp huyện năm 2022 đạt mức độ 3; + Huy động 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học được học tiếp lớp 6 cấp trung học cơ sở. Toàn cấp học không có học sinh bỏ học; + 11/11 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu đúng độ tuổi mức độ 3.
Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc nên được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay toàn huyện có tổng số 886 phòng học văn hóa. Số phòng học văn hóa kiên cố 837 phòng đạt tỉ lệ 95,5 % (tăng 1% so với cùng kì năm học trước), bán kiên cố 49 phòng đạt tỉ lệ 5,5% (giảm 0,5% so với cùng kì năm học trước). Trong năm học 2022-2023, toàn huyện đã và đang xây mới 108 phòng học, phòng chức năng với tổng trị giá trên 131 tỉ đồng. Trong năm học 2022-2023, các nhà trường đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học với tổng trị giá trên 9,8 tỉ đồng.
Để góp phần thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, ngành GD-ĐT huyện còn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường tham gia các lớp bồi dưỡng đạt chuẩn, trên chuẩn để nâng cao hiệu quả quản lí và dạy học. Ngành GD-ĐT cùng chính quyền địa phương đang tiếp tục quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu giai đoạn tiếp theo đạt các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tài liệu tham khảo
UBND huyện Văn Lâm (2023). Báo cáo Tổng kết năm học 2022-2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.
Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục