Nhìn lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi được gần hết chặng đường và nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Trong đó, có giáo viên chỉ ra 3 điểm mới tích cực và có giáo viên nhận xét đây là sự lột xác, thay đổi tư duy.

Giáo viên kì vọng Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, từ năm học 2019-2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1. Đến năm học 2023-2024 chương trình được triển khai ở lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Như vậy, chỉ còn 1 năm nữa, lộ trình thay đổi sách giáo khoa sẽ hoàn thiện. 

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Nội (Ảnh: PV)

Xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 10 điểm mới liên quan đến Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; Nội dung và thời lượng giáo dục; Phương pháp dạy học; Vai trò sách giáo khoa; Vai trò của giáo viên; Yêu cầu với học sinh; Yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; Vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; Điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Trách nhiệm của địa phương.

Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có những thay đổi rất rõ nét nhất được nhiều giáo viên, nhà trường và các nhà chuyên môn đánh giá cao. 

Trao đổi với PV, thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ, hiện là giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội nhận xét: "Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có 3 điểm mới tích cực là triết lí của nền giáo dục, hướng đến sản phẩm đầu ra, hướng đến phẩm chất và năng lực của người học.

Nhà trường và giáo viên được trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Chương trình mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh.

20 năm dạy môn Ngữ văn, cô Tô Lan Hương, giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội chia sẻ: "Chương trình giáo dục phổ thông mới là sự lột xác, thay đổi tư duy. Môn Văn thay đổi lớn về học và thi. Học sinh không kì cọc ngồi học thuộc và cảm nhận tác phẩm từ lớp 6-12 mà được học cả 4 kĩ năng nghe nói đọc viết". 

Trong Hội nghị đánh giá tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kết quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương, cơ sở giáo dục trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã được thực hiện có hiệu quả; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.   

Việc dài nhất, thách thức nhất nhưng sẽ thay đổi sâu sắc nhất 

Nhận xét về chương trình mới, thầy Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên Vật lí ở Hà Nội cũng cho biết tạo cho giáo viên năng động, học hỏi, tìm tòi nhiều hơn: "Giáo án chương trình mới mặc dù ít chữ, ít trang hơn, đặc biệt với môn Vật lí chương trình mới có một đặc trưng là cần rất nhiều thực hành, nhưng việc chuẩn bị của giáo viên phải nhiều hơn, không chỉ dừng ở những gì viết ra ở phiếu bài tập và phải huy động trí tuệ tập thể trong giáo án mới".

Học sinh Trường THPT Kim Liên trong ngày bế giảng (Ảnh: PV)

Cô Tô Lan Hương, giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu nhận xét: "Cái khó của giáo viên khi triển khai chương trình 2018 là tổ chức phương pháp. Đối với các môn khoa học tự nhiên còn có thực hành hỗ trợ, còn môn Văn để tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm thế nào cho mới, cho cuốn hút là không dễ. Soạn giáo án mặc dù số chữ ít hơn nhưng thời gian bỏ ra nhiều".

Tuy nhiên, TS. Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ GDĐT đánh giá: "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình giáo dục đổi mới tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới tương. Chương trình có nhiều nổi trội, trang bị kiến thức phổ thông vừa phải, chú trọng phát triển năng lực cho người học, phát triển bản thân, kĩ năng, ngoại ngữ hội nhập toàn cầu... Chương trình có những ưu việt đồng thời kế thừa những ưu điểm trước đó. Trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn nhất định nhưng về tổng thể, tôi khẳng định chương trình sẽ thành công".

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: "Dù còn những khó khăn, bất cập, dù còn những trăn trở nhưng chúng ra có niềm tin về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018".

Nói về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 thì triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục".

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19