Tiếp tục lan tỏa mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã

Mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã đã từng bước xây dựng xã hội học tập, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, trình độ dân trí, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư và phong trào bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh...

Thực hiện Thông tư 44/2014/TTBGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về xây dựng xã hội học tập luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan và sự đồng thuận của người dân trên nhiều địa phương cả nước.

Thời gian qua, các cấp hội khuyến học trên cả nước đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các nội dung xây dựng mô hình Cộng đồng học tập cấp xã với nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ đó, phát huy ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp hội khuyến học còn tham mưu UBND cùng cấp thành lập ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, xác định công tác đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã là việc làm quan trọng nên hội chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập, gắn kết các tiêu chí của cộng đồng học tập cấp xã với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Điều đáng ghi nhận là việc đánh giá đã đi vào thực chất, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy trình…

Có thể thấy, với sự nỗ lực của các cấp hội khuyến học, mô hình cộng đồng học tập cấp xã đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp Nhân dân và phát huy vai trò nòng cốt của hội khuyến học trong việc xây dựng xã hội học tập ngày càng vững mạnh ngay từ cơ sở.

Ở bất cứ đơn vị nào, khi triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân bước đầu đã có nhận thức đúng việc xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân; hiểu được sự cần thiết của công tác xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới.

Từ nhận thức đó, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tại nhiều địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được đẩy mạnh tạo mọi thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các ngành, đoàn thể bước đầu đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của ngành mình, tổ chức mình và đơn vị mình tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công.

Tác động nữa là triển khai công tác này đã thực sự động viên, khuyến khích phong trào xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Giúp cấp xã tự đánh giá để lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng “Cộng đồng học tập” phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời giúp UBND các cấp đánh giá thực trạng xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo đúng mục tiêu đề ra trong chủ trương này của Trung ương.

Xác định được công tác đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã là việc làm thường xuyên, hàng năm để nhằm giúp cho các đơn vị địa phương cấp xã đánh giá thực chất và hiệu quả hơn công tác xây dựng xã hội học tập tại địa phương; góp phần đánh giá về sự chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học tập suốt đời, học tập thường xuyên để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề góp phần nâng cao năng xuất lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương…

Mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo và xây dựng xã hội học tập ngày càng vững mạnh trên địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục lan tỏa mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã tại chuyên mục CT MTQG xây dựng nông thôn mới lĩnh vực GD của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn