Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực GD và ÐT, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ngành GD và ÐT đã chủ động, tích cực vào cuộc một cách quyết liệt với quyết tâm hoàn thành 2 tiêu chí của ngành. Ðể làm được điều đó, ngành GD và ÐT đã phổ biến chủ trương của Ðảng, Nhà nước về Chương trình xây dựng NTM, nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí về trường học và giáo dục một cách cụ thể, khoa học phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị để bảo đảm hiệu quả. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là mục tiêu quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu Quốc gia nông thôn mới.
Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, tài liệu dạy học chưa đầy đủ. Một số lớp xóa mù chữ thiếu tài liệu học tập dẫn đến chất lượng chưa cao. Việc mở các lớp xóa mù chữ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và cấp chung cho công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ hằng năm.
Nghị định cũng quy định các tiêu chuẩn công nhận các xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đạt chuẩn xóa mù chữ.
Điểm mới của Nghị định 20/2014/NĐ-CP so với Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001 là về tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trong khi Nghị định 88/2001/NĐ-CP chỉ quy định một mức công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì Nghị định 20/2014/NĐ-CP quy định chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở có 3 mức độ: 1, 2, 3.
Trong đó, xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 phải bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.
Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 phải có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Để đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và mức độ 3 thì đòi hỏi yêu cầu cao hơn về tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở.
Để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, ngành Giáo dục cần có những biện pháp phát triển, đẩy lùi thực trạng mù chữ. Tiếp tục quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình của từng địa phương, nhằm đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như yêu cầu phát triển lâu dài của các cấp học, yêu cầu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và thực hiện đổi mới giáo dục; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường một cách đa dạng, phù hợp và hiệu quả. Tăng cường đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với học sinh theo đặc trưng của vùng miền, đảm bảo phát triển về năng lực, phẩm chất của người học.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin quản lý PCGD và tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng có hiệu quả các phần mềm hỗ trợ quản lý giáo dục, phần mềm PCGD, XMC...; hằng năm, rà soát, sắp xếp lại các điểm trường đảm bảo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác quản lý và tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp, trong đó ưu tiên trường học vùng khó khăn; từng bước xóa phòng học tạm và đảm bảo đủ phòng học an toàn; không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ...
Đầu tư mua sắm đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các trường học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC lồng ghép thông qua các kỳ kiểm tra chuyên môn, thường xuyên, định kỳ ở các đơn vị nhằm củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCGD, XMC.
Xây dựng mối liên kết giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với các sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, tổ chức xã hội để huy động các nguồn lực tham gia phát triển giáo dục, góp phần đảm bảo chất lượng và hiệu quả PCGD, XMC; chủ động lồng ghép các chương trình, đề án, dự án và huy động nguồn lực của xã hội để duy trì, củng cố kết quả PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học, THCS và XMC.
Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư phát triển trường, lớp và TTHTCĐ; tăng cường công tác hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để các em học sinh có điều kiện học tập...và nhiều giải pháp hữu hiệu khác.
Công tác xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Việc này nhằm thực hiện một cách có tổ chức, mục tiêu lâu dài, đảm bảo hiệu quả và gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội như xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức sinh hoạt của nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng đọc sách...
Tạp chí Giáo dục