Động lực học tập của học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dung trình bày kết quả khảo sát giáo viên và học sinh các trường trung học công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về động lực học tập và các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh. Kết quả nghiên cứu góp phần định hướng cho việc đề xuất các biện pháp giúp giáo viên trung học phổ thông tạo động lực học tập cho học sinh một cách hiệu quả.

Động lực học tập là khao khát, mong muốn, hào hứng, cảm thấy có trách nhiệm và đầy nhiệt huyết trong quá trình học tập”. Có thể hiểu, động lực học tập của học sinh là sự thúc đẩy bên trong khiến cho học sinh tích cực và nỗ lực học tập đạt hiệu quả cao. Những biểu hiện nổi bật khi học sinh có động lực học tập là học sinh sẽ chăm chỉ; hăng hái, tích cực; tự giác, chủ động; hứng thú, say mê; nỗ lực, kiên trì vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động tích cực lẫn tiêu cực đến người học thì việc tạo động lực học tập cho học sinh càng trở nên quan trọng. Do đó, nghiên cứu về động lực học tập và các yếu tố ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh THPT, đặc biệt cần thiết với học sinh THPT ở TP. Hồ Chí Minh - thành phố đông dân với số lượng học sinh THPT chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số HS THPT của cả nước; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu này trình bày kết quả khảo sát thực trạng động lực học tập của học sinh THPT TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu góp phần định hướng cho việc đề xuất các biện pháp giúp giáo viên THPT tạo động lực cho học sinh một cách hiệu quả.

Nguồn: Sưu tầm

Để làm rõ thực trạng động lực học tập của học sinh THPT TP. Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các biện pháp nâng cao động lực học tập cho học sinh THPT ở địa phương, khảo sát được tiến hành vào thời điểm tháng 3/2022 tại các trường THPT công lập ở 7 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành và 3 quận của TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh. Mẫu khảo sát bao gồm 789 giáo viên và 5.473 học sinh, được chọn bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi với học sinh và giáo viên. Thang đo Likert 4 mức độ với điểm trung bình được chia khoảng như sau: 1,0-1,75 điểm: Hoàn toàn không đồng ý/Hoàn toàn không ảnh hưởng; 1,76-2,50 điểm: Không đồng ý/Không ảnh hưởng; 2,51-3,25 điểm: Có phần đồng ý/Có phần ảnh hưởng; 3,26-4,00 điểm: Đồng ý/Ảnh hưởng. Dùng phần mềm SPSS để tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn và xếp hạng; đồng thời phân tích kết quả T-test và Anova.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cho thấy, các biểu hiện động lực học tập của học sinh không cao. Trong số 5 biểu hiện động lực học tập được khảo sát, có 2 biểu hiện được đánh giá cao nhất là “chăm chỉ” và “nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ học tập”; các biểu hiện khác như: tự giác, chủ động; hăng hái, nhiệt tình; hứng thú, say mê trong học tập chưa được đánh giá cao. Động lực học tập của học sinh THPT ở TP. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố; trong đó, sự phát triển khoa học công nghệ như mạng Internet, các phương tiện học tập hiện đại... được đánh giá có mức độ ảnh hưởng cao nhất. Mặt khác, ngoài yếu tố chủ quan thuộc về cá nhân học sinh (nhu cầu, ước muốn, hứng thú, đặc điểm tính cách, năng lực,...), yếu tố thuộc về giảng dạy của giáo viên như phương pháp và hình thức dạy học mà giáo viên sử dụng, nội dung mà giáo viên giảng dạy, cách đánh giá kết quả học tập đều được đánh giá có mức độ ảnh hưởng cao đến động lực học tập của học sinh. Kết quả khảo sát này góp phần đề xuất các biện pháp giúp giáo viên phổ thông động viên học sinh một cách hiệu quả.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dung đã mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo về các biện pháp nâng cao động lực học tập cho học sinh THPT ở TP. Hồ Chí Minh như các biện pháp phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của môi trường xã hội đến động lực học tập của học sinh; các biện pháp tạo nhu cầu, hứng thú học tập cho học sinh; nghiên cứu về tiêu chí giúp giáo viên lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức và cách đánh giá kết quả học tập nhằm tạo động lực học tập cho học sinh.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu dưới đây.

Huyền Đức

Nguồn: Nguyễn Thị Thùy Dung (2022). Động lực học tập của học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Giáo dục, 22(13), 46-50.

Bạn đang đọc bài viết Động lực học tập của học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19