Xu hướng phát triển đào tạo trực tuyến ở các trường đại học tư thục Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Đào tạo trực tuyến (E-learning) ngày càng phát triển và trở nên phổ biến ở các quốc gia. Nghiên cứu của Phạm Thị Lĩnh (2021) khái quát xu hướng phát triển đào tạo trực tuyến trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, phân tích những thuận lợi và khó khăn của các trường đại học tư thục khi áp dụng hình thức đào tạo này. Từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển đào tạo trực tuyến ở các trường đại học tư thục ở Việt Nam.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Đào tạo trực tuyến (E-learning) ngày càng phát triển và trở nên phổ biến ở các quốc gia. Theo đó, giáo dục đại học phải trở thành “một hệ sinh thái”, giúp sinh viên có thể cùng học tập mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị được kết nối. Mục tiêu và cách thức đào tạo của các trường đại học phải chuyển từ truyền thụ kiến thức cho số đông sang khai phóng tiềm năng, đồng thời trao quyền sáng tạo cho từng cá nhân. Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học nói chung, trường đại học tư thục nói riêng là một tất yếu, giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo. Nghiên cứu của Phạm Thị Lĩnh (2021) trình bày khái quát xu hướng phát triển đào tạo trực tuyến trong Cách mạng công nghiệp 4.0, phân tích những thuận lợi, khó khăn của các trường đại học tư thục khi áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến và đề xuất một số giải pháp phát triển đào tạo trực tuyến ở các trường đại học tư thục tại Việt Nam.

Nguồn: Cleverclip

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ cuối những năm 1990, Chính phủ Mỹ đã ủng hộ việc dạy và học điện tử. Đến năm 2000, gần 47% các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ đã triển khai các khóa học trực tuyến với 54.000 khóa học. Số lượng người tham gia học tăng 33% hàng năm từ 1999 đến 2004. Cuối năm 2004, khoảng 90% các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ áp dụng mô hình E-learning. E-learning được triển khai mạnh mẽ tại các trường đại học và công ty, giúp nhân viên có kiến thức và kỹ năng cần thiết. Công nghệ phát triển từ năm 2010 làm E-learning lan tỏa toàn cầu, với số người tham gia tăng từ 36 triệu (năm 2015) lên gần 70 triệu (năm 2017). Doanh thu ngành E-learning tăng, đạt 51,5 tỷ USD năm 2016 và hơn 100 tỷ USD năm 2017. Dần dần, E-learning trở thành mô hình học tập thu hút nhiều người, đặc biệt là tại các trường đại học, giúp người học tương tác mọi lúc, mọi nơi qua ứng dụng di động và mạng xã hội.

Nghiên cứu cũng cho thấy cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu học tập suốt đời ngày càng tăng, học tập trực tuyến E-learning là một xu hướng tất yếu mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam hướng tới và đẩy mạnh. Trong Cách mạng công nghiệp 4.0 các trường đại học nói chung, đại học tư thục tại Việt Nam nói riêng có điều kiện cơ sở hạ tầng giáo dục số thuận lợi để phát triển E-learning, đồng thời hoạt động đào tạo ở các trường khá đa dạng, phong phú với nhiều nội dung có thể áp dụng dạy học trực tuyến. Các trường đại học tư thục đã có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, nguồn học liệu số phục vụ cho dạy học trực tuyến. Các trường đã đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có những trường đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các trường cũng quan tâm đến phát triển các nguồn dữ liệu thông tin, nội dung kiến thức giáo dục đầu vào được số hóa (thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ) và chuyển giao qua công cụ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về “đa giác quan hóa” và tương tác mạnh cho người học. Có thể thấy, đào tạo trực tuyến E-learning mang lại nhiều lợi ích như đơn giản và dễ tiếp cận đối với người học; tính linh hoạt giúp người học hoàn toàn chủ động về thời gian, không gian học, lựa chọn khóa học, nội dung học tập phù hợp; giáo trình, tài liệu có tính đồng bộ cao... Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đào tạo này ở các trường đào tạo tư thục, bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại như: Việc áp dụng E-learning cho đào tạo chính quy, đào tạo sau đại học không có cơ sở pháp lý rõ ràng để áp dụng; các trường đại học tư thục thiếu kinh phí để đầu tư phát triển, các dự án thường tiến hành nhờ vào nguồn tài trợ của nước ngoài; Thiếu giảng viên;...

Vì vậy, để phát triển đào tạo trực tuyến, các trường đại học tư thục cần phải hành động quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; đồng thời cần có sự hỗ trợ, định hướng kịp thời từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể như sau: (1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển đào tạo trực tuyến ở các trường đại học tư thục Việt Nam; (2) Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho giáo dục đại học nói chung và đại học tư thục nói riêng nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trường đại học tư thục phát triển; (3) Quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên; (4) Nâng cấp hạ tầng phục vụ E-learning; (5) Tăng cường hợp tác giữa đại học tư thục và doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu dưới đây.

Huyền Đức giới thiệu

Nguồn: Phạm Thị Lĩnh (2021). Đào tạo trực tuyến ở các trường đại học tư thục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Giáo dục, 496, 49-54.

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19