Ở Việt Nam, sự đa dạng ngôn ngữ là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, chính sự đa dạng đó cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong giáo dục, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo. Học sinh dân tộc thiểu số thường bắt đầu quá trình học tập với rào cản ngôn ngữ, dẫn đến khó khăn trong tiếp thu kiến thức, gia tăng nguy cơ bỏ học và làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Nhằm khắc phục bất bình đẳng này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy giảng dạy tiếng dân tộc, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho các nhóm yếu thế. Đặc biệt, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định đảm bảo cơ hội học tập công bằng, bình đẳng cho mọi người dân, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tháo gỡ rào cản ngôn ngữ
Thực tế cho thấy, ở một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Trà Vinh… đã triển khai giảng dạy song song tiếng Việt và tiếng dân tộc. Từ đó, học sinh có kết quả học tập và tỷ lệ duy trì sĩ số lớp học tốt hơn. Đây là minh chứng cho việc khi rào cản ngôn ngữ được tháo gỡ sẽ tạo cơ hội mở rộng cánh cửa kết nối tri thức cho người học.
Ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định mới về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số bao gồm: Điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với giáo viên và người học tiếng dân tộc thiểu số; in ấn, phát hành và chuyển giao sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Nghị định 96/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ, giáo viên và người học được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật có liên quan. Điều này tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa tài liệu giảng dạy, phù hợp với văn hóa từng vùng, tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức một cách bài bản.
Cùng với đó, nhiều năm qua, thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số, trong đó có bồi dưỡng giáo viên người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mà còn nuôi dưỡng đội ngũ giáo dục gắn bó với cộng đồng, hiểu và gần gũi với học sinh.
Cam kết chiến lược và hành động ưu tiên
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, một trong các mục tiêu đến năm 2030 là: Thực hiện công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt ưu tiên các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, giảng dạy tiếng dân tộc là hành động nhằm thực hiện hóa bình đẳng ngay từ ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, chiến lược còn định hướng phát triển các chương trình giáo dục linh hoạt, phù hợp với văn hóa và điều kiện thực tiễn của từng vùng miền. Sự linh hoạt này thể hiện ở việc thúc đẩy dạy học tiếng dân tộc như môn học tự chọn, đồng thời khuyến khích các địa phương tự xây dựng chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc phù hợp với nhu cầu cộng đồng.
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại hướng đến cá thể hóa và phát triển năng lực toàn diện của người học, việc bảo tồn ngôn ngữ dân tộc gắn với giáo dục góp phần hiện thực giáo dục công bằng, bình đẳng, toàn diện. Việc giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số đang từng bước khẳng định vai trò chiến lược trong hệ thống giáo dục quốc gia, góp phần thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo tồn văn hóa dân tộc. Để việc giảng dạy tiếng dân tộc đạt hiệu quả, cần sự đồng lòng và vào cuộc từ Chính phủ, Bộ GDĐT, các địa phương, vì một nền giáo dục công bằng, mọi học sinh đều có cơ hội học tập và phát triển.
Hà Giang